Sẽ trưng cầu dân ý về kéo dài đầu số 09x

01/08/2011 15:03 GMT+7

Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu thực tế, lấy ý kiến doanh nghiệp và người dân đối với phương án kéo dài đầu số di động 09 lên thành 11 số, hoặc thêm đầu số mới.

Hiện việc tranh luận về tăng độ dài thuê bao hạy thêm đầu số sẽ được quyết định sau khi trưng cầu dân ý và doanh nghiệp. Ảnh: TH

Sáng nay (1/8), ông Phạm Hồng Hải - Vụ trưởng Vụ Viễn thông Bộ TT&TT đã có ý kiến chính thức tại trang thông tin điện tử của Bộ xung quanh vấn đề có kéo dài đầu số di động hay không.

Ông Hải cho biết Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu tình hình thực tế, lấy ý kiến của các doanh nghiệp và người dân đối với phương án thay đổi quy hoạch kho số viễn thông này. Nếu phương án kéo dài số thuê bao là hợp lý và khả thi, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có kế hoạch triển khai và áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp. Trường hợp không nên kéo dài số thuê bao di động, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phương án cấp thêm mã mạng di động mới cho doanh nghiệp khi có yêu cầu trên cơ sở doanh nghiệp đảm bảo sử dụng hiệu quả kho số đã cấp.

Gần đây có thông tin về việc kéo dài số thuê bao di động từ 7 chữ số lên 8 chữ số (mã mạng 9x). Tuy nhiên, hiện tại Bộ chưa nhận được văn bản của các doanh nghiệp di động về vấn đề trên. Trên cơ sở văn bản của các doanh nghiệp, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nếu cần thiết Bộ sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung ban hành quy hoạch kho số mới thay thế quy hoạch hiện tại. Trước đây một năm, ngày 29/6/2010 Bộ cũng đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp di động về vấn đề tăng cường công tác quản lý kho số thuê bao di động và mở rộng độ dài số thuê bao di động.

Tại cuộc họp trước đó, đa số các doanh nghiệp đều có ý kiến vẫn tiếp tục sử dụng mạng đa mã như hiện nay, không mở rộng độ dài số thuê bao di động để tránh ảnh hưởng đến người sử dụng dịch vụ. Trên cơ sở kết quả cuộc họp, Bộ TT&TT đã quyết định không mở rộng số thuê bao số thuê bao di động tại thời điểm đó và tiến hành cấp mã mạng di động mới theo quy hoạch.

Ông Phạm Hồng Hải khẳng định, nếu có ý kiến của các doanh nghiệp di động Bộ sẽ tiến hành nghiên cứu, xem xét, nếu cần sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung quy hoạch kho số viễn thông. Trên cơ sở quy hoạch kho số viễn thông, Bộ sẽ tiến hành các công tác liên quan đến việc đổi số thuê bao viễn thông. Vấn đề đặt ra là đổi số thế nào để đỡ ảnh hưởng nhất đến người sử dụng dịch vụ viễn thông. Nội dung này đã được quy định tại Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông (Quy tắc thêm số dễ nhớ, đơn giản. Thông báo trước 60 ngày đến các thuê bao, trên phương tiện thông tin đại chúng, cho phép gọi đồng thời cách cũ và cách mới sau đó nếu thấy vẫn gọi theo cách cũ thì nhắc nhở tự động để thuê bao tự thêm chữ số đầu tiên vào, …). Như vậy sẽ không có việc doanh nghiệp viễn thông nào thích đổi số thì đổi mà phải tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành và phải thông báo cho người dân về thời điểm đổi số ít nhất là 60 ngày trước khi tiến hành đổi số.

Ông Phạm Hồng Hải cho rằng, về lý thuyết để tăng dung lượng kho số thuê bao di động có hai cách chính: Thứ nhất là tăng độ dài số thuê bao di động hay độ dài mã mạng đang sử dụng và thứ hai là thêm mã mạng di động mới. Cách thứ nhất có ưu điểm là không phải sử dụng nhiều mã mạng di động tuy nhiên có một nhược điểm là phải tiến hành đổi số thuê bao di động, gây bất tiện và tăng chi phí cho xã hội trong việc sử dụng các dịch vụ viễn thông. Cách thứ hai các số thuê bao di động đang hoạt động không phải đổi số; không gây bất tiện cho người sử dụng; không tăng chi phí cho doanh nghiệp, xã hội tuy nhiên phải sử dụng nhiều mã mạng di động.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước phát triển tại Châu Âu và trong khu vực ASEAN + 3 đều sử dụng mạng đa mã cho việc mở rộng quỹ số mạng di động, đặc biệt là các nước có quy mô dân số giống với Việt Nam như Philippines, ThaiLand, Malaysia, Indonesia… không những sử dụng mạng đa mã mà độ dài mã mạng cũng thay đổi từ 2, 3 đến 4 chữ số. Trên thế giới chỉ có Trung Quốc, Ấn Độ sử dụng độ dài số thuê bao di động là 8 chữ số do quy mô dân số của hai quốc gia này quá lớn trên 1 tỷ dân.

Còn thực tế tại Việt Nam, ngày 11/11/2005, Bộ Bưu chính, Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) có công văn số 2278/BBCVT-VT gửi các doanh nghiệp thông tin di động về việc góp ý về các vấn đề liên quan đến quy hoạch và quy định quản lý kho số. Đa số các ý kiến góp ý đều đồng ý với phương án cấp thêm mã mạng mới (mạng di động đa mã mạng) để tăng dung lượng quỹ số thuê bao di động. Bộ TT&TT đã cấp thêm mã mạng 16x (x=0-9) cho Viettel; mã mạng 12x cho VNPT; mã mạng 199 cho GTEL để phát triển quỹ số mạng di động phục vụ sản xuất kinh doanh. Hiện tại các đầu số này vẫn được các doanh nghiệp di động sử dụng để phát triển mạng lưới và cấp lại cho người sử dụng dịch vụ bình thường.

Theo quy định của WTO, Nhà nước không được quy định số lượng Nhà khai thác di động mà thực tế của Việt Nam chỉ có 10 đầu 9x (tương đương với 10 mạng di động). Hiện nay Việt Nam đã có 7 mạng di động và 2 mạng di động ảo, có thể sẽ có thêm các mạng di động ảo (full MVNO) với số lượng không hạn chế, vì vậy không thể tránh khỏi việc sử dụng thêm các mã mạng di động mới. Tại thời điểm đó, đa số các ý kiến phản hồi của người dân cũng không muốn đổi số thuê bao di động.

Trả lời về vấn đề nếu cấp thêm đầu số vào thời điểm này sẽ lãng phí nguồn kho số của Việt Nam hay không? Ông Phạm Hồng Hải cho rằng việc cấp thêm đầu số hoặc cấp thêm số thuê bao, kể cả việc đổi số lại có liên quan đến việc sử dụng hiệu quả kho số viễn thông. Bộ đã cấp hơn 200 triệu số thuê bao cho các doanh nghiệp di động, trong khi số thuê bao thực của các doanh nghiệp chỉ khoảng 112 triệu, như vậy hiệu suất sử dụng kho số của các doanh nghiệp di động của ta ở mức thấp dưới 50%.

Để nâng cao hiệu suất sử dụng kho số viễn thông, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả Bộ đã có văn bản hướng dẫn việc quản lý, phân bổ kho số viễn thông gửi tới các doanh nghiệp viễn thông trong đó quy định rõ các doanh nghiệp chỉ được phân bổ thêm kho số viễn thông khi đạt được hiệu suất sử dụng nhất định (từ trên 65%, 75% hoặc 85% tùy từng quy mô kho số của mỗi doanh nghiệp). Hiệu suất này tính dựa trên số thuê bao phát sinh lưu lượng hàng tháng (số thuê bao thực tế trên mạng có phát sinh cước) trên tổng số thuê bao được phân bổ. Thực tế là từ khi văn bản này ban hành đến nay đã hơn một năm chưa có doanh nghiệp nào xin cấp thêm số thuê bao di động (nghĩa là Bộ cũng chưa cấp thêm đầu số thuê bao di động nào từ hơn một năm nay).

Vẫn theo ông Phạm Hồng Hải, ngoài văn bản trên Bộ cũng đã, đang và sẽ tiến hành xây dựng, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện và ban hành các chính sách sau nhằm đảm bảo việc sử dụng kho số viễn thông tiết kiệm, hiệu quả như tiếp tục thực hiện việc quản lý khuyến mại trong viễn thông và t iếp tục thực hiện và đề xuất sửa đổi những bất cập trong các văn bản hiện hành về quản lý thuê bao trả trước và đề xuất xây dựng hệ thống các chính sách về giữ nguyên số thuê bao di động khi chuyển mạng. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi, xây dựng các quy định mới về lệ phí phân bổ và phí sử dụng kho số viễn thông; phí quyền hoạt động viễn thông, đồng thời tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp viễn thông tin di động về công tác quản lý, sử dụng kho số di động.