Tablet giá rẻ Trung Quốc ế ẩm tại Việt Nam

03/12/2013 10:54 GMT+7

Tablet giá rẻ thương hiệu Trung Quốc ngày càng khó bán, cho dù đã phải giảm giá đến mức dưới 1,5 triệu đồng nhưng vẫn không được người tiêu dùng quan tâm, lắm nơi lao đao chỉ lo giải phóng cho hết hàng tồn nhập về từ nhiều tháng nay.

Sau thời điểm hoàng kim, bùng nổ đến chóng mặt tại Việt Nam (nhất là từ giữa năm 2011 đến đầu năm 2012), thì trong suốt năm 2013, số phận của các sản phẩm tablet giá rẻ Trung Quốc với những cái tên như Window, Onda, Cube, Techlast, Ainol… đang ngày càng lâm cảnh ế ẩm, bi đát.
 
Một tablet giá rẻ do Trung Quốc sản xuất.
 
Chủ một điểm bán tại phố Thái Hà (Hà Nội) cho hay, trong cả tháng 11 họ không bán nổi quá 5 chiếc, cho dù đã quảng bá trên các kênh như Facebook, website…
 
Tại một địa chỉ khác trên phố Trương Định, dù đã phải giảm giá “hết cỡ” để đẩy nốt lô hàng tồn còn khoảng 30 sản phẩm nhưng hai tháng nay cửa hàng này vẫn chưa bán hết.
 
Cụ thể, một chiếc tablet màn hình 7-8inch tại điểm bán này giá chỉ còn từ 1,3 - 1,5 triệu đồng (như Window T10 giá 1,4 triệu đồng, Cube U25GT giá 1,3 triệu…); loại màn hình cỡ 9.7 inch giá cũng chỉ 2,5 triệu đồng (như Window N90S).
 
Thậm chí, dù đưa ra giá bán thấp như trên nhưng tại nhiều nơi khách hàng đến mua vẫn còn có thể thoả thuận để được giảm giá thêm cả trăm nghìn đồng.
 
Tablet giá rẻ Trung Quốc hiện đã hết thời có thể “làm loạn” thị trường, việc kinh doanh mặt hàng đắt khách một thời này đang khiến cho các điểm kinh doanh lâm cảnh khó khăn.
 
Về nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nổi cộm nhất vẫn chính yếu tố chất lượng sản phẩm kém, nhiều doanh nghiệp, cá nhân trước kia kinh doanh theo kiểu “ăn xổi”, chỉ biết nhập về sản phẩm giá rẻ để chạy đua lợi nhuận mà không lường hết được yếu tố sau bán hàng họ sẽ phải gánh chịu hậu quả.
 
Thực tế cho thấy, lắm nơi dù chỉ bảo hành 3 tháng nhưng cũng “toát mồ hôi hột” do số lượng khách hàng trả lại để bảo hành sản phẩm bị lỗi lớn chỉ sau vài ngày sử dụng. Còn những điểm nhận bảo hành từ 6 – 12 tháng thì thực sự gặp “ác mộng”: kinh doanh khó lãi, chuyện bảo hành mệt mỏi luôn lơ lửng.
 
Đáng lo ngại hơn, đến thời điểm hiện nay thì tâm lý của người tiêu dùng (dù khả năng tài chính hạn chế) cũng lo ngại sản phẩm giá rẻ cũng đồng nghĩa với việc chất lượng màn hình cảm ứng, chip, pin được trang bị toàn đồ giá rẻ kém chất lượng, nếu không nhanh hỏng thì cũng sử dụng rất khó chịu như màn hình cảm ứng kém nhạy, chip xử lý ứng dụng chậm, nhanh nóng máy, pin hao nhanh…
 
“Đầu năm 2012 tôi từng mua một sản phẩm giá rẻ 7-inch của Ainol, giá tới 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên chỉ mới dùng được một tuần đã bị chết nguồn. Mang đi bảo hành thì chưa đầy một tháng sau lại phải mang đến điểm bán để “bắt đền” lỗi cảm ứng của màn hình”, anh Dũng, một khách hàng tại Hà Nội ngán ngẩm.
 
Ngoài ra, với thực tế bi đát nói trên cùng việc hàng loạt tablet của các thương hiệu lớn như Asus, HP, Samsung, Lenovo, Acer liên tiếp tung ra thị trường Việt Nam trong năm 2013 giá chỉ từ 2,9 – 4 triệu đồng đi kèm chế độ bảo hành chính hãng 12 tháng là những đòn giáng mạnh, sớm đẩy tablet giá “siêu rẻ” thương hiệu Trung Quốc vào đường chết.