Thị trường Việt ‘bội thực’ smartphone và xu hướng giảm giá

21/12/2013 14:37 GMT+7

Hiện nay, việc sở hữu một chiếc điện thoại thông minh với giá thành phải chăng đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Theo khảo sát gần đây của GfK, thị trường smartphone Đông Nam Á đã có sự phát triển nhảy vọt. Chỉ tính riêng 3 quý đầu năm 2013, khách hàng tại Việt Nam, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Campuchia và Philippines đã chi tới 10,8 tỷ USD cho 41,5 triệu smartphone.
 
Trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, ước đạt 156%, cao nhất tại Đông Nam Á, bỏ xa nước đứng thứ 2 là Thái Lan (118%). Sở dĩ như vậy một phần vì người dùng đã nhận thức được những tiện ích mà điện thoại thông minh mang lại. Bên cạnh đó, giá bán của smartphone đang có xu hướng ngày càng rẻ hơn nhờ những thương hiệu đến từ Trung Quốc, hàng xách tay và đặc biệt là tốc độ đổi mới phần cứng di động diễn ra quá nhanh chóng.
 
Bội thực smartphone đa chủng loại
 
Thị trường smartphone nước ta hiện nay được phổ cập vô số các chủng loại từ cực rẻ đến trung cấp và cao cấp. Nguồn hàng cũng chẳng hề khan hiếm chút nào, trong đó thị trường điện thoại xách tay cũng đặc biệt nhộn nhịp. Nếu là tín đồ của các dòng máy Android cấu hình cao nhưng giá thành không quá đắt thì người dùng có thể tìm đến một số cửa hàng uy tín bán điện thoại Hàn Quốc. Pantech và LG là 2 thương hiệu hot nhất trong phân khúc này với các model giá tốt như LG Optimus G hay Sky Vega Iron.

 
Đối với các dòng máy cao cấp, người dùng muốn tìm hàng xách tay cũng chẳng hề thiếu sự lựa chọn. Bạn có thể dễ dàng mua iPhone 5s, Sony Xperia Z1 hay Samsung Galaxy S4 với mức giá rẻ hơn hàng chính hãng khoảng trên dưới 2 triệu đồng. Đặc biệt, các cửa hàng này tỏ ra khá linh hoạt khi họ sẵn sàng nhập về bất cứ model nào mới với muôn vẻ thượng vàng hạ cám để chiều lòng thượng đế. Trên thế giới vừa phát hành các dòng máy mới thì gần như ngay lập tức Việt Nam cũng có hàng, chỉ có điều mức giá sẽ bị đội lên khá nhiều.
 
Trong khi thị trường smartphone xách tay và kể cả các chợ công nghệ đồ cũ (second hand) luôn nhộn nhịp thì cũng không ít người dùng tìm mua các sản phẩm chính hãng để cảm thấy yên tâm hơn về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và cả chế độ hậu mãi. Trung bình mỗi nhà sản xuất lớn như Samsung, Nokia, Sony, HTC hay LG đều có không dưới 5 model ở phân khúc smartphone trung cấp.
 
Đó là chưa kể đến sự xuất hiện của hàng loạt smartphone đến từ Trung Quốc như Oppo, Huawei và Lenovo. Tất cả tạo nên một bức tranh sinh động, nhiều màu sắc của thị trường smartphone phổ thông trong năm qua. Thậm chí nhiều người còn nói vui rằng họ chẳng thể nhớ được trong vài tháng gần đây các hãng di động này đã ra mắt bao nhiêu sản phẩm nữa, có chăng chỉ một số tên tuổi smartphone cao cấp là được chú ý.
 
Dù vậy phải nói rằng trong thời gian qua, các smartphone giá rẻ và tầm trung khoảng 5 hay 6 triệu đồng lại tỏ ra có sức tiêu thụ mạnh mẽ hơn cả. Nguyên nhân là vì thị trường Việt luôn rất nhạy cảm về giá, một mức giá hợp lý luôn là chìa khóa đảm bảo sự thành công cho một mẫu máy và ví dụ điển hình là Lumia 520 đã phần nào chứng minh được điều này.
 
Song nếu như smartphone thương hiệu ngoại thăng hoa thì điện thoại Việt chưa thực sự nổi bật. Mặc dù giá thành được cho là khá rẻ nhưng chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế. Quan trọng hơn là giờ đây, chỉ cần bỏ ra khoảng 3 triệu đồng là người dùng cũng có thể sở hữu một smartphone với tên tuổi lớn mà chất lượng cũng tương đối ổn định.
 
Smartphone sẽ dần bão hòa và tiếp tục giảm giá
 
Nhiều nhà hoạch định chiến lược nhận định rằng thị trường Việt Nam sẽ sớm được phổ cập smartphone khi mà giá bán của loại mặt hàng này sẽ tiếp tục có xu hướng giảm. Điển hình như Huawei Việt Nam khẳng định, họ đã và đang xem xét tung ra tại thị trường Việt Nam những chiếc smartphone giá bán chỉ 50 USD, đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu chúng ta thấy được rằng tại thị trường Trung Quốc, cuộc cạnh tranh khốc liệt của các hãng sản xuất di động đã giúp điện thoại thông minh trở nên rẻ hơn bao giờ hết.

Tất nhiên với xu thế trên, giảm giá thành không có nghĩa là giảm chất lượng hay cấu hình phần cứng. Thậm chí người dùng hoàn toàn có thể sở hữu những dòng máy cấu hình tốt với giá bán cực kỳ hợp lý. Android và Windows Phone chính là 2 nền tảng đi đầu trong công cuộc phổ cập này.
 
Theo ông Gerard Tan, Giám đốc bộ phận Khách hàng và Công nghệ số của GfK Asia nhận xét: "Giá smartphone ngày càng dễ chịu hơn, đặc biệt ở các thị trường đang phát triển đã giúp nhiều khách hàng có cơ hội đổi từ điện thoại phổ thông sang smartphone". "Tuy nhiên, hiện nay vẫn có khoảng 50% người dùng điện thoại ở Đông Nam Á vẫn chưa chuyển sang smartphone nên thị trường này vẫn được đánh giá là giàu tiềm năng để các hãng sản xuất di động khai thác triệt để. Chúng tôi dự đoán xu hướng thay đổi này còn tiếp tục và tăng trưởng theo cấp số nhân".