Cách sử dụng đồ gỗ trong kiến trúc ngôi nhà

29/11/2018 12:29 GMT+7

Đối với người Việt Nam, từ xa xưa gỗ đã trở thành vật liệu chính trong xây dựng và các loại đồ dùng trong sinh hoạt cũng như sản xuất.

Cho đến ngày nay, dù khoa học kỹ thuật phát triển, các loại vật liệu hiện đại khác ra đời ngày càng nhiều thế nhưng gỗ vẫn được nhiều người lựa chọn, nhất là trong thiết kế nội thất căn hộ, nhà ở.


Cách sử dụng đồ gỗ trong kiến trúc ngôi nhà - Ảnh 1.

Những thiết kế mô phỏng theo vật liệu gỗ vẫn được ưa chuộng, ngay cả khi đồ dùng là inox, nhựa hay thủy tinh (ảnh minh họa)


Gỗ là loại vật liệu xây dựng truyền thống lâu đời của người Việt, ngoài những đặc tính về thẩm mỹ, gỗ không gây hại cho sức khỏe, có độ bền cao trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, cách bài trí và sử dụng gỗ để mang lại sự sang trọng, tao nhã, tạo cảm giác hài hòa, ấm cũng trong không gian sinh sống của gia đình không phải chuyện đơn giản, đặc biệt trong cách thiết kế ngôi nhà hiện đại trong giai đoạn hiện nay.

ThS. KTS Hà Anh Tuấn – Hội KTS Việt Nam cho biết, hiện nay, các gia đình thường có xu thế sử dụng các loại gỗ công nghiệp để thiết kế nội thất, như sàn gỗ, kệ, tủ quần áo, tủ tivi, bàn ghế, các vật dụng trang trí như bình phong, chậu hoa, tượng, điêu khắc… hay thậm chí đến các đồ dùng như muỗng, nĩa, chén ăn cơm, lược chải đầu, đồ trang sức… cũng được làm từ gỗ.

Gỗ công nghiệp không chỉ đa dạng về mẫu mã, đáp ứng nhu cầu về thẩm mỹ do được thiết kế tinh xảo, hợp thời trang... mà người dùng còn rất ưa chuộng vì giá thành rẻ. Trong thời buổi đô thị hoá, bêtông hoá gia tăng nên tâm lý đa số gia chủ thích phong cách của ngôi nhà xưa vốn làm toàn bằng gỗ tự nhiên cũng là điều dễ hiểu. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện để ở nhà thuần mộc, đồng thời xu hướng bảo vệ môi trường – kiến trúc xanh hiện nay cũng không ủng hộ việc sử dụng gỗ quý. Vì thế cần biết cách dung hoà và phối hợp sử dụng vật liệu thuộc hành mộc với các vật liệu khác để đạt hiệu quả cao về mặt phong thuỷ và thẩm mỹ.

Gỗ có những ưu điểm như bền bỉ dẻo dai, dễ trang trí, đem lại cảm giác "mềm, ấm" cho người sử dụng. Nhưng về phong thuỷ nếu dùng mộc nhiều cũng dễ sinh hoả, đồng thời gỗ quý hiếm cũng ngày càng cạn kiệt dần, do đó càng về sau này nhà ở hiện đại thường chỉ còn dùng gỗ chủ yếu ở cửa bên trong các phòng, tay vịn cầu thang và vật dụng (như tủ kệ, bàn ghế), những khu vực tiếp xúc với con người hàng ngày nhiều và mang tính đối nội.

Các vật liệu tạo nên bộ khung cơ bản cho ngôi nhà và tiếp xúc môi trường bên ngoài đang dần được thay thế bêtông, kính, kim loại, nhựa tổng hợp… Chủ yếu vật liệu hành kim hay được chọn cho bên ngoài, mang tính bảo vệ, đối ngoại (hàng rào, cửa cổng, cửa cuốn, bông sắt, lan can ban công…) như một sự phân công "trong mộc ngoài kim" hợp lý. Một giải pháp nữa là "tăng mộc giảm kim" ở các không gian riêng tư, ví dụ như lát phòng ngủ bằng sàn gỗ, đưa tivi, máy vi tính, bàn làm việc ra khỏi phòng ngủ để giảm từ trường và toả nhiệt của thiết bị.

Một xu hướng ưa dùng là "ruột kim vỏ mộc", tức là dùng kết cấu kim loại nhưng được sơn phủ bên ngoài bề mặt mang tính chất gỗ, hoặc bề mặt hoàn thiện là lớp gỗ mỏng, lớp tạo vân gỗ để đáp ứng tâm lý người sử dụng. Đây cũng là một xu hướng mà nhiều vật liệu nhân tạo khác khi tiếp cận thị trường nhà ở (nhất là vùng châu Á) thường làm bề mặt giống gỗ (các loại nhựa, kim loại, tấm dán decal, nhôm…) ngay cả gạch lát hay tấm trải sàn có mặt vân gỗ cũng rất được ưa chuộng là vì thế.

Do vậy, khi sử dụng vật dụng trong gia đình nên chọn cách làm phối hợp các loại vật liệu một cách hài hoà, không ưu ái quá mức một loại vật liệu nào (tức là không thiên lệch trong ngũ hành) và phù hợp theo tâm lý người sử dụng phương Đông.