DSLR không còn là thú chơi xa xỉ

10/11/2013 15:51 GMT+7

Những người sở hữu máy ảnh DSLR có xu hướng trẻ hóa và giá sản phẩm này ngày càng phù hợp với nhiều lựa chọn, đặc biệt là máy cũ.

Trước đây, để sở hữu một chiếc máy ảnh kỹ thuật số thay ống kính bạn phải bỏ ra số tiền không nhỏ. Thú chơi này từng hướng tới những người đã đi làm, có đam mê và thu nhập hoặc để phục vụ công việc. Nay bạn có thể bắt gặp DSLR ở khắp mọi nơi, độ tuổi cũng trẻ hơn, từ học sinh trung học tới sinh viên, để thấy rằng thú chơi này đang dần trở nên phổ cập.
 
Ngày càng có nhiều bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh và sở hữu máy DSLR.
 
Anh Tiến, một thành viên của nhóm nhiếp ảnh Đại học Kiến trúc, chia sẻ, hiện tại nhóm của Tiến đã có hơn 40 thành viên sinh hoạt thường xuyên. Nhóm thường tổ chức các buổi chụp ảnh tập thể vào các buổi cuối tuần rồi chia sẻ trên Facebook để cùng thảo luận. Tiến cũng cho biết, số lượng sinh viên đang sở hữu DSLR thực tế còn nhiều hơn số thành viên của hội và không riêng gì ở trường Kiến trúc, những trường khác cũng đều có nhóm, hội chơi ảnh và hoạt động khá sôi nổi.
 
Những nhóm này hoạt động chủ yếu là tự phát và dựa trên niềm đam mê chung. Tại đây các thành viên ngoài việc giúp đỡ và truyền đạt kinh nghiệm còn có thể trao đổi ống kính, máy ảnh hay các phụ kiện chơi ảnh. Bên cạnh việc truyền tay nhau trải nghiệm nhanh, các bạn còn đổi theo từng cặp để có nhiều thời gian nghiên cứu.
 
Sự phát triển của Facebook cũng giúp những người chơi ảnh tiến gần nhau hơn, Hà Thành Photo là một ví dụ. Nhóm hiện tại có gần 2.000 thành viên trong đó phần lớn là người chơi nghiệp dư. Tại đây các thành viên không chỉ chia sẻ những tác phẩm của mình để nhận những lời góp ý, tham khảo ý kiến trước khi mua thiết bị mà còn thường xuyên tổ chức offline nhưng quy mô nhỏ hơn, khoảng chục người.
 
Một buổi offline ngoài quán cafe của các bạn trẻ yêu nhiếp ảnh.
 
Thị trường máy ảnh compact được cho là đang "chết dần" bởi sự phát triển quá mạnh mẽ của smartphone nhưng DSLR lại vẫn tăng trưởng ổn định. Chị Hồng Minh, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, trước đây thường dùng máy ảnh du lịch để chụp nhưng sau đó thôi và thay bằng điện thoại bởi điện thoại giờ đây đã đảm nhiệm tốt vai trò của máy ảnh mà còn chia sẻ nhanh chóng với bạn bè. Khi cuộc sống ổn định hơn, yêu cầu chất lượng cao hơn, chị đã sắm thêm máy DSLR để chụp ảnh đời thường, đặc biệt là để chụp đứa con 2 tuổi.
 
Góp phần không nhỏ để DSLR dễ tiếp cận với mọi người là mức giá phù hợp và đời sống ngày càng nâng cao. Năm 2009, người dùng phải chi ra 19 triệu đồng để sở hữu model Canon EOS 500D hay Nikon D5000 (cả 2 điều đi kèm ống kit 18-55 mm). Thì nay, bạn có rất nhiều lựa chọn với mức giá phù hợp hơn như Canon EOS 600D hơn 11 triệu đồng hay mới nhất là 700D có giá khoảng 15 triệu đồng. Các máy tương đương của Nikon có giá thấp hơn Canon khoảng 1 triệu đồng hoặc lựa chọn hàng "xách tay" mức giá cũng rẻ hơn hàng chính hãng vài triệu đồng.
 
Hàng năm, các nhà sản xuất đều đặn đưa ra những mẫu giá rẻ mới nhằm thu hút người dùng trong khi đó những mẫu bán chuyên hay chuyên nghiệp vài năm mới thay đổi. Người dùng cơ bản ngày càng có nhiều lựa chọn hơn và khi so sánh tương quan, một chiếc DSLR entry-level giờ đã có giá ngang một chiếc smarphone tầm trung vốn là thiết bị đã phổ biến tại Việt Nam.
 
Canon EOS 350D ra mắt được 8 năm vẫn được rao bán vơi mức giá hấp dẫn cho người khởi điểm.
 
Ngoài ra, thị trường máy DSLR cũ cũng rất sôi động. Trên nhiều diễn đàn, mục mua bán máy ảnh luôn "tấp nập" với hàng nghìn chủ đề mới mỗi ngày. Những model được trao đổi ở đây từ những sản phẩm ra đời được được 8 năm như Canon 350D có giá hơn 4 triệu đến mẫu chuyên nghiệp mới nhất cả trăm triệu đồng. Dòng máy được thảo luận nhiều nhất là các model entry-level ra mắt không lâu hoặc dòng semi-pro có tầm tiền khoảng 10 triệu đồng (cho riêng thân máy) bởi đây là các sản phẩm khá mới, còn khả năng hoạt động tốt trong một vài năm.
 
Hệ thống ống kính cũng có nhiều lựa chọn phong phú như ống kit đa dụng 18-55 mm đáp ứng hầu hết nhu cầu dùng hay ống fix 50 mm f/1.8 với khẩu độ lớn cho khả năng xóa phông mạnh mẽ. Cả 2 ống kính này đều có mức giá từ 1,5 triệu đến 2,2 triệu tùy chất lượng và hình thức. Trước đây, mua máy ảnh của hãng nào bạn cần mua ống kính của chính nhà sản xuất đó thì với việc lấn sân của các hãng thứ 3 (lens for) như Tamron, Sigma, Tonika mức giá ống kính chỉ bằng một nửa có khi chỉ một phần ba giá so với ống chính hãng mà chất lượng đã được người dùng kiểm chứng.
 
Việc lựa chọn thiết bị ảnh cũ giúp người chơi tiết kiệm từ 10% đến 30% so với việc "bóc hộp". Đương nhiên việc này cũng có những rủi ro tiềm ẩn nhưng theo đánh giá của cộng đồng, DSLR là thiết bị điện tử khá bền, thời gian sử dụng tương đối dài.
 
Một nhóm người dùng mới giúp gia tăng thị phần sử dụng DSLR là nữ giới. Thời điểm máy ảnh compact lên ngôi, việc sở hữu một model nhỏ gọn, càng mỏng càng tốt đã là điểm nhấn thời trang của không ít bạn trẻ thì giờ đây máy ảnh DSLR đi kèm ống kính chuyên nghiệp là lựa chọn để thể hiện sở thích, cá tính. Các nhà sản xuất cũng đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng hơn khi tung ra những DSLR nhỏ gọn như Canon EOS 100D hay lựa chọn vật liệu nhẹ hơn thay vì magie như trên các máy chuyên nghiệp, ống kính đa dụng tiện lợi, ống pacake cực nhỏ gọn hay tích hợp đèn flash cóc.
 
Máy ảnh DSLR và thú chơi ảnh đang trở nên phổ biến hơn với người dùng Việt Nam. Xã hội phát triển, chất lượng cuộc sống của con người ngày càng được nâng cao và DSLR là lựa chọn để thỏa mãn đòi hỏi đó. Trong sự phát triển bủng nổ của smartphone, máy ảnh thay ống kính vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và chắc chắn sẽ chưa thể bị thay thế trong tương lai gần.