Quan hệ nhà đầu tư tốt tạo thuận lợi cho huy động vốn

24/09/2024 20:54 GMT+7

Với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, hoạt động IR tốt đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận, thu hút nhà đầu tư, khách hàng cả trong và ngoài nước .

Trong khuôn khổ chương trình của buổi lễ "Vinh danh IR (Investor Relations- quan hệ nhà đầu tư) Awards 2024" lần thứ 14, diễn ra vào sáng ngày 24-9, Vietstock, Hiệp hội Các nhà Quản trị Tài chính Việt Nam (VAFE) và Tạp chí điện tử Tài chính và Cuộc sống (FiLi) đã tổ chức Hội thảo IR View: "Xanh hóa chuỗi cung ứng". Hội thảo có nhiều nội dung thiết thực, đáng để các doanh nghiệp niêm yết khác học hỏi.

Quan hệ nhà đầu tư tốt tạo thuận lợi cho huy động vốn- Ảnh 1.

Tại hội thảo, ông Trần Vũ Hiền, Giám đốc Tài chính ACB cho biết ACB lấy mô hình ESG của ACB làm nền tảng để khuyến khích các bên hữu quan thực hành ESG và nhân rộng mô hình này đến càng nhiều cá nhân và tổ chức Việt Nam. "Bắt đầu từ câu hỏi đầy trăn trở của Chủ tịch Trần Hùng Huy là "Ta để lại gì cho mai sau", ACB là quan trọng, nhưng không phải quý giá nhất mà phải làm sao để lại một trái đất nguyên vẹn cho thế hệ mai sau và ACB muốn chung tay trên hành trình đó.

Hiện ACB có gói tín dụng xanh hơn 2.000 tỉ đồng triển khai đầu năm nhưng đã giải ngân hết và sẽ gia hạn thêm để khách hàng tiếp tục chuyển đổi xanh.

10 năm qua ACB đã thay đổi bản thân và ACB muốn được cùng tất cả cổ đông, đối tác, ngân hàng bạn cùng làm ESG. Theo ông Hiền, ACB không tham vọng là ngân hàng dẫn đầu về ESG, hi vọng sẽ trở thành niềm cảm hứng để tất cả cùng làm.

Ông Nguyễn Hồng Hiệp, Giám đốc đối ngoại Công ty CP Tập đoàn PAN, đã chia sẻ tại Hội thảo IR View về hành trình "Xanh đầu vào" của doanh nghiệp. Từ năm 2015, PAN đã đặt mục tiêu nâng cao vị thế nông sản Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng hệ thống quản trị bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như ESG, thu hút vốn từ IFC, Standard Chartered.

PAN đã đặt ra 9 mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến nông nghiệp, thực phẩm, tiêu dùng, sản xuất và chuỗi cung ứng. Đặc biệt các công ty thành viên của PAN dù niêm yết hay chưa luôn phải công bố báo cáo phát triển bền vững.

Từ năm 2015, PAN là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam làm điều này, giúp tăng cường sự tin cậy của nhà đầu tư. Hiện 50% doanh thu của PAN đến từ xuất khẩu, chủ yếu sang châu Âu, Mỹ, Canada, Úc, Hàn Quốc.

Mô hình quản trị phát triển bền vững của PAN Group được tổ chức bài bản với 3 cấp: Tiểu ban Phát triển bền vững trực thuộc HĐQT; Ban chỉ đạo Phát triển bền vững thuộc Ban Giám đốc và Bộ phận Phát triển bền vững chuyên trách. Cấu trúc này đảm bảo việc triển khai xuyên suốt từ cấp cao nhất đến từng đơn vị thành viên.

Theo ông Hiệp, PAN Group đã tương đối thành công trong việc 'xanh hóa' chuỗi cung ứng của mình. Trải qua một quá trình bài bản, vượt qua nhiều khó khăn và thách thức, và ngày càng được ghi nhận nhiều hơn.

Tại hội thảo, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ HD (HD Capital) ông Nguyễn Thanh Long cho rằng IR có thể là chìa khoá kích hoạt dòng vốn tỷ đô vào Việt Nam.

Quan hệ nhà đầu tư tốt tạo thuận lợi cho huy động vốn- Ảnh 2.

Ông Long nhận thấy sự chuyển mình đáng kinh ngạc của hoạt động IR tại Việt Nam. Theo đó, để hoạt động IR hiệu quả, cần ba yếu tố chính: Tính minh bạch và chính xác của thông tin, sự công bằng trong đối xử với cổ đông, và khả năng xây dựng niềm tin dài hạn.

"Chúng ta không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của việc đối xử công bằng với cổ đông nhỏ lẻ. Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc họp cổ đông, nơi ban lãnh đạo có xu hướng ưu ái các cổ đông lớn. Đây là điểm cần cải thiện vì một bình luận tiêu cực trên mạng xã hội, dù tương đối nhỏ, nhưng có thể gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp"- ông Long nói.

Ông Vương Huy Đông, Phó Thư ký HĐQT & Quan hệ Cổ đông Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank- CTG), cho biết đến nay VietinBank dùng 42,3 ngàn tỉ tài trợ cho dự án xanh, khuyến khích đối tác, nhà cung cấp và khách hàng tham gia chuỗi cung ứng xanh. Cách thực hành IR của VietinBank đã cải thiện chất lượng của bộ phận IR; hoạt động IR với nhà đầu tư tổ chức, tiếp cận vốn ngoại; và cách thích ứng trong thời đại số hóa, xanh hóa.

Ông Đồng Quang Trung, Trưởng ban Quan hệ Nhà đầu tư CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk-VNM), cho biết lãnh đạo Vinamilk thấu hiểu minh bạch là nền tảng của sự tin tưởng. Công ty luôn tìm cách cung cấp thông tin rõ ràng nhất để nhà đầu tư tiếp cận sớm nhất thông qua nhiều hình như: báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, thông cáo báo chí…

Quan hệ nhà đầu tư tốt tạo thuận lợi cho huy động vốn- Ảnh 3.

Các thông tin đều được cung cấp dưới dạng song ngữ để đảm bảo quyền lợi cổ đông trong và ngoài nước. Việc công bố thông tin trên website ngoài việc giúp nhà đầu tư hiểu còn giúp các bộ phận nội bộ của công ty nắm bắt tốt hơn về việc công bố thông tin.

Xác định IR là một quá trình hai chiều, do đó Vinamilk rất quan tâm tới "sự tham gia". Vinamilk luôn có ứng dụng các cuộc họp trực tuyến để nhà đầu tư có thể tham gia các cuộc họp của công ty.

Trước đây, ĐHĐCĐ tổ chức trực tiếp của công ty có khoảng 400 - 500 nhà đầu tư tham dự. Con số này tăng lên 1.300 nhà đầu tư do tổ chức trực tuyến. Tuy nhiên Vinamilk có hơn 50.000 cổ đông nên VNM mong muốn con số nhà đầu tư tham gia "tương tác" qua ĐHCĐ ngày càng tăng lên.

Cách Vinamilk tiếp cận nhà đầu tư tổ chức, cụ thể là các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới VNM, hiện danh sách cổ đông của công ty có 500 nhà đầu tư ngoại, 300 trong đó là các quỹ. Hàng năm, VNM vẫn dành nguồn lực để tham gia 10 sự kiện đầu tư thu hút vốn ở các thị trường trọng điểm là Singapore, Anh, Mỹ, Hồng Kông.

Tôn vinh doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR xuất sắc nhất năm 2024

IR Awards là chương trình bình chọn doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất được diễn ra thường niên từ năm 2011. Chương trình do Vietstock phối hợp với Hiệp hội VAFE, Tạp chí FiLi tổ chức.

Chương trình ra đời với mục đích tạo sân chơi ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của hoạt động IR, góp phần cải thiện tính minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán, khuyến khích việc gia tăng chất lượng thông tin công bố và qua đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường vốn Việt Nam.

Vượt qua 708 doanh nghiệp niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), các doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất 2024 đã được vinh danh gồm:

Hạng mục Nhà đầu tư yếu thích nhất 2024

Đối với hạng mục Bình chọn IR dành cho nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư sẽ thực hiện bình chọn trực tuyến trên hệ thống bình chọn của chương trình. Bộ tiêu chí bình chọn đại chúng xoay quanh ba trụ cột là doanh nghiệp minh bạch hoạt động, doanh nghiệp có hoạt động IR đại chúng tốt, ban lãnh đạo hoạt động hiệu quả và đảm bảo quyền của cổ đông.

Financial Large Cap có hoạt động IR được Nhà đầu tư yêu thích nhất 2024

• CTG - Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)

• HDB - Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank)

• MBB - Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)

Non-Financial Large Cap có hoạt động IR được Nhà đầu tư yêu thích nhất 2024

• FPT – Cômg ty CP FPT (FPT)

• PNJ – Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ)

• VNM – Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk)

Mid Cap có hoạt động IR được Nhà đầu tư yêu thích nhất 2024

• CTR - Tổng Công ty CP Công trình Viettel (Viettel Construction)

• FTS – Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS)

• TNG – Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG)

Small Cap có hoạt động IR được Nhà đầu tư yêu thích nhất 2024

• NAF – Công ty CP Nafoods Group (Nafoods Group)

• ST8 – Công ty CP Tập đoàn ST8 (ST8)