Hiện nay, các hãng điện tử hàng đầu thế giới như Sony, Samsung, Panasonic... đều phát triển và sản xuất Smart TV, định hướng là chuẩn mực của TV trong tương lai. Tại Việt Nam, dù có giá bán khá cao nhưng Smart TV vẫn được người tiêu dùng lựa chọn do có nhiều chức năng và tiện ích.
Tiện ích phong phú
Xuất phát từ nhu cầu lướt web trực tiếp trên màn hình lớn của TV, cùng với sự phát triển của công nghệ cho phép trang bị cho TV những bộ vi xử lý có tốc độ cao hơn, Smart TV ra đời giúp người dùng giải quyết những công việc đơn giản hằng ngày mà không cần đến máy vi tính.
Smart TV hấp dẫn nhưng có giá cao. Ảnh: Hồng Thúy
Với giao diện được thiết kế theo hướng tiện dụng, hiệu quả và đa chức năng, Smart TV dễ dùng như chiếc TV thông thường. Giao diện đồ họa trên Smart TV cho phép người dùng truy cập các chức năng một cách đồng thời chỉ bằng một thao tác đơn giản.
Các chức năng Smart TV cung cấp tương tự trên máy tính bảng hay điện thoại thông minh, có thể kể ra như đọc báo, cập nhật tin tức, chứng khoán, địa ốc, thể thao, nghe nhạc trực tuyến, lướt web, xem YouTube, tích hợp tính năng gọi điện Skype, vào mạng xã hội Facebook, Twitter... Chưa hết, có thể dùng Smart TV để xem truyền hình IPTV (cung cấp các đoạn video trực tuyến lẫn các kênh truyền hình phát qua internet). Đó chính là điểm vượt trội của Smart TV so với TV thông thường.
Trước đây, bạn thường bỏ lỡ những chương trình yêu thích nhưng chuyện đó được khắc phục dễ dàng với chức năng Personal Video Recorder, cho phép “tua” lại những đoạn chương trình bạn bỏ lỡ ngay khi đang xem truyền hình. Đặc điểm này xuất hiện nhiều ở các model của Sony, Samsung, LG. Ngoài ra, công nghệ DLNA trang bị trên Smart TV cũng cho phép truy xuất và phát các nội dung có trên máy tính hoặc điện thoại ra TV mà không cần dây kết nối.
Giá đắt, khó dùng
Tuy sở hữu hàng loạt tiện ích nhưng Smart TV có giá bán cao gấp nhiều lần so với mặt bằng chung của thị trường TV hiện nay, khiến người tiêu dùng phải đắn đo khi bỏ tiền ra. Cùng khoản tiền mua Smart TV, người dùng có thể mua đồng thời một laptop cấu hình mạnh và một TV LCD thông thường cùng kích thước. Mặt khác, giá cao của Smart TV ngăn cản nó trở thành thiết bị giải trí cá nhân cho mỗi thành viên trong gia đình.
Ngoài mức giá cao, vấn đề bảo mật cũng đáng được quan tâm vì hiện nay, Smart TV không bảo mật thông tin cá nhân cho người dùng khi họ kết nối internet, đặc biệt là khi sử dụng các ứng dụng Skype và truy cập mạng xã hội. Nguyên nhân do Smart TV thường được sử dụng cho cả gia đình.
Bên cạnh đó, internet là môi trường có quá nhiều cạm bẫy của tin tặc, cộng thêm các loại virus, trojan, malware luôn chực chờ ăn cắp dữ liệu cá nhân trong khi Smart TV không được trang bị các chức năng bảo mật như tường lửa hay chương trình diệt virus…
Duyệt web trên Smart TV cũng khó khăn hơn đối với người vốn quen nhấp chuột đơn giản, bởi lẽ mọi thao tác điều khiển, nhập dữ liệu cũng như truy cập ứng dụng đều phải thông qua chiếc điều khiển từ xa.
Muốn xem một mẩu tin phải trải qua nhiều thao tác. Nhập địa chỉ web, đường link bằng điều khiển rất bất tiện, muốn xem một trang mới phải lần lượt đóng từng bước trình duyệt hiện tại, mở lại trang mới với thao tác như cũ. Quá bất tiện so với việc rê và click chuột trên máy tính hay điều khiển trực tiếp trên iPhone!
Còn nhiều hạn chế Tại Việt Nam, một số chức năng của Smart TV còn phụ thuộc vào dịch vụ của các nhà mạng. Ví dụ, chức năng truy cập các dịch vụ nội dung theo yêu cầu (Video-on-demand) chỉ sử dụng được tại Hàn Quốc và Nhật Bản, hàng loạt kênh phim, nhạc, bóng đá, thể thao trực tuyến như Hulu, NetFlix, iPlayer nổi tiếng ở Mỹ, châu Âu tuy được cài đặt sẵn trên Smart TV nhưng không thể xem được…
Là tính năng ưu việt và đáng kể nhất ở Smart TV nhưng Skype lại không có hỗ trợ webcam, microphone. Người dùng có thể sử dụng webcam rời nhưng giá khá đắt, có thể lên tới gần 150 USD như sản phẩm Freetalk của Skype dành cho TV Samsung… |