Thuê bao… phần mềm

01/11/2012 01:27 GMT+7

Thay vì phải đầu tư số tiền lớn để mua trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin ban đầu, phần mềm và chi phí nhân sự vận hành hệ thống, người sử dụng chỉ cần trả phí sử dụng phần mềm, tùy theo nhu cầu

Trong tình hình kinh tế khó khăn, để đáp ứng nhu cầu cắt giảm chi phí của doanh nghiệp (DN), các công ty công nghệ thông tin (CNTT) đang có xu hướng ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để cung cấp phần mềm như một dịch vụ (SAAS) thay vì cung cấp sản phẩm trọn gói.
 
Dịch vụ thuê máy chủ trên nền tảng điện toán đám mây đang trở nên thông dụng. Ảnh: INTERNET
 
Từ “mua đứt” sang thuê dịch vụ
 
Từ gần một năm nay, Công ty Bất động sản New Peaks đã chuyển đổi toàn bộ hệ thống email và làm việc cộng tác sang thuê trọn gói bộ phần mềm dịch vụ điện toán đám mây gồm: email, lịch làm việc, chia sẻ, ứng dụng văn phòng, làm việc cộng tác, bảo mật và lưu trữ. Ông Hoàng Minh Tuấn, đại diện New Peaks, cho biết: “Công ty có nhiều văn phòng đặt tại nhiều địa điểm, các nhân viên thường xuyên phải trao đổi, cộng tác, chia sẻ bản vẽ thiết kế… nên cần có hệ thống CNTT để hỗ trợ.
 
Trước đây hằng tháng, công ty phải mất một khoản chi phí lớn về nhân sự cũng như trang thiết bị hạ tầng CNTT. Chuyển sang sử dụng dịch vụ đám mây là để tiết kiệm chi phí về hệ thống vận hành hạ tầng CNTT”.
 
Theo ông Lê Sơn, Công ty Nội thất Home Centre, khi chuyển sang sử dụng phần mềm dịch vụ có chút thay đổi về giao diện phần mềm, còn các tính năng không thay đổi nên cũng không gây xáo trộn lớn. Mặt khác, công ty vẫn có thể trang bị thêm phần mềm cho các hoạt động nghiệp vụ mà chi phí không bị đội lên cao.
 
So với việc đầu tư CNTT truyền thống, theo phân tích của bà Đinh Thị Thúy, đại diện Công ty NEO, với một DN vừa và nhỏ, chi phí mua máy chủ, thiết bị lưu trữ, bản quyền phần mềm tối thiểu khoảng 100 triệu đồng, chưa kể chi phí vận hành hằng tháng như tiền điện, tiền thuê không gian phòng máy, tiền lương nhân viên IT (tối thiểu 10 triệu đồng/tháng), DN chỉ trả khoản phí nhỏ hơn nhiều mà vẫn có phần mềm sử dụng. Chi phí tính ra chỉ 4.000 đồng/máy tính/ngày hoặc 1 triệu đồng/người/năm tùy cách tính của mỗi nhà cung cấp.
 
Ông Đinh Kiến Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Gimasys - một công ty chuyên cung cấp dịch vụ phần mềm, nhận định: “Lý do khiến DN chuyển sang sử dụng phần mềm dịch vụ là do hệ thống cũ không ổn định, khó khăn khi có nhu cầu mở rộng, chi phí duy trì và vận hành cao, tốn kém nhân lực quản trị CNTT. Tùy từng phần mềm dịch vụ có những tính năng tiện ích riêng để DN lựa chọn”.
 
Chẳng hạn, với Công ty Home Centre, lý do chọn phần mềm dịch vụ vì không bị hạn chế về dung lượng. Hệ thống mail cũ chỉ cho phép mỗi nhân viên hạn ngạch 5 - 10 MB cho một hòm mail nhưng phần mềm dịch vụ mới cho phép tới 25 GB, nghĩa là trung bình một nhân viên có thể dùng 10 năm mới hết dung lượng hòm mail.
 
Theo đại diện Công ty Misa, một nhà cung cấp phần mềm kế toán trọn gói, trong năm đầu ra mắt dịch vụ phần mềm, Misa đã có gần 5.000 khách hàng,  trong đó có khách hàng chuyển từ mua trọn gói sang phần mềm dịch vụ. Công ty NEO sau nửa năm đưa vào cung cấp dịch vụ cũng có 400 khách hàng. Công ty Gimasys sau một năm cung cấp dịch vụ đã có trên 100 khách hàng, trong đó có những DN lớn với trên 1.000 tài khoản.
 
Tin mới dùng
 
Đối với phần lớn DN, phần mềm dịch vụ có thể thấy rõ lợi ích về chi phí, nhân sự, tính linh hoạt (làm việc và chia sẻ mọi lúc mọi nơi) nhưng điều họ băn khoăn nhất vẫn là vấn đề bảo mật. Vì vậy, ngoài tính năng của sản phẩm phải tốt, điều mà nhiều công ty cung cấp phần mềm dịch vụ quan tâm là tính bảo mật. Như Misa hiện đang áp dụng chứng thư số SSL giữa khách hàng và Misa, mã hóa dữ liệu. Do đó, trong trường hợp dữ liệu bị đánh cắp cũng không bị lộ.
 
Công ty NEO lại yêu cầu nhân viên triển khai cam kết các điều khoản về bảo mật thông tin, như cam kết không được tiết lộ bất kỳ thông tin nào của khách hàng. Google cũng công khai hàng loạt chính sách bảo mật ngay trên trang web của mình…
 
Ông Hoàng Minh Tuấn có lời khuyên cho những DN còn đang phân vân khi lựa chọn phần mềm dịch vụ đó là “niềm tin vào nhà cung cấp”, bởi DN không thể làm được gì khác khi đã “ủy quyền” toàn bộ hệ thống thông tin cho nhà cung cấp.
 
ÔNG GIÁP HÙNG CƯỜNG, TỔNG GIÁM ĐỐC VINACIS:
Trả phí theo giờ sử dụng
 
Cuối tháng 10 vừa qua, Công ty Vinacis hợp tác với Công ty EXA cho ra mắt dịch vụ cho thuê máy chủ trên nền tảng điện toán mây truecloud Server đáp ứng cho khách hàng có nhu cầu sử dụng hạn chế. Truecloud Server cung cấp dịch vụ trả phí theo giờ sử dụng, hệ thống dừng tính phí khi khách hàng ngừng sử dụng dịch vụ. Chẳng hạn, hệ thống được tích hợp tính năng tắt/bật để tiết kiệm, khách hàng có thể tắt máy chủ khi không cần thiết, rất phù hợp với các DN có nhu cầu sử dụng trong giờ hành chính hay chỉ tương tác với các hệ thống ở nước ngoài vào ban đêm.
 
BÀ NGUYỄN THU GIANG, PHÓ TỔNG THƯ KÝ VINASA:
Xu hướng của các doanh nghiệp phần mềm
 
Cung cấp phần mềm theo dạng dịch vụ, với chi phí thấp giúp các DN phần mềm có khoản thu thường xuyên. Đây là xu hướng chung cho các DN phần mềm Việt Nam, cũng là giải pháp một số DN lựa chọn có hiệu quả trong 2 năm kinh tế khó khăn vừa qua.