USB 3.0 khai tử eSATA và Firewire?

21/08/2010 11:36 GMT+7

Một thời đại mới của giao tiếp ngoại vi đang tới gần và USB 3.0 sẽ giữ ngôi vương ít nhất trong vài năm tới

Vài tháng trở lại đây, xu thế các sản phẩm laptop và bo mạch chủ máy bàn mới với USB 3.0 tích hợp đã rộ lên. Sự có mặt ngày càng nhiều của loại hình giao tiếp này đã khiến người dùng không khỏi băn khoăn về khả năng tồn tại của các “đàn anh” vốn rất thông dụng và cũng đầy triển vọng như eSATA hay Firewire (còn được gọi bằng cái tên IEEE 1394) - đặc biệt là trong thế giới lưu trữ ngoại vi. Theo một số thống kê của USB Impemeters Forum, có khoảng 2 tỉ thiết bị USB 2.0 được bán ra trong năm 2006. Vào tháng 11-2007, họ cũng chính thức công bố chuẩn USB 3.0 (định danh tốc độ SuperSpeed - cấp cao hơn so với Hi-Speed của USB 2.0) mới để rồi chỉ hơn 1 năm sau đó, Intel đã trình diễn các sản phẩm cụ thể trong CES 2009. Khi USB 3.0 được ra mắt thị trường vào đầu năm 2010, USB 2.0 đã gần vượt qua lần sinh nhật thứ 10 (từ tháng 4-2000). Chuẩn USB 2.0 hiện tại chỉ cho tốc độ tối đa 480 Mbit/giây và cho phép cấp điện nguồn khoảng 500 mW (trừ một số dòng máy đời cao có cổng USB 2.0 với công suất cao hơn). Bên cạnh đó, tốc độ tối ưu của USB 2.0 thường không đạt được do phụ thuộc rất nhiều vào thiết lập của cả phần cứng và phần mềm có liên quan.

 

Trong khi đó, USB 3.0 hứa hẹn băng thông dữ liệu tối đa lên tới 5 Gbit / giây - nhanh hơn 10 lần so với USB 2.0. Bên cạnh đó, USB 3.0 cũng có khả năng tải lên và tải xuống dữ liệu cùng lúc (2 chiều) so với chỉ một trong hai chiều của USB 2.0 cũ. Điều này khiến cho nó vượt trội hơn cả các chuẩn thông dụng khác là eSATA và Firewire (thậm chí là phiên bản 800). eSATA là kết nối có cùng tốc độ với SATA (trong khoảng 3 Gbit/giây) và mức này rõ ràng chậm hơn so với USB 3.0. Trong khi đó, Firewire với mức 800 Mbit/giây chỉ bằng 1/6 so với USB 3.0 mới. Dĩ nhiên, bản thân Firewire cũng có nhiều tiềm năng vượt lên USB 3.0, ví dụ như chuẩn 3200 mới với tốc độ vận hành 3,2 GHz ngay trên phần cứng của Firewire 800 hiện tại hoặc khả năng không sử dụng tài nguyên CPU khi truyền dữ liệu cũng là những ưu thế đáng nhắc tới. Song, điều này còn rất mờ nhạt, chưa kể tới thực tế là chính Apple - một trong những cái tên lớn đứng đằng sau Firewire lại đang ngày càng ngả về phía USB (những dòng máy mới của hãng bắt đầu loại dần cổng Firewire để thay vào đó là USB). Vì thế, bản thân sự sống còn của giao tiếp Firewire còn nằm trong một dấu chấm hỏi lớn - chưa tính tới việc cạnh tranh với USB 3.0.

 

Ngoài vấn đề tốc độ, USB 3.0 cũng có ưu thế về khả năng cấp điện nguồn, trong khi eSATA nhanh hơn so với Firewire nhưng lại không thể cấp nguồn cho thiết bị.

Hiện tại, hầu hết các nhà sản xuất bo mạch chủ lớn như ASUS, Gigabyte, MSI... cũng như những nhà sản xuất hệ thống và laptop như Dell, ASUS... đã bắt đầu đưa ra vô số sản phẩm mới với USB 3.0. Các “đại gia” về thiết bị lưu trữ như Seagate, Western Digital, Adata, Transcend... cũng bắt đầu đưa các loại ổ đĩa với giao tiếp mới vào thị trường với tần số cực lớn. Có thể nói, một thời đại mới của giao tiếp ngoại vi đang tới gần và USB 3.0 sẽ giữ ngôi vương ít nhất là trong vài năm tới.

 

Để sử dụng được USB 3.0, ngoài việc sở hữu bo mạch chủ hoặc laptop có hỗ trợ chuẩn này, người dùng phải có thiết bị ngoại vi (như ổ cứng, ổ flash, chuột, bàn phím...) và dây cắm phù hợp. Dây cắm của USB 3.0 dày hơn so với USB 2.0 do có 6 đường kết nối bên trong thay vì chỉ hai. Nếu thiếu một trong ba yếu tố này, bạn sẽ chỉ sử dụng được giao tiếp USB 2.0 mà thôi.