Giải pháp chiếu sáng giúp nuôi tôm dễ dàng hơn

31/03/2022 11:57 GMT+7

Ứng dụng công nghệ chiếu sáng led tiên tiến giúp tôm tăng trưởng nhanh, nông dân có thể nuôi tôm dễ dàng hơn trong vụ nghịch.

Ngày 30-3, tại TP HCM, Tập đoàn Signify (Hà Lan, dẫn đầu về chiếu sáng với nhiều sản phẩm mang thương hiệu Philips) phối hợp cùng ShrimpVet - một công ty tư nhân tại Việt Nam chuyên về đầu tư, nghiên cứu và sản xuất tôm giống chất lượng cao- công bố kết quả hợp tác nghiên cứu đầu tiên về tác động của ánh sáng nhân tạo đối với sự phát triển của tôm nuôi.

TS Trần Hữu Lộc, đại diện ShrimpVet, thông tin dự án nghiên cứu được triển khai đầu năm 2021 tại vùng nuôi tôm huyện Cần Giờ (TP HCM) qua 3 vụ nuôi. Kết quả cho thấy: tôm được nuôi kết hợp với quang phổ ánh sáng màu xanh lam và xanh lục cùng các công thức chiếu sáng năng động tăng trưởng nhanh hơn, cho sản lượng cao hơn và có sức kháng bệnh tốt hơn tôm nuôi trong môi trường ánh sáng tự nhiên.

Giải pháp chiếu sáng giúp nuôi tôm dễ dàng hơn - Ảnh 1.

Các khách mời tìm hiểu bóng đèn Philips dành cho nuôi tôm

Cụ thể, tôm nuôi sử dụng ánh sáng nhân tạo có tỉ lệ chuyển hóa thức ăn tốt hơn 22%, tăng trưởng nhanh hơn 18%, kích cỡ lớn hơn 32%, tỉ lệ sống sót tăng 35% so với cách nuôi truyền thống. Điều này giúp các ao nuôi tăng năng suất 47% và có thể duy trì thu hoạch quanh năm, đặc biệt là mùa mưa bão, tức là vụ nghịch của tôm, thường có giá bán cao hơn vụ thuận.

Đèn được sử dụng là Philips AquaAdvance 260W chuyên biệt dùng cho nuôi tôm.

Cũng theo ông Lộc, qua tính toán, chủ các ao nuôi tôm có thể hoàn vốn sau 1 năm đầu tư trong khi bóng đèn có tuổi thọ hơn 10 năm mở ra cơ hội lớn cho ngành nuôi tôm của Việt Nam. Trong thời gian tới, ShrimpVet và Signify Việt Nam có thể hợp tác với ngân hàng để giúp người nuôi tôm dễ dàng tiếp cận với công nghệ mới.

Việt Nam là nước xuất khẩu tôm lớn trên thế giới, năm 2021, giá trị xuất khẩu tôm đạt 3,9 tỉ USD. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành đều đánh giá điểm yếu của ngành tôm Việt Nam là giá thành nguyên liệu cao so với các đối thủ trên thế giới là Ấn Độ và Ecuador. Một trong những nguyên nhân là do cách nuôi tôm truyền thống hoàn toàn lệ thuộc ánh sáng tự nhiên khiến hệ thống nuôi trồng kém ổn định do tôm rất nhạy cảm với sự thay đổi ánh sáng đột ngột, làm hạn chế khả năng kiểm soát dịch bệnh dẫn đến sản lượng không đều.

Ông Lộc cũng cho hay, ứng dụng ánh sáng nhân tạo trong nuôi trồng thủy sản đã thành công với ngành nuôi cá hồi Nauy.