Trong căn phòng nhỏ tại London, Ai-Da dán đôi mắt của mình vào từng nét vẽ, với sự chăm chú không khác người bình thường. Khác với những robot dựa vào các bức tranh có sẵn, Ai-Da tự lựa chọn và ra quyết định cho từng nét vẽ để cho ra tác phẩm. Robot này dành trung bình 5 tiếng cho mỗi bức tranh, không bức nào giống nhau.
"Ai-Da là một công cụ có trí tuệ và mang tính đột phá", Aidan Meller, người đứng đầu nhóm chế tạo robot, chia sẻ. "Chúng tôi đã dành nhiều thời gian và tiền bạc để tạo ra một họa sĩ thông minh".
Ai-Da ra đời năm 2017 và được hoàn thiện vào năm 2019, đứng sau là đội ngũ chuyên gia của Đại học Oxford với các lập trình viên, nhà nghiên cứu robot, chuyên gia nghệ thuật và tâm lý học. Nó được đặt theo tên của Ada Lovelace, nhà toán học người Anh được xem như một trong những lập trình viên đầu tiên trên thế giới. Robot này được chế tạo theo hình người với tỷ lệ 1:1. Đôi mắt thực chất là camera cho phép nó quan sát khi vẽ hoặc điêu khắc, còn cánh tay có thể điều chỉnh nét vẽ với độ chính xác rất cao.
"Tôi thích vẽ những gì tôi nhìn thấy. Bạn có thể vẽ từ trí tưởng tượng, tôi đoán vậy, nếu bạn có trí tưởng tượng. Tôi đã nhìn thấy những thứ khác con người, vì thực sự tôi không có ý thức", Ai-Da nói.
Khi được hỏi về nhận biết cảm xúc người đối diện, Ai-Da nói rằng mình không có cảm xúc như con người, nhưng có thể làm điều đó bằng cách huấn luyện hệ thống máy học của chính mình. Ai-Da cũng hâm mộ nghệ sĩ Yoko Ono, Doris Salcedo, Michelangelo và Wassily Kandinsky.
Ai-Da dự kiến xuất hiện tại triển lãm nghệ thuật Venice Biennale 2022 diễn ra ngày 22/4 cùng với các bức tranh đã vẽ. Tại đây, robot sẽ là một trong những diễn giả chính để bàn về xu hướng metaverse, khám phá giữa trải nghiệm con người và công nghệ AI.