Ảnh minh họa
Chị Q.Anh chia sẻ: "Những năm trước, mỗi tháng mình phải ra ATM ngân hàng để rút tiền ít nhất cũng phải 2-3 lần. Còn hiện tại, nhu cầu dùng tiền mặt trong cuộc sống ngày càng ít dần vì thanh toán điện tử rất tiện lợi và phát triển. Ngay cả khi mua hàng chỉ vài chục, vài trăm nghìn mà không có tiền mặt, chủ cửa hàng ở chợ, quán tạp hoá vẫn vui vẻ chấp nhận quét mã QR hoặc chuyển khoản, hoàn toàn không có sự bất tiện nào. Còn đối với siêu thị, trung tâm thương mại thì việc quẹt thẻ, quét mã QR đã rất phổ biến".
Trên thực tế, giao dịch rút tiền mặt tại ATM trên cả nước đã giảm rất mạnh thời gian qua. Năm ngoái, theo số liệu của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS đã giảm mạnh từ 26% năm 2020 xuống mức 12% năm 2021.
Ngay cả những đợt cao điểm như dịp Tết Nguyên đán hay trước các kỳ nghỉ lễ, hình ảnh người dân xếp hàng dài trước các cây ATM để rút tiền cũng không còn diễn ra thường xuyên như những năm trước. Khách hàng có xu hướng giao dịch không tiền mặt ngày càng nhiều hơn.
Thông tin tại họp báo ngày 23/9 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã tăng gần 13,63% về giá trị; qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 95,62% về số lượng và 112,15% về giá trị.
Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 78,0% về số lượng và 29,3% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 68,5% và 31,6%; qua điện thoại di động tăng 97,8% và 84,2%; qua QR code tăng 100,9% và 142,5%; giao dịch qua POS tăng 36,56% và 38,69%.
Trong khi đó, giao dịch qua ATM chỉ tăng tương ứng 3,83% và tăng 6,61%, cho thấy việc rút tiền mặt qua ATM giảm dần, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Trước đây, thanh toán điện tử được xem là điều xa xỉ, lớn lao, hầu hết chỉ những cửa hàng lớn ở trung tâm thương mại, siêu thị mới áp dụng. Nhưng hiện nay, không chỉ các cửa hàng lớn mà các cửa hàng nhỏ, thậm chí những quán trà đá với giao dịch chỉ 3.000-5.000 đồng cũng đã bắt kịp xu hướng thanh toán 4.0. Rất nhiều cửa hàng nhỏ hiện nay đã cho phép khách hàng được thanh toán tiền mặt, chuyển khoản hoặc quét mã QR. Nhiều chủ quán cho biết, thanh toán QR nhiều lúc còn tiện lợi hơn tiền mặt vì không phải trả tiền thừa. Ví dụ, khách hàng vào uống nước 5.000-15.000 đồng nhưng chỉ có tờ 500.000 đồng, rất bất tiện cho chủ quán tìm tiền lẻ để trả lại, nhưng quét mã QR thì vấn đề này được giải quyết trong tích tắc.
Với hệ thống ATM, hơn 10 năm trước, các ngân hàng đã ồ ạt mở rộng để thu hút khách hàng dù chi phí đầu tư không nhỏ, tới hàng chục ngàn USD cho mỗi máy, chưa kể các chi phí vận hành khác như chi phí quản lý, nhân sự, bảo trì thiết bị,…Không thể phủ nhận, sự phủ sóng của các cây ATM đã giúp dịch vụ ngân hàng phát triển mạnh mẽ. Thời điểm đó, có không ít người dùng quyết định sử dụng dịch vụ của một ngân hàng là bởi họ nhiều cây ATM.
Sau 1 thập kỷ, sự bùng nổ của thanh toán điện tử đã khiến các cây ATM - chủ yếu có chức năng rút tiền dần trở nên lỗi thời, vắng vẻ người dùng.
Tuy nhiên, dù bị "thất sủng", sự có mặt của các cây ATM vẫn rất cần thiết. Nhưng nếu chỉ dùng để rút tiền thì cũng sẽ rất lãng phí tài nguyên, bởi chi phí vận hành không nhỏ. Bởi vậy, các ngân hàng ngày nay đã chuyển sang đầu tư ATM thế hệ mới, hiện đại hơn với nhiều tính năng ưu việt, có thể nộp, rút tiền, chuyển tiền, gửi tiết kiệm.
Hoặc ở tầm cao hơn, nhiều ngân hàng đã triển khai hệ thống ngân hàng giao dịch tự động, hoạt động 24/7 không khác nhiều so với một phòng giao dịch, nhưng được thực hiện bằng số hoá. Khách hàng đến giao dịch ở các điểm giao dịch tự động này có thể không cần mang thẻ ngân hàng mà chỉ cần chứng minh thư, hoặc nhận diện sinh trắc học cũng có thể sử dụng dịch vụ.