Thị trường BĐS Việt Nam đang hấp dẫn nhiều nhà đầu tư ngoại quốc - Ảnh: Phan Diệu
Theo ông Vikram Kohli - Tổng giám đốc CBRE khu vực Đông Nam Á, từ năm 2015 đến nay, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS Việt Nam đã tăng trưởng theo từng năm.
Phần lớn những giao dịch mua bán - sáp nhập (M&A) có giá trị lớn là các khu đất dự án bất động sản, tiếp sau mới là các khách sạn, chung cư và văn phòng. Đây là minh chứng thực tế về việc những nhà đầu tư có dự định đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Thông thường, các chủ đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đặc biệt chú trọng vào các khu vực trung tâm thành phố, gần vị trí các tuyến metro. Còn các chủ đầu tư Việt Nam thường hợp tác dưới hình thức liên doanh với các chủ đầu tư nước ngoài để tối ưu hóa quá trình tìm kiếm vị trí dự án đầu tư và quản lý dự án.
Đáng chú ý, cùng với nhu cầu phát triển mạnh mẽ của các dự án thương mại là sự thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là thị trường bán lẻ, cho thuê văn phòng tại TP.HCM và Hà Nội. Đơn cử như chi phí thuê mặt bằng trung bình tại các tòa văn phòng hạng A tại TP.HCM đã tăng từ 35 USD/m2/tháng trong quý 2/2016 lên 43 USD/m2/tháng vào quý 2/2018, tương đương với mức tăng 23%.
Ông Vikram Kohli cũng cho rằng sự hiện diện ngày càng nhiều của các công ty quốc tế cũng giúp thị thường văn phòng cho thuê thêm nhộn nhịp và giúp lấp đầy nguồn cung hiện hữu trên thị trường. Tốc độ xây dựng văn phòng đã được cải thiện và điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá trong nguồn cung văn phòng hạng A vào nửa cuối năm 2018.
Đặc biệt, phân khúc nhà ở cũng thu hút được nguồn cầu vững chắc và phân khúc này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế. Minh chứng qua việc giao dịch có giá trị lớn nhất trong năm nay là việc quỹ đầu tư của chính phủ Singapore GIC đã đầu tư vào một chủ đầu tư có danh tiếng trong phân khúc nhà ở cao cấp.
Các nhà đầu tư Singapore, Hồng Kông và Đài Loan cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt vào thị trường chung cư và căn hộ dịch vụ, với khách hàng trong 2 phân khúc này chiếm 75% tổng lượng khách hàng của thị trường mua để cho thuê. Khách hàng nước ngoài chiếm đến 50% tổng số các giao dịch chuyển nhượng dự án nhà ở.
“Điều này cho thấy rằng các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ mở rộng hoạt động, mà còn thể hiện cam kết về sự hiện diện lâu dài tại Việt Nam. Những yếu tố trên góp phần giải thích cho mức tăng trưởng 15% của giá nhà ở tại các khu vực trung tâm TP.HCM trong 2 năm gần đây.
Những nỗ lực của Chính phủ trong việc giảm bớt rào cản về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng cũng góp phần giúp cho triển vọng của nền kinh tế được tươi sáng hơn. Những chính sách kể trên giúp đa dạng hóa bức tranh của nền kinh tế và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tài sản thương mại - qua đó thúc đẩy nhu cầu về BĐS”, ông Vikram Kohli nhận định.
Tổng giám đốc CBRE khu vực Đông Nam Á cũng cho biết hiện nay có những mối quan ngại nhất định về tác động của việc thắt chặt tín dụng và những bất ổn địa chính trị, điều này có thể dẫn tới một vài trở ngại trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, sự gia tăng căng thẳng trong vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất sang khu vực Đông Nam Á để tránh bị đánh thuế. Việt Nam - trên tư cách là một quốc gia xuất khẩu lớn trong ngành may mặc và điện tử sẽ được được hưởng lợi từ việc dịch chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
“Sự phục hồi của thị trường BĐS kể từ năm 2015 đến nay cho thấy đôi lúc những nhịp điều chỉnh của thị trường lại là một tín hiệu tích cực trong dài hạn. Khi nhìn vào sự tham gia của các nguồn vốn ngoài Việt Nam trong hầu hết những giao dịch chuyển nhượng BĐS lớn nhất trong năm nay ở các phân khúc, chúng ta có thể cảm nhận được mức độ hào hứng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với ngôi sao mới nổi của châu Á”, Tổng giám đốc CBRE khu vực Đông Nam Á nói thêm.