Các nhà đầu tư quốc tế đánh giá thị trường BĐS Việt Nam thế nào?

30/11/2018 22:31 GMT+7

Sự phục hồi của thị trường BĐS kể từ năm 2015 đến nay là một tín hiệu tích cực trong dài hạn. Những động thái gần đây của các nhà đầu tư nước ngoài, cho thấy thị trường BĐS Việt Nam vẫn rất tiềm năng đối với họ.


Các nhà đầu tư quốc tế đánh giá thị trường BĐS Việt Nam thế nào? - Ảnh 1.

Không ngừng rót vốn

Theo CBRE, khi các nhà đầu tư quốc tế bàn luận về những thị trường mới nổi năng động năng động nhất trên toàn cầu, họ thường nhắc tới Việt Nam. Có 2 yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm đó là động lực từ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tầng lớp trung lưu đang gia tăng với thu nhập tăng nhanh.

Ngân hàng thế giới dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,8% trong năm 2018. Cùng với đó là những lợi thế về dân số trẻ có học thức cao đã giúp quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Điều này giúp thúc đẩy triển vọng của các nhà đầu tư quốc tế trong việc tạo dấu ấn tại thị trường bất động sản có nhiều tiềm năng tại Việt Nam.

Ông Vikram Kohli, Tổng Giám đốc CBRE khu vực Đông Nam Á, cho rằng đáng chú ý đó là từ 2015 đến nay, hầu hết các thương vụ M&A giá trị lớn đều là các khu đất dự án BĐS, sau đó mới là các khách sạn và chung cư, văn phòng. Trong số đó, nhiều thương vụ M&A lớn có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam đã tăng trưởng theo từng năm. Các chủ đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đặc biệt chú trọng vào các khu vực trung tâm thành phố, gần vị trí các tuyến metro. Đây là minh chứng thực tế về việc những nhà đầu tư có dự định đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Còn các chủ đầu tư Việt Nam thường hợp tác dưới hình thức liên doanh với các chủ đầu tư nước ngoài để tối ưu hóa quá trình tìm kiếm vị trí dự án đầu tư và quản lý dự án.

Sự phục hồi của thị trường BĐS khiến nhu cầu mặt bằng bán lẻ và văn phòng những khu trung tâm TP lớn như Hà Nội và TP.HCM tăng cao. Do thiếu hụt nguồn cung, chi phí thuê mặt bằng trung bình tại các tòa văn phòng Hạng A tại TP. Hồ Chí Minh đã tăng từ 35 USD/m2/tháng trong Quý 2 2016 lên 43 USD/m2/tháng vào Quý 2 2018, tương đương với mức tăng 23%.

Thị trường văn phòng cho thuê Hà Nội cũng ghi nhận mức tăng trưởng tương tự. Sự hiện diện ngày càng nhiều của các công ty quốc tế cũng giúp thị thường văn phòng cho thuê thêm nhộn nhịp và giúp lấp đầy nguồn cung hiện hữu trên thị trường. Tốc độ xây dựng văn phòng cũng đã được cải thiện và điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá trong nguồn cung văn phòng hạng A vào nửa cuối năm 2018.

Trào lưu mua nhà để cho thuê của người nước ngoài

Theo đánh giá của Vikram Kohli, phân khúc nhà ở cũng thu hút được nguồn cầu vững chắc và phân khúc này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế – minh chứng qua việc giao dịch IPO có giá trị lớn nhất trong năm nay là việc quỹ đầu tư của chính phủ Singapore - GIC đã đầu tư vào một chủ đầu tư có danh tiếng trong phân khúc nhà ở cao cấp. 

Các nhà đầu tư Singapore, Hồng Kông và Đài Loan cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt vào thị trường chung cư và căn hộ dịch vụ, với khách hàng trong hai phân khúc này chiếm 75% tổng lượng khách hàng của thị trường mua để cho thuê.

Khách hàng nước ngoài chiếm đến 50% tổng số những giao dịch chuyển nhượng dự án nhà ở. Điều này cho thấy rằng các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ mở rộng hoạt động, mà còn thể hiện cam kết về sự hiện diện lâu dài tại Việt Nam. Những yếu tố trên góp phần giải thích cho mức tăng trưởng 15% của giá nhà ở tại các khu vực trung tâm TP. HCM trong hai năm gần đây.

Triển vọng dài hạn của thị trường BĐS Việt Nam vẫn rất tốt

Những nỗ lực của chính phủ trong việc giảm bớt rào cản về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng cũng góp phần giúp cho triển vọng của nền kinh tế được tươi sáng hơn. Những chính sách kể trên giúp đa dạng hóa bức tranh của nền kinh tế và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tài sản thương mại – qua đó thúc đẩy nhu cầu về bất động sản và giúp Việt Nam tiếp tục nới rộng khoảng cách về tốc độ tăng trưởng kinh tế với các quốc gia cùng đang được xếp hạng tín nhiệm BB.

Dựa vào những điểm tương đồng giữa câu chuyện của Việt Nam và Trung Quốc, chúng ta có thể hình dung ra được bức tranh tổng quan về sự bền vững trong nhu cầu và các hoạt động kinh tế của Việt Nam. Một yếu tố khác biệt đáng tự hào của Việt Nam là mức độ chênh lệch giàu nghèo ở ngưỡng thấp so với các quốc gia đang phát triển khác.

Bên cạnh đó, để hiểu được vì sao các nhà đầu tư có thiên hướng tiếp tục đầu tư tại thị trường Việt Nam, chúng ta cần nghĩ theo hướng ngược lại. Khi chính phủ đã công khai bày tỏ ước muốn cải thiện năng suất lao động và giảm thiểu các chi phí giao dịch – hậu cần, các doanh nghiệp sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn để thu hút không chỉ các nhà đầu tư hay các dự án đơn lẻ mà còn có thể tiếp cận với các thị trường lớn hơn.

Hiện có những mối quan ngại nhất định về tác động của việc thắt chặt tín dụng và những bất ổn địa chính trị, điều này có thể dẫn tới một vài trở ngại trong ngắn hạn. Tuy nhiên, sự gia tăng căng thẳng trong vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất sang khu vực Đông Nam Á để tránh bị đánh thuế. Việt Nam, trên tư cách là một quốc gia xuất khẩu lớn trong ngành may mặc và điện tử, sẽ được được hưởng lợi từ việc dịch chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Sự phục hồi của thị trường bất động sản kể từ năm 2015 đến nay cho thấy đôi lúc những nhịp điều chỉnh của thị trường lại là một tín hiệu tích cực trong dài hạn. Một phép nhìn đơn giản là khi nhìn vào sự tham gia của các nguồn vốn ngoài Việt Nam trong hầu hết những giao dịch chuyển nhượng bất động sản lớn nhất trong năm nay – ở các phân khúc văn phòng, nhà ở và bán lẻ, chúng ta có thể cảm nhận được mức độ hào hứng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với ngôi sao mới nổi của Châu Á.