Cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt: Chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp

28/12/2022 11:58 GMT+7

Với định hướng chuyển đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt từ hệ thống thuế tính theo tỉ lệ % sang hệ thống thuế hỗn hợp (gồm thuế tính theo tỷ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối), Việt Nam sẽ cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp với xu hướng chung trên thế giới

Cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt: Chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp - Ảnh 1.

Cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt được các chuyên gia quan tâm trong buổi Hội thảo "Thuế tiêu thụ đặc biệt - Hài hòa giữa điều tiết nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển sản xuất kinh doanh" được tổ chức vào tháng 8/2022.

Theo Quyết định 508/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030" và theo Quyết định 2439/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài Chính về "Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 (Quyết định 2439), Việt Nam sẽ có những thay đổi đáng kể trong chiến lược, mục tiêu, kế hoạch ngành thuốc lá.

Những thay đổi ở ngành thuốc lá

Tinh thần chung của Quyết định 508 và Quyết định 2439 là nhấn mạnh đến lộ trình đều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với các mặt hàng như thuốc lá, bia, rượu, ôtô… nhằm điều tiết tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế. Chẳng hạn, Việt Nam cam kết thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ngoài ra, Việt Nam sẽ nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỉ lệ phần trăm và thuế suất tuyệt đối ở một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế. Đây là hình thức được đánh giá đơn giản, hiệu quả, phù hợp với tài chính và sức khỏe cộng đồng hơn.

Trong "Chiến lược tổng thể ngành thuốc lá Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020", Chính phủ còn yêu cầu kiểm soát thuốc lá nhập lậu và thuốc lá giả. Theo đó, Việt Nam sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán thuốc lá nhập lậu, hỗ trợ kinh phí để ngăn chặn, đẩy lùi thuốc lá nhập lậu cũng như trang bị phương tiện, nhân lực cho lực lượng chống buôn lậu. Hệ thống thuế mới cũng phải cân nhắc đến các tác động tiêu cực như tăng nguy cơ thất nghiệp ở lao động ngành thuốc lá.

Rõ ràng, như các chuyên gia ở PwC Việt Nam nhận định, một cơ cấu thuế chỉ hiệu quả khi có khả năng cân bằng các mục tiêu sức khỏe và tạo ra nguồn thu thuế bền vững, đồng thời kiểm soát được việc tiêu dùng thuốc lá bất hợp pháp.

Các bước chuyển lên thuế hỗn hợp

Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán và Tư vấn PwC Việt Nam, trong 3 phương thức đánh thuế TTĐB, hiện trên thế giới, số quốc gia chọn đánh thuế tuyệt đối là nhiều nhất (66 quốc gia), tiếp đến là thuế hỗn hợp (61 quốc gia). Thuế tính theo tỉ lệ phần trăm như Việt Nam đang áp dụng chỉ có 47 quốc gia chọn thực hiện, tính đến hết năm 2018.

Cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt: Chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp - Ảnh 2.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán và Tư vấn PwC Việt Nam, đề xuất "Việt Nam cần tăng thuế có lộ trình, minh bạch, với mức tăng nên cao hơn tỷ lệ lạm phát".

Số liệu từ WHO cũng chỉ ra, xu hướng của các quốc gia là chuyển sang áp dụng cơ cấu thuế TTĐB theo thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp (tăng 22,5% , từ 102 quốc gia năm 2008 lên 125 quốc gia năm 2018, chiếm 69% số nước trong thống kê). Trong khi đó, số nước áp dụng cơ cấu thuế theo tỷ lệ phần trăm đơn thuần giảm 25% trong giai đoạn trên (từ 55 quốc gia xuống 41 quốc gia).

Theo WHO, thiết kế chính sách thuế thuốc lá nên ưu tiên sự đơn giản và cơ cấu thuế tuyệt đối đơn bậc vì như thế sẽ dễ dàng cho các quốc gia điều chỉnh thuế theo tăng trưởng thu nhập hoặc khi có lạm phát. Đơn giản hóa cơ cấu thuế TTĐB với thuốc lá cũng giúp cho các nhà quản lý thuận lợi hơn trong việc quản lý thuế, giảm thất thoát, nâng cao nguồn thu và tác động lớn hơn đến giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá.

Với những quốc gia đang áp dụng thuế theo tỷ lệ phần trăm như Việt Nam, WHO đề xuất Việt Nam cần bắt đầu bằng cách chuyển sang hệ thống hỗn hợp, tức thêm cấu phần thuế tuyệt đối hoặc đưa ra mức thuế TTĐB tối thiểu. Một khi đã có kinh nghiệm áp dụng hệ thống hỗn hợp, các nước có thể xem xét nâng tỉ trọng cấu phần thuế tuyệt đối lên. Ngưỡng cao nhất là chuyển hoàn toàn sang hệ thống thuế tuyệt đối thuần túy.

Căn cứ chính sách thuế TTĐB hiện hành ở Việt Nam, tham khảo chính sách thuế ở một số quốc gia điển hình cũng như xem xét các mục tiêu, chính sách của Chính phủ, báo cáo của PwC Việt Nam cũng cho rằng cách thức chuyển sang thuế hỗn hợp trước phù hợp với Việt Nam hơn và cũng phù hợp với định hướng cải cách của Bộ Tài chính.

Cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt: Chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp - Ảnh 3.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), "lộ trình hai năm đầu thực hiện phương pháp thuế hỗn hợp - tương đối và tuyệt đối".

Tại Hội thảo "Thuế tiêu thụ đặc biệt - Hài hòa giữa điều tiết nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển sản xuất kinh doanh", bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), cũng đề xuất lộ trình hai năm đầu thực hiện phương pháp thuế hỗn hợp - tương đối và tuyệt đối. Theo đó, bên cạnh thuế suất 75%, Việt Nam có thể tăng thêm mức thuế tuyệt đối từ 1.000 đồng/bao. Ở 2 năm tiếp theo, Việt Nam có thể nâng dần mức thuế từ 1.000 đồng/bao lên 1.500 đồng/bao và sẽ điều chỉnh tăng lên 2.000 đồng/bao từ năm thứ 5.

Dù các đề xuất của mỗi bên khác nhau thì ý chung đều mong Việt tăng thuế TTĐB theo từng bước, với mức độ vừa phải, tăng thuế có lộ trình hợp lý và có tính định hướng dài hạn, hài hòa giữa mục tiêu hạn chế tiêu dùng với đảm bảo sự ổn định trong thu ngân sách nhà nước, hạn chế sự gia tăng đột biến của thuốc lá lậu, từ đó hỗ trợ chuyển đổi ngành thuốc lá chuyển đổi sang cơ cấu sản phẩm có chất lượng tốt hơn, ít độc hại hơn.

PwC Việt Nam đề xuất 2 phương án tăng thuế TTĐB cho thuốc lá:

Phương án 1: Chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp sau đó tăng dần thành phần tuyệt đối và giảm dần thành phần tương đối. Trong tương lai, khi phù hợp sẽ chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối đơn bậc;

Phương án 2: Chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối đa bậc (ví dụ: 4 bậc). Sau đó thu hẹp dần số bậc để trở thành hệ thống tuyệt đối đơn bậc.