Đầu tư đất với 100 triệu đồng: Tại sao không?

05/01/2019 08:36 GMT+7

Đầu tư theo nhóm giúp bạn gia tăng kiến thức về thị trường đặc biệt này, hạn chế được rất nhiều rủi ro.

Đầu tư đất với 100 triệu đồng: Tại sao không? - Ảnh 1.

Một nhóm nhà đầu tư đang cùng bàn bạc mua nhà dự án. Ảnh: Quang Huy

Năm 2018 vừa qua, bất động sản (BĐS) vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, để tham gia thị trường này nhà đầu tư vẫn cần một số vốn kha khá. Không có tiền tỉ, vay ngân hàng lại rủi ro nên anh Cương (ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) đã cùng những người bạn của mình chọn đi một hướng khác. Họ bỏ ra vài trăm triệu đồng để cùng đầu tư vào nhóm nhà đất bình dân.

Buôn có bạn, bán có phường 

Chia sẻ với chúng tôi, anh Cương kể về vụ đầu tư đầu tiên của mình khi trong tay chỉ có hơn 100 triệu đồng: “Thời điểm cuối năm 2017 đầu 2018, gần khu tôi ở có căn nhà diện tích gần 50 m2, chủ nhà cần tiền gấp nên chỉ ra giá hơn 500 triệu đồng. Thấy khu này tiềm năng, về lâu dài có thể làm pháp lý giấy tờ hợp lệ, giá cả thì quá tốt nên tôi quyết định mua”.

Không đủ khả năng tài chính, anh Cương rủ thêm ba người bạn thành lập một nhóm cùng mua căn nhà trên. Một thời gian sau, thị trường lên cơn sốt đất, nhóm anh đã bán được căn nhà với giá đến 1,5 tỷ đồng. Chỉ trong vài tháng, anh đã thu về lợi nhuận gấp 3-4 lần số vốn ban đầu.

Một số nhóm đầu tư chuyên nghiệp hơn, mở rộng quy mô và “đánh” những sản phẩm sinh lời cao hơn. Ông Nguyễn Trung Kiên (quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết nhóm 10 nhà đầu tư của ông chung nhau mua một căn shophouse trị giá khoảng 5 tỉ đồng. Mỗi người góp vốn 500 triệu đồng, cùng đứng tên trên giấy.

“Hiện shophouse này đã có người đồng ý mua với giá hơn 20 tỷ đồng nhưng chúng tôi chưa bán mà quyết định cho thuê dài hạn, lấy tiền tiếp tục đầu tư” - ông Kiên vui vẻ nói.

Bài toán đồng thuận

Theo nhiều chuyên gia, kiểu đầu tư BĐS theo nhóm không chỉ dành cho các nhà đầu tư có vốn ít vài trăm triệu đồng mà bao gồm cả những đại gia.

Ông Phan Công Chánh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Phú Vinh, nhận định việc lập nhóm đầu tư xuất hiện từ khi thị trường BĐS phục hồi và được xem là hình thức đầu tư kiểu chứng khoán hóa BĐS, dễ dàng huy động vốn hơn.

Chính ông Chánh đã áp dụng mô hình đầu tư này khi kêu gọi hàng chục người cùng góp vốn với tỉ lệ mỗi người chỉ khoảng 100-200 triệu đồng. “Nhiều người sẽ thấy lạ nhưng với mô hình này thì một giấy đỏ có 20-30 người cùng đứng tên là rất bình thường” - ông Chánh nói.

Giới đầu tư lưu ý kiểu kinh doanh này cần huy động những người có chút am hiểu trong lĩnh vực BĐS để định hướng, lập chiến lược, khảo sát pháp lý, thương lượng và thực hiện hợp đồng giao dịch. Việc liên kết rút ngắn thời gian, giảm áp lực về vốn, đồng thời giúp các thành viên giảm thiểu rủi ro so với đầu tư riêng lẻ vì được tham khảo ý kiến từ nhiều người.

Tuy nhiên, ông Chánh cũng chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn. Cụ thể là sự đồng thuận khó duy trì xuyên suốt trong quá trình mua bán nên sẽ ảnh hưởng đến các quyết định chung.

“Góp vốn cùng nhau cần nhà đầu tư giải được bài toán về phân chia quyền lợi, khi nào nên bán, xử lý sao khi có người rút vốn… Nhà đầu tư nên có kịch bản đầu tư, lập hợp đồng cụ thể hóa cách xử lý những vấn đề phát sinh theo luật dân sự” - ông Chánh khuyến cáo.

Rõ ràng quyền lợi, tránh tranh chấp

Theo luật sư Huỳnh Đức Hữu (Đoàn Luật sư TP HCM) đầu tư kinh doanh BĐS do nhiều người góp vốn rất dễ xảy ra tranh chấp, bất đồng, đặc biệt ở thời điểm bán ra. Có trường hợp nhiều người góp vốn nhưng ủy quyền cho một người hoặc một công ty đứng ra giao dịch. Khi xong việc người này bỏ trốn hoặc trước đó móc ngoặc với bên ngoài gây thiệt hại cho nhà đầu tư.


Để đảm bảo quyền lợi các bên, tránh tranh chấp thì nhóm phải có một văn bản thống nhất chung, nội dung thể hiện rõ quyền, nghĩa vụ mỗi bên đối với BĐS; thỏa thuận rõ tỷ lệ góp vốn, phân chia lợi nhuận… Đặc biệt, trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ khác liên quan phải đứng tên từng nhà đầu tư là đồng sử dụng, sở hữu BĐS đó.