Tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam 2018, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đánh giá sức ảnh hưởng của thị trường bất động sản là vô cùng lớn. Ông Lực ước tính đầu tư một đồng vào bất động sản, hệ số lan tỏa có thể đạt 1,5-2 đồng thậm chí cao hơn và điều này lý giải vì sao dòng tiền đổ vào ngành này ngày càng mạnh mẽ.
11 tháng đầu năm, có khoảng gần 6.000 doanh nghiệp kinh doanh tư nhân bất động sản mới thành lập, tăng 45%, khoảng 15.500 doanh nghiệp xây dựng mới, tăng 6%. Về vốn thành lập, trước đây chỉ khoảng 20 tỷ đồng, hiện nay lên tới 60 - 70 tỷ đồng cho một doanh nghiệp, chứng tỏ dòng vốn tư nhân đổ vào bất động sản đã tăng rất nhanh.
Ông Lực dẫn ra nhiều bằng chứng về sức hút của bất động sản trong năm qua. Số lượng doanh nghiệp minh bạch niêm yết trên sàn tăng đều. Lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết đang công bố ở mức tốt. Trong 9 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán lợi nhuận ròng tăng 51% (mức bình quân thị trường là 31%).
Theo báo cáo tình hình đầu tư nước ngoài năm 2018 do Bộ Kế hoạch đầu tư công bố trên cổng thông tin, trong năm 2018 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực tại Việt Nam. Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai về thu hút FDI với tổng vốn đầu tư 6,6 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Theo ông Lực, các con số này càng khẳng định dòng vốn toàn cầu rất thông minh, nó dịch chuyển từ nơi có hiệu suất thấp sang nơi có hiệu suất sinh lời cao hơn, từ nơi rủi ro sang nơi an toàn.
Thị trường bất động sản TP HCM. Ảnh: Lucas Nguyễn
Ông Quang phân tích, đơn cử đầu tư dự án căn hộ, công ty xây dựng có thể đạt lợi nhuận 15% ( bao gồm nhà thầu chính và thầu phụ). Nhà cung ứng vật liệu, vật tư có thể lãi 10-15%. Ngân hàng cho vay phát triển dự án thông thường ghi nhận lãi suất 10%. Nhóm ngành dịch vụ hỗ trợ phát triển dự án gồm: bán hàng (môi giới), thiết kế, quản lý, giám sát, vận hành... lợi nhuận trên vốn có thể đạt 25-30% do đặc thù ngành dịch vụ vốn nhẹ hơn các ngành khác. Chủ đầu tư lợi nhuận bình quân trên dưới 15%.Tổng giám đốc Công ty bất động sản Việt An Hòa, Trần Khánh Quang ước tính sức lan tỏa của dòng vốn đầu tư vào bất động sản có thể mang về ít nhất 10-15% lợi nhuận cho nhiều doanh nghiệp cùng tham gia phát triển.
Theo ông Quang, nếu nhìn rộng ra, bất động sản có sức ảnh hưởng đa ngành nghề, đa lĩnh vực và tác động sâu rộng đến những thị trường khác: bán lẻ, tiêu dùng, dịch vụ... Sự sôi động của thị trường bất động sản vì vậy có thể cộng hưởng sang những ngành khác. Ngược lại, nếu bất động sản khó khăn, các ngành liên quan cũng gặp trở ngại, khó tăng trưởng tốt.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, Lê Hoàng Châu cho biết, hệ số lan tỏa của bất động sản lớn hơn những gì đo đếm được bằng các con số thông thường.
Ông Châu giải thích, doanh nghiệp bất động sản đầu tư xây dựng một dự án, có hàng chục công ty đủ mọi ngành nghề liên quan tham gia vào để cùng xây dựng, hoàn thiện sản phẩm. Từ đội ngũ quy hoạch, thiết kế, đến các nhà thầu và những đơn vị cung ứng vật tư đến đội ngũ hoàn thiện kỹ thuật. Theo sau nhà thầu chính là rất nhiều những nhà thầu phụ khác cùng tham gia phát triển dự án.
Khi đã bàn giao nhà, lại có rất nhiều hàng hóa của hàng chục ngành nghề từ hàng công nghệ, thiết bị điện gia dụng, nội ngoại thất đến các tác phẩm nghệ thuật, hội họa... "Trên thực tế hiệu suất lan tỏa của một đồng đầu tư vào bất động sản có thể lớn hơn mức 1,5-2 lần, lên đến 2-3 lần thậm chí nhiều hơn do đây là hiệu ứng kép và có tác động dây chuyền", ông Châu nói.