Đề nghị khung giá đất riêng cho Hà Nội và TP HCM

14/11/2019 18:50 GMT+7

Đó là ý kiến của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA) về khung giá đất mới cho giai đoạn 2019-2024 mà Chính phủ sẽ ban hành vì khung giá đất hiện nay sẽ hết hiệu lực ngày 29-12.


Đề nghị khung giá đất riêng cho Hà Nội và TP.HCM - Ảnh 1.

HOREA đề nghị khung giá đất riêng biệt cho hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP HCM. Ảnh: Trần Mạnh

Theo HOREA, các quy định về khung giá đất và bảng giá đất ở các địa phương theo Luật đất đai 2013 đang có nhiều bất cập ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản và quyền tự chủ của các địa phương.

Cụ thể, Điều 113 Luật đất đai 2013 quy định "Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng". Điều 114 Luật đất đai 2013 quy định "Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1 tháng 1 của năm đầu kỳ".

Nghị định 104/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Khung giá đất có hiệu lực kể từ ngày 29/12/2014, tại Điều 5 đã quy định "Khung giá đất được sử dụng làm căn cứ để Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương".

Khoản 3 Điều 18 Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định "Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hệ số điều chỉnh giá đất…".

Theo cách làm này, đã dẫn đến tình trạng giá đất trong "Bảng giá đất" của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phổ biến chỉ bằng khoảng 30-50% giá đất thực tế trên thị trường. Đây là điểm bất hợp lý vì không đảm bảo được nguyên tắc định giá đất phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, theo quy định tại Điều 112 Luật đất đai. 

Đặc biệt, khung giá đất của hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP HCM có mức giá như nhau là không hợp lý và không phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc thù và sự khác biệt của hai thành phố. Không chỉ bất cập và hạn chế trong việc quy định khung giá đất ở, mà kể cả trong việc quy định khung giá đất thương mại, dịch vụ và đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại hai đô thị đặc biệt Hà Nội, TP HCM cũng bất cập và hạn chế.

Vì vậy, HOREA đề nghị quy định khung giá đất của các đô thị phù hợp với loại đô thị, tính đặc thù, sự khác biệt và tương quan giữa các đô thị trong cùng vùng kinh tế. Đối với hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP HCM cần có khung giá đất riêng.

Trong đó, khung giá đất đối với TP HCM nên lựa chọn giữa ba phương án là giữ nguyên mức giá tối thiểu và tăng 1/3, ½ hoặc gấp đôi mức giá tối đa so với mức giá hiện nay.

Ngoài ra, HOREA cũng kiến nghị bãi bỏ quy định "Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần" khi sửa đổi Luật đất đai trong năm 2020 và giao quyền cho Hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh chủ động, chịu trách nhiệm ban hành "Bảng giá đất" thì mới đảm bảo được nguyên tắc giá đất phải "phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường" và phải phù hợp với thực tế tình hình của địa phương.

HOREA cũng đề nghị bổ sung việc thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở với mức thu bằng 15% (hoặc tỉ lệ % khác cao hơn) bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành để đảm bảo tính minh bạch và loại trừ cơ chế "xin - cho", nhũng nhiễu tiêu cực.