Tại tỉnh Bình Dương , bảng giá các loại đất tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020-2024 điều chỉnh giá đất tăng tương ứng với giá đất theo hệ số điều chỉnh giá đất K tăng bình quân 18% so với bảng giá đất hiện hành. Theo đó, ghi nhận một số tuyến đường thuộc phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một có giá đất cao nhất 37,8 triệu đồng/m2.
Đối với đất đô thị, các tuyến đường loại I ở vị trí 1 của thành phố Thủ Dầu Một gồm: Yersin, Bạch Đằng, Cách mạng tháng Tám, Đại lộ Bình Dương, Điểu Ong, Đinh Bộ Lĩnh, Đoàn Trần Nghiệp, Hùng Vương, Nguyễn Du, Nguyễn Thái Học, Quang Trung, Trần Hưng Đạo có giá đất cao nhất là 37,8 triệu đồng/m2.
Một số tuyến đường thuộc phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một có giá đất cao nhất 37,8 triệu đồng/m2. Ảnh: Diaocnuihong.
Các tuyến đường loại II ở vị trí 1 của thành phố Thủ Dầu Một có giá đất từ 20-25 triệu đồng/m2.
Đối với đất phi nông nghiệp, tỉnh Bình Dương thực hiện điều chỉnh bằng với giá đất tính theo Hệ số điều chỉnh giá đất (K) năm 2019 đang áp dụng (có điều chỉnh cho phù hợp giữa các huyện, thị xã, thành phố), tương ứng mức tăng bình quân khoảng 18% so với bảng giá đất hiện hành.
Tỉnh Bình Dương cũng bổ sung bảng giá đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng: áp dụng bằng giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ. Tỉnh bổ sung bảng giá đất quốc phòng, an ninh: áp dụng bằng 65% giá đất ở.
Đối với đất nông nghiệp, giá đất bằng khung giá tối đa do Chính phủ quy định tại Nghị định số 104/2014/NĐ-CP nhưng đảm bảo sự hài hòa giữa các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Trong khi đó, tại tỉnh Đồng Nai , mặc dù giá đất giai đoạn 2020-2024 có biến động tăng rất cao so với bảng giá hiện hành nhưng vẫn chênh lệch lớn so với giá đất giao dịch trên thị trường.
Nhóm đất ở tại đô thị được bổ sung thêm 14 tuyến đường mới, đưa tổng số tuyến đường đô thị quy định trong bảng giá đất là 510 tuyến đường và chia thành 715 đoạn. Ở nội dung này, giá đất tại các tuyến đường đều tăng, mức tăng phổ biến từ 1,5 - 3 lần so với giá hiện hành. Mức giá cao nhất là 40 triệu đồng/m2 tại đường 30-4 (TP Biên Hòa) và thấp nhất 160.000 đồng/m2 thuộc thị trấn Định Quán (huyện Định Quán).
Đối với nhóm đất nông nghiệp, mức tăng cao nhất là các xã thuộc địa bàn huyện Trảng Bom (2,2 - 3 lần), huyện Thống Nhất (2,5 - 3 lần), huyện Xuân Lộc (3 - 4 lần), huyện Cẩm Mỹ (2,8 - 3,2 lần). Đất nông nghiệp TP. Biên Hòa có nhiều mức tăng khác nhau, các phường cũ có tỷ lệ tăng thấp nhất (từ 6 - 29%), các phường mới thành lập có mức tăng cao nhất là 4,3 lần.