Khảo sát thông tin của Cục Thuế TP HCM chủ yếu dựa trên giá chuyển nhượng nhà đất do người dân tự kê khai và đối chiếu với bảng giá đất TP HCM ban hành (5 năm một lần). Từ đó, cơ quan chức năng nhận định giá chuyển nhượng nhà đất hiện nay cao hơn gấp 4 - 6 lần Bảng giá đất của thành phố.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng độ vênh giữa giá trị chuyển nhượng nhà đất người dân tự kê khai so với bảng giá đất TP HCM có thể đạt cả chục lần trở lên do tác động của các cơn sốt đất liên tục diễn ra giai đoạn 2016-2017-2018.
Tổng giám đốc Công ty tư vấn đầu tư Nam Phát, Nguyễn Mạc Hoài Nam cho rằng, việc cơ quan chức năng xác định giá thị trường chuyển nhượng nhà đất tại TP HCM hiện nay cao hơn gấp 4-6 lần bảng giá đất chưa theo sát thực tế.
Chuyên gia này nhận xét, thống kê của Cục Thuế thành phố chưa phản ánh đúng mức những biến động giá nhà đất thực tế vì chỉ căn cứ vào 2 tham chiếu là giá kê khai của người dân và khung giá đất của thành phố ban hành 5 năm một lần. Do những tồn tại lịch sử của thị trường bất động sản, hiện người dân giao dịch nhà đất chỉ kê khai mức giá tượng trưng để thực hiện các nghĩa vụ thuế và cơ quan chức năng cũng tiến hành hậu kiểm khung giá đất đối chiếu để người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Thị trường bất động sản phía Đông TP HCM. Ảnh: Vũ Lê
Vì vậy, theo quan điểm của ông Nam, giá chuyển nhượng nhà đất tại TP HCM hiện nay cao hơn gấp 4-6 lần bảng giá đất theo đánh giá của Liên Sở Tài Chính - Tài nguyên môi trường chỉ phản ánh đúng một vài lát cắt nhỏ chứa chưa bao quát quy mô toàn thị trường. Mức giá chuyển nhượng nhà đất gấp 4-6 lần chỉ phù hợp trong điều kiện thị trường bất động sản diễn biến bình thường.
Song với tác động mạnh mẽ của các cơn sốt đất trong 3 năm qua, độ vênh giá nhà đất trên thị trường với bảng giá đất TP HCM ban hành đã biến thiên rất mạnh.Trong khi đó, giá trị thực tế được chốt khi giao dịch diễn ra thành công (không thể hiện trong hồ sơ thuế) lớn hơn giá kê khai gấp nhiều lần. Ông Nam ước tính, hiện nay có khoảng 25% người dân giao dịch nhà đất kê khai đúng với giá trị thực tế của tài sản, 75% còn lại đang kê khai giá giao dịch dưới mức thị trường, thường thấp hơn rất nhiều lần (phổ biến nhất là 5-10 lần) so với giá trị thực tế.
Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, Trần Khánh Quang đánh giá tác động của cơn sốt đất qua các năm 2016-2017-2018 đã làm đảo lộn nhiều trật tự trên thị trường nhà đất TP HCM. Năm 2016 Sài Gòn sốt đất cục bộ, tập trung nhiều ở trục phía Đông thành phố. Năm 2017 sốt đất lan rộng khắp đô thị này và kéo dài, tác động rất lớn đến việc thiết lập mặt bằng giá mới toàn thị trường TP HCM. Trong khi đó, cơn sốt đất năm 2018 diễn ra sau Tết nhưng không kéo dài lâu.
Ông Quang phân tích, không tính đến tác động của các cơn sốt đất ngắn trong các năm 2016 và 2018 (vì không diễn ra trên diện rộng), cơn sốt đất năm 2017 vừa lan rộng vừa kéo dài nên có tác động mạnh mẽ nhất, khiến độ vênh giữa giá đất do thành phố ban hành với giá đất thị trường đang ngày càng nới rộng hơn bao giờ hết.
Chuyên gia này cho biết, năm 2015 là thời điểm lấy làm cột mốc bảng giá đất TP HCM được ban hành và được điều chỉnh 5 năm một lần. Giá đất thị trường tại thời điểm 2017 (cơn sốt đất mạnh nhất trong 3 năm gần đây) đã tăng bình quân 2-2,5 lần so với năm 2015 và tiếp tục tăng thêm vào các nên giá đất ban hành chỉ bằng 10-20% giá thị trường.
Tại nhiều khu vực thuộc địa bàn quận 9 khi đa số chỉ bằng 5-7% giá thị trường. Ở các khu vực quận 2, Gò Vấp, Thủ Đức, Củ Chi bảng giá đất thậm chí chỉ bằng dưới 10% giá thị trường. "Độ vênh giữa giá đất thị trường và khung giá đất thành phố ban hành vẫn tiếp đà tăng lên trong năm 2018 và nhiều khả năng sẽ còn tái diễn trong năm 2019", ông Quang cho hay.