Giảm lãi suất điều hành, nhóm bất động sản thương mại hưởng lợi nhiều nhất

29/09/2019 23:00 GMT+7

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành sẽ giúp VN-Index tăng điểm trong dài hạn.

Giả định trong trường hợp lãi suất cho vay và lãi suất huy động của toàn thị trường giảm 0.25 điểm % so với mặt bằng trung bình lãi suất hiện nay, ảnh hưởng lên toàn thị trường là tích cực.

Xét về nhóm ngành, bất động sản thương mại được đánh giá tích cực nhất. Trong khi, bảo hiểm là nhóm ngành duy nhất bị đánh giá tiêu cực.

VN-Index tăng điểm trong dài hạn

Trong báo cáo Ảnh hưởng của Quyết định 1870 lên kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán công bố ngày 16-9-2018, BSC đã có những nhận định về tác động của việc NHNN giảm lãi suất điều hành tới thị trường chứng khoán.

Theo đó, đối với các quốc gia trên thế giới tác động lớn từ thay đổi chính sách tiền tệ đến nền kinh tế thật đều có độ trễ, từ 9 tháng - 18 tháng. Tuy nhiên, tác động của việc cắt giảm lãi suất thường sẽ được các nhà đầu tư cân nhắc vào ngay trong phiên giao dịch mà thông tin cắt giảm lãi suất được công bố, và dần dần thể hiện vào kết quả của các doanh nghiệp và khả năng chấp nhận định giá của Nhà đầu tư.

BSC cho rằng việc NHNN cắt giảm lãi suất thường sẽ khiến VN-Index tăng bình quân 0.26% điểm ngay trong phiên và kéo dài đến mức 3.4% vào tháng sau. Tuy suy giảm nhẹ sau 3 tháng nhưng VN-Index thường tăng điểm trong 6 tháng sau khi việc cắt giảm lãi suất đã có tác động dần vào nền kinh tế.

Giảm lãi suất điều hành, nhóm bất động sản thương mại hưởng lợi nhiều nhất - Ảnh 1.
BSC phân tích, hiện tượng tăng điểm của TTCK xảy ra do việc cắt giảm lãi suất sẽ làm gia tăng kỳ vọng của các nhà đầu tư vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Lợi nhuận gia tăng đến từ hai nguyên nhân chủ yếu là do chi phí đi vay giảm nhẹ sẽ cải thiện hoạt động dòng tiền của doanh nghiệp và tạo thêm nguồn kinh phí để thực hiện thêm các dự án đầu tư, hoạt động tài chính và các thương vụ M&A. Đồng thời, người tiêu dùng sẽ chi tiêu nhiều hơn khi các mức lãi suất cho vay suy giảm và từ đó, làm gia tăng trở lại doanh số bán hàng của các doanh nghiệp.


Hơn nữa, định giá cơ bản cho các doanh nghiệp sẽ được tăng thêm trong các tính toán của các nhà đầu tư do họ cho rằng: Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ các chính sách kích cầu kinh tế và chi phí nguồn vốn cùng với chi phí cơ hội sẽ thấp hơn.

Các yếu tố trên đã khiến lãi suất điều hành gần như có xu hướng đối nghịch với đà tăng của thị trường chứng khoán.

Giảm lãi suất điều hành, nhóm bất động sản thương mại hưởng lợi nhiều nhất - Ảnh 2.

Bất động sản thương mại được đánh giá tích cực nhất

Theo BSC, đợt giảm lãi suất lần này không tác động nhiều đến mặt bằng lãi suất trên thị trường một, mà chỉ là tín hiệu cho thấy Việt Nam sẽ có thể nới lỏng các chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, giả định trong trường hợp lãi suất cho vay và lãi suất huy động của toàn thị trường giảm 0.25 điểm % so với mặt bằng trung bình lãi suất hiện nay và đánh giá tác động đến các ngành, trong trường hợp giả định này, ảnh hưởng lên toàn thị trường là tích cực. Xét về nhóm ngành, bất động sản thương mại được đánh giá tích cực nhất. Trong khi, bảo hiểm là nhóm ngành duy nhất bị đánh giá tiêu cực.

Giảm lãi suất điều hành, nhóm bất động sản thương mại hưởng lợi nhiều nhất - Ảnh 3.

Ngành bất động sản vốn là một trong những ngành có "tính nhạy cảm" cao đối với những biến động lãi suất. Theo đó, những thay đổi trong việc điều chỉnh lãi suất cho vay có thể ảnh hưởng trực tiếp lên hai yếu tố: Cơ cấu chi phí vốn của các doanh nghiệp bất động sản, với cơ cấu tài trợ vốn từ ngân hàng thường chiếm tầm 30% - 40% tổng chi phí dự án và nguồn cầu của thị trường bất động sản, trong đó phần lớn sẽ đến từ người mua.

BSC đánh giá 2 yếu tố trên cũng có sự biến động ngược chiều với lãi suất. Với giả định lãi suất giảm 0.25 điểm % thì LNTT dự kiến của nhóm này sẽ tăng khoảng 3.6%. Một số doanh nghiệp được hưởng lợi chủ yếu các doanh nghiệp có tỷ lê vay nợ bình quân/Vốn chủ sở hữu cao và chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu lợi nhuận.

Ngành bảo hiểm bị đánh giá tiêu cực với quan điểm lợi nhuận chủ yếu của ngành bảo hiểm hiện nay đến từ lãi suất tiền gửi ngân hàng (đóng góp khoảng 80% tổng tài sản đầu tư), lãi suất huy động của ngành ngân hàng nhìn chung sẽ không nhiều biến động, tiền gửi của ngành bảo hiểm có tính chất riêng là gửi với số lượng lớn nên luôn có lãi suất tốt hơn, khó bị hạ trong trường hợp lãi suất huy động toàn thị trường xuống.

Trong trường hợp giảm lãi suất tiền gửi 0.25 điểm %, mặc dù rất ít khả năng là lãi suất tiền gửi của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ giảm mức này, BSC đánh giá sẽ tác động mạnh đến doanh thu tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Trong trường hợp lãi suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) giảm, điều này có tác động tích cực đến ngành bảo hiểm nhân thọ khi danh mục đầu tư của các doanh nghiệp này chủ yếu là TPCP với lãi suất cao. Tuy nhiên, tỷ trọng đầu tư TPCP trong doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là không nhiều.