HoREA kiến nghị không tăng khung giá đất

14/12/2019 09:02 GMT+7

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng việc tăng khung giá đất và bảng giá đất sẽ tác động đến giá cả thị trường bất động sản, đặc biệt sẽ kéo giá nhà ở tăng theo. Vì vậy, cần giữ nguyên khung giá đất như giai đoạn 2014-2019.


HoREA kiến nghị không tăng khung giá đất - Ảnh 1.

HoREA lo ngại việc tăng khung giá đất sẽ đấy giá nhà lên cao - Ảnh: Anh Quân

Ngày 10-12, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Chính phủ và các bộ ngành, đề nghị sớm ban hành khung giá đất giai đoạn 2020-2024 vì khung giá đất thực hiện từ năm 2014-2019 sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12-2019. Nếu không có khung giá đất (mới) của Chính phủ, thì các địa phương không có căn cứ để ban hành bảng giá đất (mới) và công tác thu ngân sách Nhà nước từ đất sẽ gặp trở ngại vì thiếu cơ sở pháp lý.

Để việc tăng khung giá đất không tác động đến thị trường bất động sản, HoREA đề xuất 2 phương án cho giai đoạn 2020-2024. Trong đó, phương án đầu tiên HoRE mong muốn Chính phủ xem xét, ban hành khung giá đất giai đoạn 2020-2024 trên cơ sở giữ nguyên mức giá của khung giá đất giai đoạn 2014-2019. Phương án thứ 2, trong trường hợp buộc phải tăng khung giá đất giai đoạn 2020-2024 thì Chính phủ xem xét quyết định mức giá chỉ tăng khoảng 15% để không tác động nhiều đến thu hút đầu tư và nghĩa vụ của các cá nhân, hộ gia đình.

Trong 2 phương án trên, HoREA kiến nghị chọn phương án đầu tiên để đảm bảo ổn định thị trường bất động sản. Trường hợp tăng khung giá đất tăng, kéo theo bảng giá đất tăng, nghĩa vụ tài chính của cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp tăng. Khi đó, một bộ phận người dân không làm thủ tục cấp sổ đỏ, dẫn đến giao dịch nhà đất bằng giấy tay. Điều này khiến Nhà nước vừa thất thu thuế, khó quản lý và dễ phát sinh tranh chấp.

Có ý kiến cho rằng việc tăng khung giá đất, bảng giá đất sẽ giúp cho cá nhân, hộ gia đình được nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cao hơn, khi Nhà nước thu hồi đất. Theo HoREA ý kiến này chưa chính xác, bởi lẽ việc tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo 5 phương pháp định giá đất cụ thể, quy định tại Luật Đất đai và Nghị định 44/2014.

HoREA cho rằng, nếu khung giá đất và bảng giá đất tăng sẽ tác động đến giá cả thị trường bất động sản. Theo đó, giá nhà ở sẽ tăng cao vì tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 10% giá thành căn hộ nhà chung cư,  30% giá thành nhà phố và 50% giá thành biệt thự. Giá thành là căn cứ để chủ đầu tư quyết định giá bán sản phẩm nhà ở ra thị trường. Do vậy, mức giá của khung giá đất, bảng giá đất tăng, tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó có nhà ở hơn.

Ngoài ra, nếu khung giá đất, bảng giá đất tăng quá cao, sẽ tác động đến các doanh nghiệp, các ngành kinh tế khác và môi trường đầu tư, kể cả trong việc thu hút dòng vốn FDI.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM kiến nghị, việc giữ nguyên khung giá đất, nếu nguồn thu ngân sách Nhà nước từ đất đai có ít hơn một chút, thì người dân và doanh nghiệp được lợi. Bởi sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước mà vẫn còn tiền, người dân sẽ tăng chi cho tiêu dùng hoặc kinh doanh. Trong khi đó, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn vốn để mở rộng đầu tư kinh doanh. Điều cốt lõi là Nhà nước được lợi vì quy mô nền kinh tế sẽ tăng trưởng lớn hơn và mở rộng được diện thu, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách.