Lưu ý gì khi đầu tư vào bất động sản "kiểu xưa"?

06/10/2019 14:23 GMT+7

Thời gian gần đây, bất động sản (BĐS) "kiểu xưa" đang có xu hướng nở rộ tại trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Bên cạnh tiềm năng đầu tư hấp dẫn thì thị trường này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Sau đây là khuyến cáo của các chuyên gia khi đầu tư vào loại hình BĐS này.

Nhà đầu tư tìm thấy giá trị từ các tòa nhà "kiểu xưa"

Bà Xuân Phạm - Trưởng bộ phận Marketing Việt Nam tại JLL - cho biết, nhờ vào xu hướng hoài cổ của giới trẻ, những thành phố lớn tại Việt Nam đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của các tòa nhà kiểu cũ, thay vì phải dỡ bỏ để xây dựng một tòa nhà mới.

Tại TP.HCM có thể thấy các tòa nhà chung cư lâu đời trên các trục đường như Tôn Thất Thiệp và Nguyễn Huệ ở quận 1 luôn có lưu lượng người qua lại ổn định và chiếm được nhiều cảm tình của giới trẻ trong những năm gần đây, nhờ sự nổi lên của hàng loạt tiệm cà phê và quán ăn có phong cách trang trí tối giản, cổ xưa, độc đáo, những bậc cầu thang khúc quanh chật hẹp nhưng đầy cổ kính, cùng với nhiều cửa hàng quần áo nhỏ bên trong làm nên sức hút rất riêng của các tòa chung cư cũ.

Hà Nội luôn nổi tiếng với Phố cổ, khu phố giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh tuyệt vời. Phố cổ trước kia được xem là nhà của các nghệ nhân và thương nhân, giờ đây những mô hình trải nghiệm mới cũng nhộn nhịp hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu của giới trẻ và ngành du lịch.

Lưu ý gì khi đầu tư vào bất động sản kiểu xưa? - Ảnh 1.

Nhà đầu tư tìm thấy những điểm sáng và tiềm năng đầu tư khi cải tạo lại các tòa nhà kiểu cũ ở trung tâm Hà Nội và TP.HCM - Ảnh minh họa: Internet

Ông Trần Khánh Quang - Chuyên gia Bất động sản (BĐS) - cho rằng, trong bối cảnh thị trường BĐS đang khan hiếm nguồn cung thì đây là ngách thị trường rất độc đáo và đầy tiềm năng đối với nhà đầu tư (NĐT). Điển hình là tại TP.HCM, loại hình BĐS này đang phát triển rất nhanh và lan ra nhiều trục đường tại quận 1 như: Nguyễn Huệ, Phó Đức Chính… Thời gian qua, có thể thấy nhiều NĐT khá thành công khi tận dụng cải tạo lại những căn nhà phố liên kế hoặc những chung cư cũ thấp tầng để kinh doanh: Café, Ẩm thực, Spa, Homestay…

Tiến sĩ Megan Walters - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương của JLL - cho biết, các tòa nhà cũ xưa có thể không còn phù hợp với nhu cầu của hiện tại, nhưng một khi các tòa nhà này được thay đổi công năng đúng cách sẽ tạo ra những điểm đến hấp dẫn. Do đó, việc nâng cấp và tái sử dụng hợp lý các BĐS này sẽ tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường và làm tăng giá trị BĐS.

Những lưu ý khi đầu tư vào BĐS "kiểu xưa"

Ông Trần Khánh Quang nhận định, loại hình BĐS này mang tính phát triển ngắn hạn, xu hướng này 50% tồn tại lâu dài và 50% liên tục bị thay đổi, bị mất đi do những kiến trúc mới xuất hiện. NĐT phải hết sức thận trọng khi có ý định đầu tư lâu dài (10 năm hoặc 20 năm) bởi những nguyên nhân như: công trình kiến trúc cũ xuống cấp, những căn nhà đơn chiếc một mình xuống cấp trầm trọng… trong tương lai sẽ rất khó giữ gìn và buộc phải bỏ đi để thay cái mới; nhiều tòa nhà chung cư cũ ở những khu vực trung tâm thường vướng vào quy hoạch mới.

Lưu ý gì khi đầu tư vào bất động sản kiểu xưa? - Ảnh 2.

Chuyên gia Bất động sản Trần Khánh Quang

Bên cạnh đó, để đầu tư vào loại hình BĐS này, tài chính không phải là yếu tố hàng đầu, không phải ai có tiền cũng làm được. NĐT phải có kiến thức và hiểu biết về: kiến trúc, nghệ thuật… ví dụ: kiến trúc phải giữ được nét xưa nhưng vẫn phải sang trọng, thiết kế giản đơn, không quá cầu kỳ… và các yếu tố khác như: đầu tư quán café cũng mang tính độc đáo; đầu tư nhà hàng thì món ăn phải ngon và có nét đặc trưng riêng, kiến trúc quán phải độc đáo và phải định hướng được phân khúc khách hàng của quán…

Còn theo đại diện JLL Việt Nam, các NĐT cần phải đặc biệt chú trọng đến an toàn cho tòa nhà, phải nhận thức và hiểu biết rõ toàn bộ các vấn đề của tòa nhà trước khi tái vận hành. Theo đó, các vấn đề thường gặp ở các tòa nhà chung cư cũ như: bị xuống cấp nhiều hay ít, ban quản lý tòa nhà, các hệ thống điện, nước, thiết bị về phòng cháy chữa cháy, côn trùng và ẩm thấp…