Thu từ đất, sai cũng từ đất

23/01/2019 21:59 GMT+7

Theo báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước các năm của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2010-2017, tỷ trọng thu ngân sách từ đất trên tổng thu giảm dần đều từ 9% vào năm 2010 xuống còn 6% năm vào năm 2014, sau đó tăng mạnh trở lại từ năm 2015.

Thu từ đất, sai cũng từ đất - Ảnh 1.

Có thể thấy từ sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, thu từ đất trên tổng thu ngân sách nhà nước tăng đáng kể cả về số thu lẫn tỷ lệ phần trăm. Nếu như giai đoạn 2010-2014  thu từ đất chỉ ở mức trên dưới 55.000 tỉ đồng thì đã tăng vọt lên  85.908 tỉ đồng năm 2015; 123.793 tỉ đồng năm 2016 và ước 154.447 tỉ đồng năm 2017. Thu ngân sách từ đất tăng cao, đó là tín hiệu đáng mừng cho thấy hiệu quả của chính sách thu tài chính từ đất đai ở Việt Nam, nhưng liệu nguồn thu này có bền vững và ổn định?

Theo Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện chính sách thu liên quan đến tài sản của Bộ Tài chính, nhìn vào kết quả thu ngân sách từ đất năm 2016 thì tiền sử dụng đất chiếm tỷ lệ lớn nhất (70%) trong các nguồn thu từ đất, kế đến là tiền thuê đất (15,6%); thu thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (11,5%); thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (0,97%), thu thuế sử dụng đất nông nghiệp (0,04%) và thu lệ phí trước bạ nhà đất (2,16%).

Chủ yếu là thu tiền sử dụng đất

Các khoản thu ngân sách từ đất ở Việt Nam có thể khái quát gồm hai nhóm: nhóm mang bản chất thuế và nhóm không mang bản chất thuế.

Cơ sở thuế của thuế sử dụng đất là tổng diện tích đất tự nhiên đưa vào sử dụng và độ co giãn của cung về đất bằng 0, do đó thuế thu liên quan đến đất sẽ là nguồn động viên ngân sách ổn định và bền vững. Thêm vào đó, thuế sử dụng đất luôn bảo đảm là nguồn thu ổn định, thường xuyên bởi thuế này độc lập, không phụ thuộc vào sản lượng do đất đem lại.

Thu tiền sử dụng đất và thu tiền thuê đất chiếm tỷ lệ cao nhưng lại là khoản thu kém bền vững, nếu không muốn nói rằng đời ông cha tận thu thì con cháu sẽ chẳng còn gì để thu. Tiền sử dụng đất được thu trong trường hợp giao đất làm nhà ở (cả dự án lẫn giao cho cá nhân, hộ gia đình) và đất nghĩa trang kinh doanh. 

Đây là loại đất mà sau khi chuyển giao cho người mua nhà, đất rồi thì thời hạn sử dụng sẽ là ổn định lâu dài, tạm coi là vĩnh viễn. Do vậy chỉ thu được tiền sử dụng đất một lần duy nhất cho một diện tích đất giao. Ngoài ra, tiền sử dụng đất còn được thu đối với trường hợp công nhận quyền sử dụng đất, nhưng tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu hiện đã đạt 96,3%, có nghĩa là thu trong trường hợp này còn rất ít.

Tương tự, số thu tiền thuê đất hiện nay đang đứng thứ nhì, nhưng cơ sở thu cũng không mang tính ổn định. Tiền thuê đất hiện có hai cách trả: trả hàng năm và trả một lần. Trả một lần là trả cho cả chu kỳ thuê, nên nếu chu kỳ thuê là 30, 40 hoặc 70 năm thì tương ứng với bấy nhiêu năm ta mới thu lại được lần nữa. Cho nên, con số 121.400 tỉ đồng thu tiền sử dụng đất năm 2018, theo báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 của Tổng cục Thống kê, chỉ có thể là niềm vui trước mắt cho thu ngân sách từ đất ở Việt Nam.

Tổ chức thu tiền sử dụng đất còn nhiều sai phạm

Theo các kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, vẫn còn địa phương, cán bộ làm công tác liên quan đến xác định nghĩa vụ tài chính trình độ còn hạn chế, thiếu trách nhiệm nên dẫn đến thất thu, thu sai, thu chậm khá phổ biến. Có nhiều dự án đã sử dụng đất của Nhà nước từ lâu nhưng vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất, đơn cử như trên địa bàn thành phố Hà Nội, tính đến ngày 31-12-2014, số tiền này là 7.166.493 triệu đồng (theo Thông báo 396 ngày 28-2-2017 của Thanh tra Chính phủ).

Con số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong vòng ba năm trở lại đây mặc dù tăng cao so với trước nhưng vẫn chưa phản ánh hết tiềm lực đất đai ở Việt Nam bởi có dấu hiệu thất thu, sai phạm trong thực hiện giao, cho thuê đất của các địa phương. Đơn cử như liên quan đến việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TPHCM). 

Theo kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ thì các ngành chức năng đã có những vi phạm như giao đất cho doanh nghiệp không đúng với giấy phép kinh doanh, giao đất không đúng thẩm quyền, chưa ký hợp đồng thuê đất vẫn cho phép sử dụng, giao đất không thông qua đấu giá, tính toán tiền sử dụng đất chưa đúng quy định... (theo Thông báo 1483 ngày 4-9-2018 của Thanh tra Chính phủ).

Thất thu ngân sách từ đất còn có nguyên nhân khác là từ hoạt động quản lý chưa chặt chẽ của các địa phương. Một số tỉnh, thành đã để cho người dân tự chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, không theo quy hoạch ở mức khá cao như Đồng Tháp, lên đến 1.034 héc ta, trong khi đây là trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất.