Tiện ích, hạ tầng ảnh hưởng đến giá trị BĐS của doanh nghiệp như thế nào?

21/04/2019 15:07 GMT+7

Thực tế, trên thị trường BĐS hiện nay có những doanh nghiệp phát triển thương hiệu bằng chính việc đầu tư “mạnh tay” cho hạ tầng, tiện ích nhằm tạo giá trị vô hình cho dự án.

Thậm chí, số tiền để xây dựng hạ tầng, tiện ích còn lớn hơn tiền xây dựng sản phẩm. Đó vừa là hướng đi, vừa là cách tạo tính thanh khoản mà hiện không nhiều doanh nghiệp đủ tiềm lực để theo đuổi đến cùng.

Phát triển chiều sâu hay chiều ngang?

Có khá nhiều doanh nghiệp địa ốc đặt mục tiêu ngay từ ban đầu là kéo được cư dân vào ở đạt yêu cầu chứ không phải mục tiêu bán được nhiều hàng. Hay quan niệm, phát triển bền vững chứ không phải tối ưu hóa lợi nhuận.

Đa số những doanh nghiệp này thường làm khá ít dự án trong năm, thậm chí có doanh nghiệp 5-7 năm theo đuổi một dự án quy mô. Quan điểm, mở rộng dự án hay tập trung làm chỉn chu một dự án là chiến lược của từng doanh nghiệp. Nhưng, rõ ràng bài toán chất lượng vẫn là điều được khách mua BĐS hiện nay mong đợi. Yếu tố chất lượng này lại đến từ câu chuyện hạ tầng, tiện ích mà chủ đầu tư bỏ tài chính lẫn tâm huyết vào để xây dựng.

Tiện ích, hạ tầng ảnh hưởng đến giá trị BĐS của doanh nghiệp như thế nào? - Ảnh 1.

Nhiều dự án khu đô thị rộng hàng trăm héc-ta, giá trị từ chục tỉ đồng trở lên/căn nhưng số lượng dân về ở, bao gồm các công ty tăng trưởng khá nhanh nhờ vào sự đầu tư tiện ích, hạ tầng bài bản của chủ đầu tư. Ảnh: Hạ Vy

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, ở các dự án BĐS hiện nay câu chuyện hạ tầng chỉ là 1 vế, câu chuyện về tiện ích sống, đáp ứng được nhu cầu ở thực của người dân mới là quan trọng.

Một số doanh nghiệp tập trung làm kỹ sản phẩm, phát triển chiều sâu không theo chiều ngang là cũng xuất phát từ câu chuyện ở thực này. “Làm sản phẩm BĐS cái đích cuối cùng là thu hút được người dân về ở. Đây là bài toán cân đối giữa việc đầu tư và nhu cầu sở hữu.

Nhiều chủ đầu tư khi làm dự án không nghiên cứu rõ về nhu cầu của thị trường ở khu vực đó, tỉ suất đầu tư ra sao, sản phẩm như thế nào, chính sách thu hút dân về ở…chính sự chủ quan này đã khiến một số khu đô thị dù được đầu tư hạ tầng nhưng không có người về ở thì cũng chỉ là hoang hóa”, bà Hương nhấn mạnh.

Theo bà Hương, đây không phải là bài toán dễ. Nó phụ thuộc vào tiềm lực tài chính, kinh nghiệm phát triển dự án và tâm huyết của chủ đầu tư đó. Chẳng hạn, có những khu vực ban đầu nhìn vào không có tiềm năng nhưng chủ đầu tư lại làm tốt cả về hạ tầng lẫn đầu tư tiện ích thì nó cũng trở thành khu đáng sống.

Hay có những vùng sâu xa nhưng chủ đầu tư có tầm nhìn, phát triển được hệ sinh thái cộng hưởng, các công trình thiết thực, đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí, sống tiện ích của cư dân thì vẫn thu hút người vào ở thực. “Dự án có phát triển bền vững hay không, có đáp ứng được nhu cầu ở thực hay không là phải kéo được dân về ở. Mà muốn kéo được dân thì chủ đầu tư phải đầu tư chiều sâu về hạ tầng, tiện ích một cách bài bản”, nữ CEO Đại Phúc Land chia sẻ.

Tiện ích, hạ tầng ảnh hưởng đến giá trị BĐS của doanh nghiệp như thế nào? - Ảnh 2.

Một hạng mục công trình hạ tầng được đầu tư 300 tỉ đồng cũng nói lên những giá trị mà doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính và tâm huyết theo đuổi. Ảnh: Hạ Vy

Bà Hương tiết lộ, mới đây tại khu đô thị Vạn Phúc (Q.Thủ Đức, Tp.HCM), doanh nghiệp đầu tư 300 tỉ đồng để hoàn thiện hạ ngầm lưới điện cao thế. Đây là công trình nằm trong quy hoạch phát triển điện lực Tp.HCM giai đoạn 2016 – 2020 nhằm giải phóng toàn bộ phần không gian bị chiếm giữ của các đường dây hiện hữu, đảm bảo an toàn trong vận hành và sinh hoạt của người dân trong khu vực. Sắp tới, đơn vị này còn triển khai các hạng mục tiện ích khác như khởi công bệnh viện, công viên ven kênh sông dự kiến vốn đầu tư vài trăm tỉ đồng. “Đầu tư vào hệ thống hạ tầng dự án ngốn khoảng 2.000 tỉ. Tiền xây dựng dự án có thể thấp hơn tiền đầu tư vào tiện ích dự án”, bà Hương tiết lộ.

Trên thị trường cũng xuất hiện thêm một số tên tuổi doanh nghiệp BĐS như Cát Tường Group, Phú Đông Group… dù lượng dự án đầu tư không nhiều nhưng các doanh nghiệp này tập trung theo hướng bền vững, đầu tư “mạnh tay” vào hạ tầng, tiện ích nhằm tạo thế cạnh tranh cũng như định hướng phát triển lâu dài trên thị trường.

Tạo giá trị vô hình cho dự án, ít phụ thuộc vào sự lên xuống của thị trường

Đó là quan điểm của một số doanh nghiệp BĐS đi theo hướng tập trung vào chiều sâu thay vì mở rộng nhiều dự án.

Ông Trương Ngọc Linh, Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh nhà đất Cát Tường cho rằng, thu hút người ở thực về ở chính là tạo giá trị gia tăng hữu hiệu nhất cho dự án của doanh nghiệp. Đó là lý do ngoài việc đầu tư hạ tầng, việc mà doanh nghiệp cần chú tâm là tạo ra chính sách thiết thực để kéo được cư dân về ở. Khi có dân về ở thì tự khắc giá trị của BĐS nơi đó mới tăng lên cộng hưởng với giá trị sống được hưởng từ tiện ích mà chủ đầu tư xây dựng.

Còn theo bà Hương, giá trị vô hình của dự án được tạo nên từ sự đầu tư của chủ đầu tư cho hạ tầng, tiện ích và thu hút được người mua thực vào ở. Họ mua một BĐS không chỉ là mua một tài sản tính trên m2 mà là mua giá trị tăng theo thời gian, trong đó có giá trị hưởng thụ cuộc sống, được xem là giá trị vô hình.

“Khi chủ đầu tư thực sự đầu tư mạnh vào giá trị bên trong dự án thì giá trị gia tăng của BĐS không phụ thuộc vào sự biến động của thị trường bên ngoài”, bà Hương khẳng định.

Tiện ích, hạ tầng ảnh hưởng đến giá trị BĐS của doanh nghiệp như thế nào? - Ảnh 3.

Khi chủ đầu tư sẵn sàng bỏ tiền để đầu tư "mạnh tay" về tiện ích, chất lượng sống nghĩa là đang làm tăng giá trị vô hình cho dự án cũng là tăng giá trị bền vững của thương hiệu DN trên thị trường

Đồng quan điểm, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, nếu chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc bán hàng mà không quan tâm đến giá trị gia tăng BĐS thì khó có thể phát triển bền vững. Dự án của chủ đầu tư có thực sự mang lại hạnh phúc cho cư dân hay không, tăng giá trị, tính thanh khoản hay không phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố chất lượng.

Theo ông Phúc, khi chủ đầu tư ưu tiên đầu tư tiện ích, hạ tầng, chất lượng dịch vụ trong khu dự án thì tự động khách hàng sẽ tìm đến dự án của mình. Chẳng hạn chủ đầu tư sẵn sàng bỏ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng để đầu tư các hạng mục về trường học quốc tế, bệnh viện…trong dự án, nếu nói về độ lời không có nhưng cái được lớn nhất của chủ đầu tư là cư dân họ nhìn thấy được giá trị và sẵn sàng “xuống tiền”, tạo giá trị về lâu dài về thương hiệu.

“Sự bền vững của dự án và thị trường là phải bán được cho người tiêu dùng cuối cùng. Phát triển dự án về mặt lâu dài bao giờ cũng tốt hơn ngắn hạn”, ông Phúc khẳng định.