Ví điện tử đang "trăm hoa đua nở", cần cảnh giác khi sử dụng

20/01/2023 16:44 GMT+7

Hiện thị trường thanh toán điện tử Việt Nam có hơn 40 ví điện tử. Mỗi ví lại có hệ sinh thái dịch vụ riêng (kết nối với các ngân hàng và các điểm thanh toán, nhà bán lẻ khác nhau). Tuy nhiên, nhiều người dùng còn lơ là trong việc bảo vệ ví điện tử dẫn đến việc tiền trong tài khoản có thể 'bốc hơi' mà không hay biết.

Chị Quyên, một phụ huynh có con học tại một trường cấp hai tại Hà Nội cho biết chị buộc phải cài một ví điện tử ít người dùng do trường của con chị liên kết với ví điện tử này để thu tiền học phí. Trong khi trên điện thoại thông minh của chị đã có vài chiếc ví điện tử khác được cài trước đó – do có một số ví điện tử đưa ra các chương trình khuyến mãi, tặng voucher giảm giá nhằm thu hút khách hàng sử dụng và đây cũng là những ví điện tử phổ biến hơn.

Còn chị Chi, một người khá hào hứng với hình thức thanh toán điện tử cũng cho biết, chị thường thanh toán tiền điện thông qua một ví điện tử được tích hợp trên một phần mềm gọi xe. Song, ví điện tử này lại không kết nối thanh toán đến đơn vị cung cấp dịch vụ nước sạch mà gia đình chị đang sử dụng, chị buộc phải cài thêm ví điện tử khác. Do đó chỉ đơn thuần thanh toán mỗi tiền điện, tiền nước chị đã phải cài tới 2 ví điện tử, chưa kể đến các dịch vụ khác.

Ngoài ra, do cũng muốn được tham gia các chương trình khuyến mãi thu hút người dùng nên chị Chi cũng cài thêm vài ví điện tử khác để sử dụng. Tuy nhiên có ví điện tử chị định dùng nhưng ngân hàng chị sử dụng lại chưa kết nối với ví đó.

Ví điện tử đang trăm hoa đua nở, cần cảnh giác khi sử dụng - Ảnh 1.

Hiện nay trên thị trường có hơn 40 ví điện tử. Ảnh: DNCC

Thị trường đang có hơn 40 ví điện tử

Tính đến nay thị trường có khoảng hơn 40 ví điện tử được cấp phép cung cấp dịch vụ. Mặc dù thị trường đã có vài ví chiếm lĩnh phần lớn thị phần, song "cuộc chơi" vẫn tiếp tục xuất hiện thêm những ví mới trong thời gian gần đây. Cách đây 2 năm ví điện tử 9Pay ra đời do nhà đầu tư cho rằng thị trường ví điện tử còn nhiều dư địa phát triển. Ví điện tử này đã thông báo cán mốc 1 triệu người dùng sau 1 năm ra mắt.

Đại diện ví điện tử 9Pay cho biết thời điểm dịch Covid-19, các dịch vụ giải trí trực tuyến như xem phim, thanh toán dịch vụ trò chơi trực tuyến gia tăng mạnh mẽ, 9Pay đã liên tiếp có các chiến dịch marketing tập trung vào mảng này. Ra đời sau nên 9Pay chọn hướng đi riêng ở lĩnh vực thanh toán các dịch vụ nội dung số và giải trí với định hướng đặt mục tiêu dẫn đầu thanh toán trong mảng này.

Còn đại diện ví điện tử Viettel Pay nhận xét, thị trường ví điện tử tại Việt Nam là một sân chơi sôi động, đầy tính cạnh tranh, đa dạng cách tiếp cận người dùng. Hiện có nhiều ví tham gia thị trường nhưng vẫn còn rất nhiều những khoảng trống chưa khai thác. Số lượng ví thực sự có sức ảnh hưởng trên thị trường đang dừng lại ở những phân khúc khác nhau.

Thời gian gần đây có thêm các ví ngoại tham gia thị trường. Cụ thể giữa tháng 11 vừa qua, Google bắt tay Visa cung cấp ví điện tử Google Wallet tại thị trường Việt Nam. Theo đó, các chủ thẻ Visa của cũng như chủ thẻ Mastercard của một số ngân hàng có thể thêm thẻ thanh toán vào ví.

Sở dĩ hai đơn vị trên hợp tác để cung cấp dịch vụ ví điện tử này vào Việt Nam vì nghiên cứu của Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng năm 2021 cho thấy có hơn 80% người tiêu dùng ưa thích thực hiện thanh toán bằng thiết bị di động. Tại Việt Nam có tới 75% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động ít nhất một lần/tuần và một nửa số người chưa tiếp cận phương thức thanh toán này đang quan tâm được thử trải nghiệm.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022, thanh toán kỹ thuật số đang trở nên phổ biến và dự kiến sẽ đạt 143 tỉ đô la Mỹ tổng giá trị giao dịch tại Việt Nam vào năm 2025. Hiện đang có hàng triệu người Việt Nam sử dụng điện thoại hàng ngày để thanh toán.

Trao đổi với KTSG Online, ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng thị trường Việt Nam chưa bão hòa và còn nhiều cơ hội cho các ví điện tử… Theo Statista, thị trường thanh toán số Việt Nam đạt giá trị khoảng 15 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021, tăng 30% so với năm 2020 và tỷ lệ này sẽ được duy trì ít nhất trong 5 năm tới.

Một đại diện của ví điện tử ZaloPay cho rằng số lượng 43 ví điện tử ở Việt Nam không phải là nhiều khi so với các nước trong khu vực (Malaysia có 53 ví, hay Indonesia có 48 ví). Sự tăng trưởng về số lượng ví điện tử đến từ tiềm năng của thị trường còn rất lớn khi tỷ lệ sử dụng ví điện tử ở Việt Nam mới hơn 20% – thấp hơn rất nhiều so với Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc đều đã ở trên 70%.

Theo ông Hoàng Thế Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại điện tử Bảo Kim, sẽ chỉ vài đơn vị chiếm phần lớn thị phần. Các ví còn lại có số lượng người dùng nhỏ, chỉ dùng ví để đáp ứng cho đúng dịch vụ của đơn vị đấy đang có lợi thế như là đặt đồ ăn, hoặc mua hàng trực tuyến…

Thị trường quyết định số lượng ví

Phân tích lý do vì sao thị trường ví điện tử "trăm hoa đua nở", ông Thanh cho hay không phải vô cớ mà các đơn vị xin cấp phép trong bối cảnh đã có nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ rồi. Ngay từ lúc hình thành doanh nghiệp và xin cấp phép, họ đã có kế hoạch sẽ đi về đâu trong thị trường tiềm năng nhưng cũng khốc liệt này.

Theo ông, các ví nhỏ có thể chọn mục tiêu trở thành một nền tảng thanh toán cho công ty nước ngoài nào đó được đầu tư vào Việt Nam và cần có giấy phép. Hoặc cũng có ví nỗ lực đi phát triển tập khách hàng ở những thị trường mà đơn vị ví khác chưa chạm tới, để đến một ngày nào đó sẽ trở thành một phần của ví lớn kia. Do đó, ông Thanh cho biết việc mua bán sáp nhập các ví điện tử là chuyện đang diễn ra.

Đã có ý kiến cho rằng với dân số 100 triệu người mà Việt Nam cấp phép hơn 40 ví điện tử hoạt động dẫn đến cạnh tranh và hao phí nguồn lực xã hội. Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư khởi nghiệp công nghệ số Việt Nam, cho rằng số lượng ví nhiều như vậy có thể vượt quá nhu cầu của người dân. Vì không ít người dùng vì khuyến mãi nên mới dùng ví mới (tải app mới), nhưng dùng thường xuyên thì cũng chỉ cần một ví.

Mặc dù chia sẻ như trên, song ông Thắng lại cho rằng trong giai đoạn đầu phát triển của thị trường ví điện tử, nhiều đơn vị đầu tư là tốt. Bởi trong quá trình hoạt động sẽ có ví bị triệt tiêu vì người dùng sẽ chọn lựa ví nào thuận tiện nhất, trải nghiệm tốt nhất. Người dùng sẽ tự quyết định ví nào sẽ được tồn tại, nên để thị trường quyết định. Chính sách nhà nước không nên can thiệp kiểu cấm cản, giới hạn số lượng các ví điện tử được hoạt động trên thị trường.

Cung cấp thông tin cho báo chí, ông Nguyễn Tuấn Lương, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị VNPay, cho hay với hơn 40 ví điện tử hoạt động sẽ tạo nên một cuộc cạnh tranh quyết liệt. Cuộc cạnh tranh càng sôi động, mạnh mẽ thì người dùng càng được hưởng lợi. Ví điện tử nào sở hữu hệ sinh thái phục vụ đầy đủ các nhu cầu hàng ngày thì càng thu hút người dùng.

Để không lãng phí nguồn lực xã hội

Kiến nghị chính sách để phát phiển ví điện tử, ông Đào Tuấn Anh, Giám đốc điều hành AppotaPay, cho rằng các ví điện tử nên làm cùng nhau, cùng hợp tác để tạo nên thói quen chung. Bởi ông cho rằng hiện cạnh tranh lớn nhất của ví điện tử không phải là các ví cạnh tranh với nhau mà là cạnh tranh với tiền mặt. Khó có một ví điện tử đơn lẻ nào có đủ nguồn lực về con người và tài chính để có thể thành công chuyển đổi phần lớn các giao dịch tiền mặt đang rất lớn hiện nay.

"Nếu các ví điện tử cùng nhau tìm ra giải pháp và có thể đưa ra các công cụ thanh toán chung cho người dùng, việc này có thể giúp tăng cường mức độ tiếp cận dịch vụ và chấp nhận của thị trường, khi đó hệ thống thanh toán đã có thể tăng lên gấp bội", ông Tuấn nói.

Quay lại câu chuyện của chị Quyên và chị Chi được nhắc đến ở đầu bài viết này và cũng là mong muốn của nhiều người dùng ví điện tử khác, họ muốn có thể dùng một hoặc hai ví để có thể thanh toán cho nhiều dịch vụ khác nhau. Điều này vừa tiện lợi cho người dùng vừa đỡ lãng phí nguồn lực cho xã hội (mỗi ví đỡ phải tự kết nối với các ngân hàng và hình thành điểm thanh toán riêng).

Nhưng trong thực tế, việc một ví có thể kết nối với tất cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ là bất khả thi. Do đó, các chuyên gia công nghệ cho rằng muốn một ví có thể thanh toán nhiều dịch vụ khác nhau thì các ví phải kết nối, liên thông với nhau. Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế và định hướng để các ví điện tử có thể kết nối, giống như trước đây thẻ ngân hàng nào chỉ rút được tiền ở cây ATM của ngân hàng đó, nhưng giờ mọi thẻ ngân hàng đã có thể rút ở mọi cây ATM.

Các chuyên gia công nghệ cho rằng, về mặt công nghệ thì các ví hoàn toàn có thể kết nối liên thông với nhau để thuận tiện về thanh toán cho người dùng. Song, để làm được việc này cần có chính sách, định hướng từ Ngân hàng Nhà nước.

Dưới tác động của Covid-19, thanh toán điện tử tăng trưởng với tốc độ 3 con số. Đặc biệt giao dịch thanh toán điện tử trong lĩnh vực hành chính công, trường học, bệnh viện, điện nước đã tăng rất mạnh. Tuy nhiên, nhiều người dùng còn lơ là trong việc bảo vệ ví điện tử dẫn đến việc tiền trong tài khoản có thể 'bốc hơi' mà không hay biết.

Theo thống kê, hiện nay có hơn 85% người tiêu dùng Việt Nam sở hữu ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán, trên 42% đã thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động. Những con số này cho thấy Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ hướng đến xã hội không tiền mặt và số người tham gia vào các giao dịch không tiền mặt dự kiến còn tiếp tục tăng cao trong tương lai gần.

Cùng với các hình thức giao dịch ngân hàng điện tử, ví điện tử đang là một dịch vụ phổ biến đối với người dùng. Tuy nhiên, loại hình này cũng đi kèm với những rủi ro nếu người dùng chưa thực sự biết cách bảo mật thông tin . Đã có tình trạng khách hàng bỗng dưng bị "bốc hơi" cả trăm triệu đồng trong một đêm. Trên thực tế, việc khách hàng bị kẻ gian lợi dụng lấy tiền trong ví điện tử một phần do mất cảnh giác.

Tiền 'bốc hơi' khi sử dụng ví điện tử không an toàn - ảnh 1

Tiêu dùng không tiền mặt là xu hướng giao dịch tương laiAFP


Điển hình mới đây, một khách hàng đăng nhập vào tài khoản ví điện tử để nạp tiền điện thoại, nhưng quên mật khẩu. Khách hàng gọi điện thoại đến tổng đài của ví điện tử để nhờ hỗ trợ nhưng đường dây báo bận. Sau đó, một số điện thoại lạ gọi vào máy điện thoại của vị khách này và tự xưng là nhân viên tư vấn của tổng đài, hỗ trợ lấy lại mật khẩu và yêu cầu đọc mã gửi qua tin nhắn điện thoại. Ngay sau khi cung cấp mã, tài khoản của khách hàng bị "bốc hơi" một số tiền lớn khi ví điện tử của mình có liên kết với tài khoản ngân hàng, từ đó kẻ gian có thể thực hiện thao tác rút tiền từ ví hoặc thực hiện các phương thức mua mã thẻ cào điện thoại.

Việc cập nhật và trang bị những kiến thức cần thiết để làm chủ giao dịch, tránh trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu không chỉ của người tiêu dùng mà còn của chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực này nhằm thúc đẩy một môi trường tiêu dùng không tiền mặt trong sạch, phát triển.

Ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bảo mật Nam Trường Sơn (NTSS) đánh giá: "Lừa đảo trực tuyến ngày càng nhiều và trở thành ‘việc làm ăn’ lớn của giới tội phạm mạng. Tại Việt Nam, kịch bản và kỹ thuật lừa đảo phổ biến là: hacker lừa nạn nhân bấm vào trang giả mạo, chiếm tài khoản, sau đó lừa bạn bè của họ, hay giả danh công an đòi kiểm tra thông tin cá nhân, lấy mã OTP".