Thị trường BĐS nghỉ dưỡng 6 tháng đầu năm chứng kiến sự giảm sút về lượng giao dịch. Nguyên nhân chính yếu do chính sách tài khóa thay đổi, Ngân hàng Nhà nước đã siết chặt cho vay các dự án BĐS, trong khi gói cho vay ưu đãi mới vẫn chưa đến tay người mua nhà.
Bên cạnh đó, các quyết định, chính sách của các cơ quan chính quyền, địa phương, đặc biệt là quyết định đối với 3 đặc khu hành chính kinh tế đã làm thay đổi cục diện thị trường BĐS (đặc biệt là các vùng đang đề xuất thành đặc khu kinh tế).
Cần thiết
Thống kê sơ bộ của Hội môi giới BĐS Việt Nam công bố ngày 11-7 cho thấy, tại Nha Trang sản phẩm BĐS ở tất cả các phân khúc, kể cả condotel đều chững hoặc giảm giá. Tại Đà Nẵng, từ đầu năm tới nay không có nguồn cung condotel hay biệt thự nghỉ dưỡng nào được chào bán mới ra thị trường. Lượng giao dịch biệt thự cũng chững lại trong quý 2 – 2018. Chỉ có khoảng 300 căn condotel được giao dịch trong thời gian này.
Diễn biến thị trường BĐS nghỉ dưỡng có phần bất lợi cho giới chủ đầu tư nhưng lại có lợi cho người mua bởi đây chính là tiền đề để thị trường thanh lọc những sản phẩm xấu, "vàng thau lẫn lộn" do quá trình phát triển quá nóng phân khúc này thời gian qua mang lại.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang bước vào cuộc thanh lọc "vàng - thau".
"Có không ít các dự án không đủ pháp lý hoặc do chủ đầu tư không đủ năng lực thi công, nằm bất động và đang dần được mua bán lại nhờ các thương vụ M&A để chuyển giao sang cho chủ đầu tư khác có năng lực phát triển tốt hơn. Cùng với đó, việc Ngân hàng Nhà nước siết chặt các khoản vay, sẽ ảnh hưởng tới các chủ đầu tư nhỏ lẻ. Dự án có nguồn vốn thấp, chủ đầu tư yếu kém về nguồn lực sẽ khó phát triển dự án và bị thanh lọc dần. Thị trường dành chỗ cho các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính tốt, có chiến lược kinh doanh rõ ràng. Điều này giúp ổn định thị trường, giảm nguy cơ rủi ro cho dự án và khách hàng, cũng như các nhà đầu tư", báo cáo của Hội môi giới BĐS nhận định.
Đón cơ hội vàng
Sau hai quý chững lại để "nghe ngóng", giao dịch trên thị trường BĐS nghỉ dưỡng bắt đầu có tín hiệu "nóng" trở lại vào đầu quý 3 này.
Đây trước hết là "hiệu ứng" của dòng vốn FDI 5,54 tỉ USD đang đổ vào thị trường BĐS, chiếm 27,2% tổng lượng FDI đầu tư vào Việt Nam. Nguồn vốn FDI tăng chứng tỏ những tín hiệu tích cực đến với thị trường BĐS Việt Nam thu hút được sự đầu tư từ nước ngoài, giúp chuẩn hóa thị trường, tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế, qua đó nguồn hàng BĐS, nhất là BĐS nghỉ dưỡng, du lịch theo đó sẽ dồi dào, phong phú và đa dạng hơn trước.
Thứ hai, ngành du lịch tiếp tục tăng trưởng tốt, với hạ tầng du lịch ngày càng được hoàn thiện đã kéo theo lượng khách tăng trưởng vượt bậc. Theo số liệu của Grant Thornton Việt Nam, lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng kỷ lục trong 2 năm qua, từ năm 2016 đến 2017 khách nội địa tăng từ 72 triệu lượt lên 86 triệu lượt - tương ứng 19%; khách quốc tế tăng đến 29%.
Thứ ba, tình trạng chung cư cháy nổ, kiện cáo kéo dài thời gian qua tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM cũng là "tác nhân" khiến giới đầu cơ phải tính lại hoạt động đầu tư của mình. Từ đầu năm tới nay, thị trường chung cư ở hai đô thị lớn nhất nước này gần như không có tỷ lệ tăng cao như vài năm trước đây. Thậm chí, có nhiều dự án còn giảm giá bán bằng nhiều hình thức khác nhau.
Do không còn sức hấp dẫn ở hai thị trường BĐS lớn nên các nhà đầu tư đã dịch chuyển hoạt động đến những thị trường mới trên cả nước do giá cả hấp dẫn và đặc biệt là sự đầu tư mạnh của chính nhà nước vào hệ thống hạ tầng giao thông đô thị.
Báo cáo của Hiệp hội môi giới BĐS Việt Nam cho thấy, hiệu ứng sôi động của thị trường BĐS nghỉ dưỡng đã và đang lan tỏa trên nhiều tỉnh thành như Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Thuận… kéo theo hàng loạt các doanh nghiệp uy tín vào nghiên cứu và thực hiện đầu tư các dự án có quy mô lớn. Đây cũng chính là cơ hội vàng cho nhà đầu tư thứ cấp "nhanh chân".
Thứ tư, các kênh đầu tư như vàng và thị trường chứng khoán đang diễn biến xấu, bất ổn, khó lường. Thị trường chứng khoán cuối quý 2 tới nay liên tục lao dốc. Dòng vốn ngoại có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường, dòng tiền trong những tháng cuối quý 2-2018 đứng ngoài thị trường khiến thanh khoản liên tục duy trì ở mức thấp. Thị trường BĐS thời gian tới có thể đón nhận nguồn vốn mới từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, chuyển dịch từ chứng khoán sang đầu tư vào BĐS với kỳ vọng có lợi nhuận ổn định trong tương lai.
Một điểm khá thú vị, các nhà đầu tư chọn thời điểm này để xuống tiền BĐS nghỉ dưỡng thường khá sành sỏi, họ "tận dụng" thị trường "trầm lắng" để tìm hiểu thông tin kỹ càng và chỉ lựa chọn các dự án có chủ đầu tư uy tín, chất lượng và khả năng điều hành, khai thác, kinh doanh dự án sau đầu tư hiệu quả. Đây chính là "bảo chứng" đảm bảo an toàn nguồn vốn đầu tư và khả năng sinh lợi cao, bền vững trong tương lai.
"Quan điểm hiện tại của các nhà đầu tư thứ cấp chắc chắn sẽ tạo nhiều thay đổi đối với các dự án nghỉ dưỡng. Thứ nhất, sẽ tạo sự thanh lọc. Các chủ đầu tư dự án yếu kém sẽ phải chuyển giao dự án lại cho các chủ đầu tư có năng lực thực sự khác. Thứ hai, sẽ tạo tính cạnh tranh mạnh hơn giữa các chủ đầu tư có năng lực để thu hút khách hàng." ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam khẳng định.