Báo Công an nhân dân ra ngày 13-11, có bài “Cò đất lộng hành nhiều người điêu đứng” phản ánh tình trạng “cò đất” “bắt tay” nhau đẩy giá đất ở thành phố Đồng Hới lên chóng mặt. Bài báo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, bởi thực trạng “cò đất” lộng hành hiện nay không chỉ tồn tại ở Đồng Hới mà còn gây hệ lụy ở nhiều tỉnh, thành khác.
“Bong bóng” bất động sản theo chu kỳ 10 năm
Cách đây trên dưới 10 năm, vào các năm từ 2008-2013, không ít người kinh doanh bất động sản ở thành phố Đồng Hới đã tan gia bại sản vì lướt theo giá đất do các “cò đất” đẩy lên. Chỉ trong một thời gian ngắn, có nhiều cặp vợ chồng ly hôn, nhiều cán bộ, công chức mất việc vì liên quan đến buôn bán đất đai.
Có những con đường vừa mở ra giá đất bị đẩy lên cao gấp 3 đến 5 lần giá trị thực, các “cò đất” tìm cách đẩy giá sau đó nhiều “cò” rút đi còn những người dân địa phương mua găm đất thường rơi vào bể nợ hoặc phá sản. Và vì vậy hàng loạt lô đất, thửa đất khi mua bán có giá 5-10 tỷ đồng đến nay đã 10 năm trôi qua vẫn để cỏ mọc um tùm.
Nhiều người vay ngân hàng mua đất sau đó đành cầm cố lại sổ đỏ cho ngân hàng, thậm chí nhiều người vay nóng lãi suất cao để lướt đất, chỉ cầm cự được năm bảy tháng phải bán cả nhà để trả nợ.
Theo các chuyên gia bất động sản, có thể khẳng định giá đất tăng đột biến ở thành phố Đồng Hới không phải phát triển theo quy luật cung cầu mà là có dấu hiệu “bong bóng” làm giá từ các trung tâm môi giới bất động sản, các “cò đất”, các nhà đầu tư từ nhiều nơi khác đến bởi: Hễ cứ thành phố mở ra con đường mới nào, hoặc khu đô thị mới nào thì nơi đó đất sốt, giá đất nền ít nhất tăng 50%, thậm chí có nơi tăng 300-500%, sau vài tháng thì giá lại xuống, thậm chí có nhiều người “ôm đất” muốn bán nhưng đành để yên chờ đợi vì giá đất hạ nhiệt.
Đất ở xã ven biển Hải Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình có giá từ 500 triệu đồng 1 lô đất nền chỉ trong mấy tháng được các cò đất đẩy lên trên 2 tỷ đồng.
Đầu tiên, đất bị đẩy giá ở trục đường 36m kéo dài từ phường Nam Lý qua Đức Ninh Đông, sau đó giá đất lại bị đẩy lên cao ở các khu đô thị khác như Khu Nam đường Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, giờ chuyển qua Bảo Ninh, Hải Ninh, Cầu Dài…
Theo ông Nguyễn Văn Nam, một chuyên gia bất động sản có tiếng ở miền Trung thì giá đất ở Đồng Hới tăng đột biến theo chu kỳ 10 năm bởi các “cò đất”, các trung tâm môi giới bất động sản làm ăn kiểu chụp giật, họ chú ý vào 2 yếu tố để tập trung khai thác.
Thứ nhất, cơn sốt đất năm 2008-2013 đi qua, sau 10 năm lao động làm việc nhiều người tích trữ được tiền bạc, của cải có dư nên không ít người thích chọn việc mua đất để đầu tư. Nắm bắt được tâm lý người dân, các “cò đất” từ nơi khác đổ về tung thủ thuật đẩy giá đất lên cao so với giá trị thực của sản phẩm để mua đi bán lại.
Vì vậy, người mua đất ở địa phương sẽ gặp rủi ro khá cao. Thứ hai, “ăn theo” việc quảng bá phát triển du lịch ở Quảng Bình nên nhiều người gom đất, song thực tế phát triển du lịch nơi đây không như kỳ vọng của nhiều người…
Thực trạng đất Đồng Hới
Làm việc với Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình chúng tôi được biết, hiện nay trên địa bàn thành phố Đồng Hới đang và sẽ triển khai 14 dự án nhà ở thương mại và khu đô thị vì vậy không thể nói việc “sốt đất” là do thiếu đất, hoặc nhu cầu mua ở, làm nhà của người dân.
Theo đó, thành phố đã và đang quy hoạch bán 2.177.158,72m2 đất với hơn 4.000 lô đất ở cho người dân ở các khu vực như: Dự án Khu nhà ở thương mại phía Bắc kênh Phóng Thủy, phường Đồng Phú; Dự án Khu nhà ở thương mại phía Đông đường Phùng Hưng, phường Đồng Phú; Dự án Khu nhà ở thương mại phía Bắc đường Trần Quang Khải; Dự án Khu nhà ở phía Tây Nam đường Lý Thái Tổ, phường Bắc Nghĩa; Khu đô thị mới Phú Hải; Khu đô thị mới Nam Cầu Dài; Khu đô thị Bảo Ninh 1, 2, 3…
Theo Phòng Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, thuộc Sở Xây dựng Quảng Bình: Trong năm 2018, giá đất nền ở thành phố Đồng Hới tăng đột biến trung bình lên 40-50% so với cuối năm 2017. Việc giá đất tăng nhanh, các giao dịch đang diễn ra sôi động để đẩy giá đất lên cao một phần do sự có mặt và hoạt động của một số cò đất, kéo theo nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy đẩy giá đất của cò.
Kinh doanh bất động sản ở Quảng Bình tiềm ẩn rủi ro khá cao do sốt ảo cũng bởi chính kiểu làm ăn chụp giật, thậm chí vi phạm pháp luật của nhiều “cò đất” từ các địa phương khác đến. Việc các “cò đất” tìm cách móc nối đẩy giá đất dẫn đến hệ lụy, nhiều người mất niềm tin vào thị trường bất động sản. Đồng thời, gây ảnh hưởng đến những người môi giới, buôn bán bất động sản chân chính tại địa phương.
Chúng tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cần sớm chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc, có biện pháp để hạn chế tình trạng đầu cơ, gom đẩy giá đất, kiểm soát hoạt động mua bán, vi phạm pháp luật trong việc kinh doanh bất động sản.
Bởi theo nguồn tin riêng của chúng tôi, vừa có gần 1000 “cò đất” ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng đã được các đầu nậu buôn bán bất động sản ảo tổ chức gặp mặt, “tập huấn” cách thức thổi giá đất, mua đi bán lại, sắp tới sẽ đến Quảng Bình để tiếp tục thực hiện việc mua bán đất.