Công chứng viên "làm bậy", khách hàng có nguy cơ mất nhà

15/05/2018 15:56 GMT+7

Dù tài sản đang bị chi cục thi hành án phong toả, công chứng viên tại Văn phòng công chứng quận 10 vẫn chứng nhận cho mua bán, khiến người mua có nguy cơ mất trắng ngôi nhà.

Tài sản bị phong toả vẫn được công chứng cho sang nhượng

Trong đơn cầu cứu gửi đến báo Người Lao Động, anh Nguyễn Thành Nhân (quận 10, TP HCM) cho biết ngày 29-9-2017, anh có đến Văn phòng công chứng quận 10 (519 Lê Hồng Phong) để làm thủ tục công chứng, sang nhượng ngôi nhà tại số 102/17/1D Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10 với bên bán là ông Cao Hồng Phước và bà Bùi Thị Truyền.

Thời điểm này, công chứng viên Lê Thị Mỹ Hạnh đã tiến hành các bước kiểm tra đối với tài sản nói trên, và xác định ngôi nhà không thuộc diện bị tranh chấp nên đã làm thủ tục chứng nhận cho hai bên giao dịch.

"Sau khi hợp đồng mua bán được công chứng, tôi giao hết tiền cho người bán và tiến hành làm các thủ tục đóng thuế và đăng bộ. Thế nhưng, sau khi hoàn tất nghĩa vụ thuế, tôi được Văn phòng đăng ký đất đai TP HCM – chi nhánh quận 10 thông báo không giải quyết đăng bộ nhà và đất mà tôi đã mua do căn nhà này đang bị cấm giao dịch chuyển nhượng", anh Nhân nói.  

Qua tìm hiểu, anh Nhân được biết ngày 17-2-2016, Chi cục Thi hành án quận 10 đã có quyết định về việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng của ngôi nhà 102/17/1D Tô Hiến Thành mà anh đã mua.

Đồng thời, quyết định này đã được thông báo tới Trung tâm thông tin và Tư vấn công chứng (thuộc Sở Tư pháp TP HCM). Đến ngày 19-2-2016, đơn vị này đã thông tin nội dung đề nghị của Chi cục Thi hành án quận 10 đến tất cả các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP HCM.

Công chứng viên làm bậy, khách hàng có nguy cơ mất nhà - Ảnh 1.

Dù tài sản đã bị ngăn chặn giao dịch, nhưng công chứng viên của Văn phòng công chứng quận 10 vẫn chứng nhận cho mua bán tài sản, dẫn đến thiệt hại cho người mua.

Thế nhưng, đến ngày 29-9-2017, Văn phòng công chứng quận 10 vẫn xác nhận tài sản trên không bị ngăn chặn giao dịch và tiến hành công chứng mua bán, gây thiệt hại cho phía anh Nhân.

Điều đáng nói, sau khi phát hiện tài sản mình mua bị ngăn chặn giao dịch, anh Nhân đã quay trở lại Văn phòng công chứng quận 10 để yêu cầu giải thích thì được công chứng viên Lê Thị Mỹ Hạnh đối chiếu hồ sơ và cho rằng tại thời điểm công chứng, qua kiểm tra thông tin về tra cứu ngăn chặn trên hệ thống của Sở Tư pháp thì nhà và đất nói trên không bị ngăn chặn giao dịch nên bà không có lỗi.

Tuy nhiên, cũng ngay trong buổi làm việc này, khi anh Nhân yêu cầu nhập lại thông tin hệ thống ngăn chặn của Sở Tư pháp đối với căn nhà anh đã mua, thì hệ thộng lại phát hiện ngôi nhà đang bị ngăn chặn giao dịch.

"Cùng một căn nhà, lúc đầu kiểm tra thì không bị ngăn chặn, nhưng lúc sau thì lại bị. Vậy ở đây, có phải công chứng viên cố tình làm sai để gây thiệt hại cho tôi?", anh Nhân đặt câu hỏi.

Trong buổi làm việc với anh Nhân sau đó, lãnh đạo Văn phòng công chứng quận 10 cho biết qua kiểm tra hồ sơ công chứng, phát hiện công văn ngăn chặn nói trên chỉ mới được Sở Tư pháp cập nhật lên hệ thống thông tin ngăn chặn vào ngày 2-10-2017, nên ngày 29-9-2017, tài sản nói trên không thuộc trường hợp bị cấm giao dịch và Văn phòng công chứng quận 10 tiến hành công chứng hợp đồng là đúng theo quy định của pháp luật.

Chính vì thế, "Văn phòng công chứng quận 10 nói rằng họ hoàn toàn không có lỗi trong trường hợp này, chính Sở Tư pháp chậm cập nhật thông tin gây thiệt hại cho tôi nên tôi chỉ có quyền yêu cầu Sở Tư pháp bồi thường thiệt hại chứ Văn phòng công chứng quận 10 không liên quan".

Đá quả bóng trách nhiệm?

Để làm rõ những phản ánh của bạn đọc, PV báo Người Lao Động đã có buổi làm việc với đại diện Văn phòng công chứng quận 10.

Tại buổi làm việc, dù PV đã đưa ra văn bản chứng minh việc ngăn chặn giao dịch đã được cập nhật lên hệ thống của Sở Tư pháp từ ngày 19-2-2016, vị này vẫn khẳng định quan điểm rằng công chứng viên của Văn phòng công chứng mình không sai vì đã làm đúng quy trình.

Thế nhưng, khi đặt câu hỏi là nếu công chứng viên không sai thì lỗi phải chăng ở phía hệ thống kiểm tra của Sở Tư pháp, bởi công văn ngăn chặn không được phát hiện chỉ có thể là lỗi từ 1 trong 2 phía, thì vị này không trả lời.

Được biết, sau khi làm việc với Văn phòng công chứng quận 10, anh Nguyễn Thành Nhân đã có đơn khiếu nại gửi Thanh tra Sở Tư pháp để yêu cầu làm rõ vụ việc của mình. Sau đó, Thanh tra Sở đã tiến hành mời các bên lên làm việc. "Thế nhưng, đã 6 tháng trôi qua mà Thanh tra Sở Tư pháp vẫn chưa ban hành quyết định thanh tra", anh Nhân nói.

Trao đổi với PV, đại diện Thanh tra Sở Tư pháp cho biết đơn vị này đã làm việc,M và xác định lỗi trong vụ việc này thuộc về công chứng viên của Văn phòng công chứng quận 10.

Lý giải về việc tại sao đã 6 tháng trôi qua nhưng không ban hành quyết định thanh tra, vị này cho biết do khi gửi đơn yêu cầu lên Sở Tư pháp, anh Nhân đã thoả thuận không xử lý theo hướng khiếu nại, tố cáo mà chỉ muốn xác minh thông tin, nên Sở Tư pháp không có trách nhiệm phải ban hành quyết định thanh tra.

"Thay vào đó, chúng tôi sẽ tiến hành xử phạt công chứng viên và Văn phòng công chứng quận 10. Sau khi xử phạt, sẽ có văn bản thông báo về việc xử phạt này cho anh Nhân", vị này nói.

Đồng thời, vị này cho biết nếu anh Nhân không muốn hoà giải thì có thể tiến hành khởi kiện Văn phòng công chứng quận 10 ra toà để đòi quyền lợi.

"Nếu anh Nhân kiện ra toà, khi xét xử, toà sẽ phải trưng cầu ý kiến của Sở Tư pháp. Lúc đó, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cho toà nắm rõ", vị này nói.

Với những điều nói trên, rõ ràng "quả bóng trách nhiệm" đang bị các bên đùn đẩy cho nhau. Và người dân, dù bỏ ra một số tiền không nhỏ, lại đang đứng trước nguy cơ mất trằng tài sản của mình.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.