Đất vùng ven “hạ nhiệt”

15/07/2019 12:45 GMT+7

Thông tin Hà Nội xin cơ chế đặc thù đưa 4 huyện ngoại thành lên quận vào năm 2020, khiến giá đất thổ cư, đất nền tại các huyện này tăng cao, nhiều khu vực tăng 70 - 100% chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2019. Tuy vậy, đến nay, cơn sốt đất vùng ven đã hạ nhiệt và nhiều nhà đầu tư đã phải “chôn” tiền, hoặc ngậm ngùi “ôm” đất chờ thời cơ mới.


Đất vùng ven “hạ nhiệt” - Ảnh 1.

Giá đất thổ cư, đất nền tại huyện Thanh trì đang "hạ nhiệt". Ảnh: Hoàng Minh

"Hạ sốt"

Sau khi đất tại 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh và Gia Lâm tăng chóng mặt hồi đầu năm, đến nay, đã trở về với giá trị thực. Trong cơn nóng sốt, những mảnh đất có vị trí đẹp ở An Khánh, An Thượng từng được chào giá 30 - 37 triệu đồng/m2, hiện nay, giá chốt thành công lần lượt là 25 - 27 triệu đồng/m2.

Đất tại Nguyên Khuê, Lễ Pháp đầu năm 2019 có giá là 28 - 30 triệu đồng/m2, nay được rao bán với mức 20 triệu đồng/m2. Đất tại Xuân Canh, thay vì mức 35 - 40 triệu đồng/m2, giá đang được rao bán chỉ "nhẹ nhàng" từ 20 - 22 triệu đồng/m2.

Những mảnh đất trên đường An Đào A, Đào Nguyên A, trong cơn sốt đất đầu năm có giá 38 - 45 triệu đồng/m2 cho đến đến nay, những mảnh đất đó vẫn chưa được được sang tay chủ mới.

Các chuyên gia nhận định, cơn sốt đất vùng ven hồi đầu năm là do cò đất và một số nhà đầu tư. Họ cố tình "thổi" giá để đất khu vực họ sở hữu bỗng nhiên giá trị. Khi những nhà đầu tư tay ngang, chưa có kinh nghiệm, ôm đất với giá "trên trời", nếu không kịp đẩy hàng sẽ là những người phải ôm "trái đắng" khi thị trường hạ nhiệt.

Anh Lê Hoàng Anh là một trong những người bị "kẹt" đất khu vực này cho biết, anh đầu tư một mảnh đất ở Đông Anh với lời cam kết của môi giới về mức tăng khủng và "đẩy hàng" thành công chỉ trong 2 tuần. Thế nhưng khi vừa xuống tiền cũng là lúc không ai đến hỏi han về miếng đất anh vừa mua.

Tại bộ phận giao dịch một cửa khi người dân đến làm thủ tục hành chính về đất đai cũng không cho thấy giá đất tăng đột ngột. Mức giá giao dịch giữa người bán và người mua thấp hơn rất nhiều so với mức giá đang rao trên thị trường. Các giao dịch đã được thực hiện cũng thấp hơn nhiều so với trước đây.

Người mua nên thận trọng

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng, 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh tập trung nhiều dự án lớn, khi có thông tin đề xuất lên quận đã tập trung chú ý của các nhà đầu tư.

Tại Hoài Đức, nhiều dự án BĐS đang bị treo từ nhiều năm nay không thể triển khai, những nhà đầu tư đang ôm đất ở đây đã lợi dụng thông tin lên quận để thổi giá, đẩy hàng.

Ông Đính cảnh báo giá trị đất đai luôn tăng theo giá trị đầu tư. Đi kèm với đất đai phải là cơ sở hạ tầng phù hợp mới nâng cao được giá trị của đất, chứ không phải từ một huyện lên thành quận là giá trị của đất đã tăng theo.

Hơn nữa, thị trường BĐS chỉ phát triển thực sự khi nào xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội chất lượng tốt. Do đó, những tin đồn thổi về giá đất có thể phá vỡ hệ thống quy hoạch, làm méo mó, hỗn loạn thị trường, không mang lại lợi ích cho cả địa phương, xã hội và thị trường.

Các chuyên gia BĐS cũng cảnh báo người mua nhà nên thận trọng với những giao dịch có giá cao bất thường. Để giảm thiểu rủi ro, các nhà đầu tư không nên chạy theo tin đồn, chạy theo những giá trị ảo, đầu tư phải dựa vào tiềm năng phát triển thực tế để tránh phải ôm "trái đắng". Nhà đầu tư cần xem xét kỹ quy hoạch hạ tầng, chú trọng tính pháp lý, quy hoạch phát triển toàn vùng trước khi mua, bán.