Đề xuất tháo gỡ thị trường đất nông nghiệp

15/11/2018 08:38 GMT+7

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) vừa đưa ra "Báo cáo về các rào cản thể chế ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường đất nông nghiệp Việt Nam".



Đề xuất tháo gỡ thị trường đất nông nghiệp - Ảnh 1.

Cần điều chỉnh thị trường đất nông nghiệp theo hướng bỏ hạn điền... Ảnh: Hoàng Minh

Đất manh mún, ít doanh nghiệp đầu tư

Do lịch sử và thói quen canh tác, đất đai nông nghiệp ở Việt Nam bị phân tán thành nhiều mảnh, manh mún. Hiện có gần 14 triệu hộ nông dân đang sở hữu 78 triệu mảng ruộng nhỏ lẻ. Dù đã triển khai được một vài năm qua, nhưng quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất diễn ra khá chậm, vẫn còn hơn 70% mảnh đất sản xuất nông nghiệp có diện tích dưới 0,5ha. Điều này khác biệt khá lớn so với các nước trong khu vực, khi từ năm 2012, Thái Lan với 1,4 triệu mảnh ruộng có quy mô hơn 22 ha. Tại Trung Quốc, từ năm 2013, 8,82% diện tích có quy mô hơn ba ha/mảnh.

Ruộng đất manh mún, đất đai phân tán là cản trở chính cho việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, hạ giá thành, thúc đẩy sản xuất hàng hóa và nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản. Đồng thời, khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tính đến nay, cả nước mới có khoảng 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm gần 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. 

Nếu tính riêng các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông lâm sản và thủy sản, số doanh nghiệp giảm xuống chỉ còn trên 1%, tương ứng với khoảng 7.600 doanh nghiệp. Kéo theo đó, vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp cũng đạt rất thấp với khoảng 8 - 10% tổng nguồn vốn đầu tư toàn ngành kinh tế; trong đó, đầu tư sản xuất trực tiếp chỉ chiếm 1%.

Việc các doanh nghiệp không mặn mà trong việc đầu tư vào đất đai để sản xuất nông nghiệp này là do gặp nhiều trở ngại trong các giao dịch chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Đối với giao dịch chuyển quyền sử dụng đất giữa nông dân và doanh nghiệp, ở giao dịch này gặp khó khăn khi khung giá đất không phù hợp giá thị trường. 

Doanh nghiệp có thể thuê đất của người dân nhưng chi phí khá cao, rủi ro lớn do giao dịch này chủ yếu là thỏa thuận bằng miệng. Ngoài ra, quỹ đất  ngày càng hạn chế nên doanh nghiệp khó có thể thuê đất của Nhà nước. Phương án khả thi nhất là Nhà nước thuê của dân và cho doanh nghiệp thuê lại. Hình thức này đã đã được triển khai ở Hà Nam, Lâm Đồng và đạt được một số kết quả nhưng hiện lại đang vướng ở một số quy định của pháp luật …

5 đề xuất phát triển thị trường

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn: Đất đai là khâu đầu tiên trong đột phá phát triển nông nghiệp nhất là khi chúng ta chuyển sang giai đoạn mới, nền nông nghiệp có chức năng mới - đó là nền kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh việc sử dụng khoa học công nghệ, thu hút DN làm chuỗi. Để làm được điều này phải để thị trường đất đai hoạt động.

Để tháo gỡ rào cản trong phát triển thị trường đất nông nghiệp hiện nay, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, cần điều chỉnh theo hướng bỏ hạn điền, giới hạn đối tượng giao dịch. Ngoài ra, cần có dữ liệu, thông tin hồ sơ đất đai rõ ràng, thúc đẩy cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều chỉnh vấn đề định giá đất, thủ tục giao dịch, thẩm định. Đồng thời, gắn chặt với thu hút đầu tư doanh nghiệp, tạo việc làm phi nông nghiệp cho hộ nông thôn.

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã đưa ra 5 kiến nghị chính nhằm xử lý những vướng mắc về cơ chế, giúp thị trường đất nông nghiệp phát triển. Một là, định giá đất đang được quy định tại điểm C Điều 3 Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT cần được điều chỉnh phù hợp với thị trường. 

Hai là, thiếu khung pháp lý cho Nhà nước thuê đất của người dân, cần xem xét quy định cụ thể. 

Ba là, thủ tục thẩm định dự án phức tạp, thẩm định nhu cầu sử dụng đất, ngay cả với những dự án đầu tư có quy mô, thiết kế đất được chấp thuận. Trong những trường hợp này cần đơn giản hóa, chỉ cần qua một vòng thẩm định phê duyệt. 

Bốn là, xử lý vấn đề đất manh mún, khó đạt đồng thuận của số lượng lớn hộ dân. Thực tế, đã có những dự án phải dừng lại do không đạt được sự đồng thuận của nông dân. Theo đó, cần có cơ chế đồng thuận khoảng 80% hộ dân và được UBND tỉnh phê duyệt dự án, buộc các hộ phải thỏa thuận, có chính sách tạo việc làm và chuyển đổi cho nông dân. 

Năm là, về thiếu hướng dẫn thẩm định nhu cầu sử dụng đất mà không có dự án đầu tư, thu hồi theo diện doanh nghiệp tự thỏa thuận, bồi thường. Vì vậy, nên bổ sung diện doanh nghiệp tự bồi thường, tại Điều 61 và 62.