Giá đất Đồng Nai tăng cao, công nhân lo không mua được nhà

21/05/2018 17:39 GMT+7

Công nhân tại các khu công nghiệp (KCN) ở Đồng Nai không khỏi lo lắng khi giá nhà đất liên tục gia tăng trong thời gian gần đây, bởi cơ hội sở hữu nhà của họ ngày càng xa.

Tích lũy gần 6 năm và mượn thêm từ người thân, vợ chồng anh Thiện, công nhân lao động tại KCN Nhơn Trạch dồn được khoản tiền gần 1 tỷ, định mua đất cất nhà. Anh Thiện nhẩm tính, tiền đất khoảng tầm 800 triệu, vay thêm 300 triệu từ ngân hàng là vừa đủ. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, đất khu vực anh nhắm đến tăng giá mạnh, từ 7,5 triệu/m2 lên gần 12 triệu/m2. Lô đất 100m2 mà anh định mua trong 1 khu dân cư hiện giá đã lên đến 1,2 tỷ, vượt dự kiến quá nhiều khiến vợ chồng anh sững sờ.

Dù vậy, lo sợ giá còn tăng, anh Thiện cho biết vẫn gom hết vốn liếng, vay thêm bên ngoài để mua đất. "Mua vào rồi để đó, đành đợi thêm vài năm nữa gom đủ tiền thì xây nhà. Nếu tiếp tục đợi đến khi gom đủ tiền xây mới mua đất, sợ không còn giá này để mua", anh Thiện cho biết.

Không chỉ riêng gia đình anh Thiện, việc giá nhà đất Đồng Nai bị đẩy lên quá cao, gấp 2-3 lần giá trị thực khiến nhiều hộ gia đình, nhất là công nhân tại các KCN gặp khó khăn trong sở hữu nhà đất.

Khảo sát của PV cho thấy, đất nông nghiệp ở TP. Biên Hòa giờ lên tới 20-50 tỉ đồng/ha, còn đất nông nghiệp tại các huyện giáp ranh cũng bị giới đầu cơ đẩy lên 10-15 tỉ đồng/ha. Tại khu vực Bửu Hòa, Tân Vạn, Trảng Dài, Tân Phong (TP. Biên Hòa) cuối năm 2017 giá đất chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2 nhưng hiện tại được rao 15-20 triệu đồng/m2. Đất nội thành Biên Hòa giá 22-50 triệu đồng/m2, đất ngoại khu thì 12-18 triệu/m2.

Giá đất Đồng Nai tăng cao, công nhân lo không mua được nhà - Ảnh 1.

Nhà ở cho các công nhân KCN tại Đồng Nai chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Ảnh minh họa

Tương tự, khu vực Nhơn Trạch, trung tâm vùng tam giác kinh tế (TP HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu) giá đất cũng tăng trưởng mạnh. Tại thời điểm quý I-2018, bất động sản (BĐS) liền thổ Nhơn Trạch đã vươn ngưỡng 6-12 triệu đồng/m2. Ở những khu vực đường lớn, dân cư đông, giá đất đã chạm mốc 13-15 triệu đồng/m2. Trong quý II-2018, mức giá cao nhất ghi nhận được đã tiệm cận ngưỡng 17-18 triệu đồng/m2. Nếu so với mặt bằng chung, đất nền tại Nhơn Trạch đã tăng giá 60-100% so với cùng kỳ năm ngoái và trong vòng 4 tháng qua, biên độ tăng ghi nhận 15-30%.

Theo Liên đoàn Lao động Đồng Nai, khoảng 80% trong số 1,2 triệu công nhân tại Đồng Nai có nhu cầu về nhà ở nhưng hiện khu vực này chỉ có khoảng 13.000 cơ sở lưu trú, đáp ứng khoảng gần 180.000 chỗ trọ, mức giá thuê từ 2,2-3 triệu/phòng 15-20 m2. Như vậy, nhu cầu nhà ở, nhất là nhà ở cho công nhân viên tại các KCN là rất lớn. Tuy nhiên, với mức thu nhập bình quân của người lao động ở tỉnh từ 6-8 triệu/tháng/người, giá đất quanh các KCN của tỉnh hiện đang biến động ở mức 10-20 triệu/m2 tăng từ 30-60% so với cùng kỳ 2017. Việc sở hữu được nhà ở trong giai đoạn này ngày càng khó khăn.

Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh Đồng Nai đã đề ra kế hoạch hoàn thành 20.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, đến đầu năm 2018, Đồng Nai mới chỉ xây dựng được 2.700 căn. Trong 90 dự án nhà ở xã hội được quy hoạch mới hoàn thành 29 dự án, 38 dự án đang triển khai.

Ông Đỗ Thành Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho hay, đầu tư các dự án nhà ở xã hội đòi hỏi vốn lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, hiệu quả đầu tư không cao, việc tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn nên doanh nghiệp không mặn mà. Bên cạnh đó, do vốn ngân sách có hạn nên việc triển khai hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho dự án nhà ở xã hội chưa thực hiện cũng khiến nhà đầu tư gặp trở ngại.

Ông Phạm Ngọc Tùng - đại diện công ty bất động sản Samland cho biết, nhu cầu và tiềm năng của thị trường nhà ở giá mềm tại Đồng Nai là rất lớn nhưng vấn đề là thiếu nguồn hàng cung ứng. Thực ra, xây nhà giá mềm không khó. 

Nếu doanh nghiệp có thể tìm được quỹ đất sạch đã có thể giải quyết được phần lớn câu chuyện xây nhà ở giá mềm. Khu vực Tân Vạn, Biên Hòa, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Dĩ An (Bình Dương) là những nơi được định vị trở thành các đô thị vệ tinh của TP HCM nên càng thuận lợi để phát triển nhà ở, nhu cầu an cư lại rất cao, nếu triển khai đúng sẽ không sợ không tiêu thụ được.

Thời gian qua, Đồng Nai cũng có không ít dự án nhà giá rẻ được triển khai, nhưng nguồn cung này còn hạn chế và chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở của lượng lớn công nhân tại các KCN trên địa bàn. Với xu hướng tăng giá đất như hiện nay, việc triển khai các dự án nhà ở giá mềm tại khu vực này sẽ tiếp tục là bài toán khó dù nhu cầu và tiềm năng dồi dào.