Từ vụ cháy chung cư Carina làm 13 người chết: Làm gì để thoát hiểm?

23/03/2018 10:59 GMT+7

Bình tĩnh, nhanh nhẹn thực hiện đúng các phương pháp, kỹ năng thoát nạn sẽ giúp bạn nâng cao khả năng sống sót khi xảy ra các vụ cháy chung cư.

Thời gian qua, trên cả nước đã liên tục xảy ra hàng loạt vụ cháy lớn trong các toà nhà chung cư, cao tầng, gây hậu quả nghiêm trọng.

Mới đây nhất, rạng sáng 23-3, vụ cháy tại chung cư Carina Plaza (quận 8, TP HCM) đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Vậy, khi xảy ra hoả hoạn, người dân phải làm những gì để có thể tự thoát hiểm và giúp đỡ những người xung quanh nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản?

Dưới đây là một vài kiến thức cơ bản, được nhiều chuyên gia và các tổ chức khuyến cáo cho người dân.

1.Trong các vụ hoả hoạn, đa phần nạn nhân tử vong vì nghẹt thở do khói nhiều hơn là bỏng hay chết cháy. Do đó, nguyên tắc đầu tiên là quan sát thật kĩ, tìm mọi cách di tản ra khỏi khu vực cháy hoặc nhiễm khói càng nhanh càng tốt và tri hô để mọi người ứng cứu. Bên cạnh đó, thông báo ngay cho lực lượng phòng cháy chữa cháy. Nếu phát hiện đám cháy nhỏ, có thể sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ bình chữa cháy, nước hoặc lấy vải nhúng nước để dập tắt đám cháy.

2. Khi xảy ra cháy, cần phải bình tĩnh và nhanh nhẹn thực hiện theo đúng phương pháp, kỹ năng thoát nạn để xử lí các tình huống xảy ra. Phải tuân thủ nguyên tắc cúi thấp người khi di chuyển vì khói luôn bay lên cao. Đôi lúc, cần bò dưới sàn nếu lượng khói tập trung nhiều, để tránh ngạt rồi thoát ra ngoài.

3. Trong cơn hỏa hoạn, tuyệt đối không sử dụng thang máy làm lối thoát nạn. Vì khi xảy ra hỏa hoạn có thể nguồn điện bị ngắt, bạn sẽ kẹt trong đó. Lưu ý hãy sử dụng cầu thang bộ hay theo lối đèn có chữ "EXIT" – lối ra để thoát nạn.

Khi thoát nạn bằng thang bộ, cần lưu ý:

- Trên đường đi, hãy báo cho hàng xóm hoặc những người khác ở các phòng lân cận biết đang có cháy xảy ra;

- Phải bình tĩnh, không chen lấn trong lối thang bộ thoát nạn;

- Nếu nhà bạn có người cao tuổi không di chuyển được hoặc người khuyết tật, trong quá trình thoát hiểm bằng thang bộ, hãy nhường cho mọi người xuống trước để tránh tắc nghẽn đường thoát hiểm, gây ra tình trạng giẫm đạp và hỗn loạn. Lúc này, người thân cần nhờ người giúp đỡ để quá trình thoát hiểm nhanh chóng hơn.

- Không nên quay lại căn hộ để lấy tài sản và đồ dùng;

- Nếu đang ở trong phòng hoặc căn hộ, khi nghe tín hiệu báo cháy, nên dùng mu bàn tay sờ vào tay cầm bằng kim loại của cánh cửa để kiểm tra độ nóng nhằm xác định lửa có cháy bên ngoài cửa phòng hoặc căn hộ.

Từ vụ cháy chung cư Carina làm 13 người chết: Làm gì để thoát hiểm? - Ảnh 1.

Thực hiện đúng phương pháp, kỹ năng thoát hiểm sẽ giúp bạn nâng cao khả năng sống sót khi cháy chung cư.

4. Nếu phải băng qua lửa thì hãy dùng chăn, áo thấm nước ướt trùm lên người. Bò hoặc đi khom người di chuyển trong vùng có nhiều khói. Nếu có điều kiện, hãy dùng khăn thấm nước để bịt lên mũi, giúp hạn chế hít phải khí độc.

5. Nếu bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt. Không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Không nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động.

6. Nếu phải mở cửa hãy kiểm tra nhiệt độ trước khi mở (bằng cách sờ tay vào cửa). Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không được mở. Khi mở cửa nên tránh mặt, né người sang một bên đề phòng lửa tạt và tránh tổn thương do hiện tượng chênh lệch áp suất.

7. Khi thấy khói ở cầu thang hoặc mở cửa buồng thang có khói, hãy tìm cầu thang bộ hoặc cửa vào buồng thang bộ khác gần đó. Trường hợp toàn bộ đều có khói, hãy trở về căn hộ của mình, dùng điện thoại gọi 114 thông báo đang ở phòng số mấy của tòa nhà đang cháy. Bên cạnh đó, cần dùng khăn nhúng nước, chèn kín vào khe cửa căn hộ. Sau đó ra cửa sổ, ban công (ra hẳn ngoài ban công, đóng cửa ban công lại), dùng khăn, vải, áo sáng màu (màu đỏ là tốt nhất) vẫy và cầu cứu.

Trường hợp mắc kẹt trong căn hộ:

- Nếu phát hiện lửa cháy bên ngoài cửa phòng hoặc căn hộ, cánh cửa quá nóng - không nên mở cửa mà dùng vật dụng bằng vải thấm ướt nước, che các khe hở cửa cánh cửa để không cho khói độc vào bên trong.

- Bịt hết các miệng cống thoát nước và xả tất cả các vòi nước trong phòng, té nước lên tường trong phòng để tường ẩm hơn, giảm khả năng lan rộng của lửa.

- Đưa em bé, người cao tuổi vào phòng an toàn nhất, có cửa sổ/ban công để có không khí thoáng để thở và chờ lực lượng cứu hộ hỗ trợ.

- Nếu còn thời gian, và ở tầng không quá cao, hãy sử dụng rèm, ga kết lại thành dây thoát hiểm để buộc em bé vào và thả xuống dưới theo hướng dẫn này.

- Hãy luôn sử dụng điện thoại để báo hiệu cho người thân ở ngoài biết vị trí và tình trạng của bạn để họ và lực lượng cứu hộ có thể hướng dẫn cách thoát hiểm hoặc cứu hộ nhanh hơn.

Bạn có nên ở yên trong căn hộ nếu đám cháy xảy ra ở nhà khác?

Theo tờ Independent, ở Anh, lực lượng cứu hỏa đưa ra lời khuyên với những người sống trong chung cư như sau:

- Nếu đám cháy trong phòng bạn, hãy thoát khỏi ngay lập tức và gọi cứu hỏa.

- Nếu đám cháy ở nơi khác, bạn không được mở bất cứ cánh cửa nào có cảm giác nóng, cả nhà dồn vào một phòng và đóng cửa. Dùng khăn ướt chèn phía dưới cửa. Nếu gần cửa sổ, bạn có thể mở để lấy không khí và để lực lượng cứu hộ thấy bạn. Gọi điện cho cứu hỏa.

Cơ sở để đưa ra lời khuyên này dựa trên yêu cầu các tòa chung cư phải sử dụng vật liệu tốt để lửa không thể lan vào nhà nhanh chóng. Cửa ra vào phải có khả năng chịu lửa được 30 phút, đủ thời gian cho người bên ngoài vào cứu. Nhờ đó, người trong nhà sẽ được an toàn tối thiểu 30 phút thay vì lao ra ngoài và ngạt khói.

Tuy nhiên, giải pháp này sẽ rất tai hại với những công trình không tuân thủ tiêu chuẩn sử dụng vật liệu phòng cháy.