Nhu cầu nhiều, vốn hỗ trợ ít
Sau khi gói vay ưu đãi 30.000 tỉ đồng kết thúc giải ngân, nhà nước chưa có thêm nguồn vay ưu đãi mới nào cho những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Nhiều người không thể chờ đợi thêm đành chấp nhận vay thương mại với lãi suất cao. Tại một dố dự án nhà ở xã hội, người mua thậm chí phải trả lãi vay lên tới 11%/năm.
Theo thông tin do ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng TP HCM cung cấp, địa bàn thành phố hiện đang có khoảng 470.000 hộ gia đình đang gặp khó khăn về nhà ở. Thành phố cũng đã định hướng sẽ cùng Chính phủ nghiên cứu đưa ra các chính sách để phát triển nhà ở xã hội cho thuê. Mục tiêu của TP HCM là sẽ đạt 40 triệu m2 sàn nhà ở dây dựng mới trong năm 2020, trong đó nhà ở xã hội có quy mô khoảng 44.000 căn, tổng diện tích đất 135 ha.
Mua một căn hộ của dự án nhà ở xã hội EhomeS Phú Hữu (quận 9, TP HCM), anh Tâm cho biết thời điểm anh mua đúng lúc gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỉ đồng vừa kết thúc nên đành phải chuyển sang vay mua theo lãi suất thương mại.
Được chủ đầu tư hỗ trợ lãi suất nên 2 năm đầu anh được hưởng mức lãi suất cố định là 7%/năm. Những năm tiếp theo, anh sẽ phải trả theo lãi suất thả nổi. "Dù hiện nay Chính phủ có gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%/năm nhưng hầu như tôi và những người khác mua nhà ở xã hội tại đây không ai vay được", anh Tâm buồn bã cho biết.
Tương tự, hàng ngàn khách hàng mua căn hộ tại dự án nhà ở xã hội Topaz Home (quận 12, TP HCM) do Công ty Vạn Thái làm chủ đầu tư cũng không thể tiếp cận được gói tín dụng 30.000 tỉ đồng nên phải chấp nhận vay vốn theo lãi suất thương mại. Bức xúc vì phải vay lãi suất cao để mua căn hộ 43m2 với giá 600 triệu đồng tại dự án này, chị Thương nói: "Thật bất công khi những người mua nhà ở xã hội trước đó thì được vay gói 30.000 tỉ đồng, còn những người mua nhà ở xã hội sau này như chúng tôi lại phải vay theo lãi suất thương mại".
Một khu nhà ở xã hội đã đưa vào sử dụng tại TP HCM. Ảnh: Ngọc Dương
Mỗi năm TP HCM cần 2.000 tỉ đồng vốn vay nhà ở xã hội
Theo xác nhận của ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Hoàng Quân, ngay khi Chính phủ triển khai gói 30.000 tỉ đồng, Công ty địa ốc Hoàng Quân đã quyết định chuyển hướng sang kinh doanh nhà ở xã hội. Khi triển khai dự án đầu tiên vào cuối năm 2012, mục tiêu mà Hoàng Quân đặt ra là đến năm 2016 sẽ xây dựng hơn 20 dự án nhà ở xã hội tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tổng số vốn đầu tư cho các dự án trong giai đoạn này dự kiến khoảng 20.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên bắt đầu từ thời điểm ngày 31/3/2016, gói 30.000 tỉ đồng kết thúc giải ngân. Điều này tác động rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp khi không thể tiếp cận được vốn vay ưu đãi, nhiều dự án vì thế bị chậm tiến độ, có khi phải dừng thi công. "Để giữ khách hàng hiện có, cuối năm 2016 chúng tôi đã phải bỏ ra khoảng 80 tỉ đồng để bù lãi suất cho các khách hàng vay lãi suất thương mại mua nhà ở xã hội của công ty", ông Tuấn xác nhận.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cả người dân và doanh nghiệp đều có nhu cầu vay vốn ưu đãi nhà ở xã hội rất lớn, trong khi đó, số vốn phân bổ cho TP HCM chỉ có 50 tỉ đồng, không thấm vào đâu so với nhu cầu.
Do đó, ông Châu cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tùy theo điều kiện ngân sách nhà nước, mỗi năm bố trí khoảng 1.000 - 2.000 tỉ đồng để thực hiện triển khai trong giai đoạn 2018 - 2020. "Ngân hàng Nhà nước nên cho phép các ngân hàng thương mại tiếp tục giải ngân cho chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội dở dang thuộc gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng để hoàn thành dự án, bàn giao nhà ở cho người mua nhà; giải ngân cho người đã mua nhà ở xã hội nhưng chưa được nhận nhà trong năm 2016 do dự án bị dở dang kéo dài đến nay", ông Châu đề xuất.