Môi giới BĐS được xem là một nghề, vì vậy hãy nâng tầm, nâng cấp đúng nghĩa cho nghề môi giới.
Nhà giáo, công chức, luật sư... cũng đều hào hứng làm môi giới BĐS, khiến thị trường có vẻ rộn ràng nhưng lại đầy bất cập của sự nghiệp dư. Bởi lẽ, trong đám đông chen lấn môi giới BĐS không có được bao nhiêu người có chứng chỉ môi giới do các cơ quan chức năng cấp, cũng như không được trải qua quá trình đào tạo một cách bài bản.
Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam ông Nguyễn Văn Đính, chia sẻ giai đoạn 2020 - 2021, dù kinh tế gặp khó khăn do khủng hoảng của dịch bệnh Covid-19, nhưng thị trường BĐS vẫn nóng, giá cả liên tục thay đổi. Đặc biệt gần đây, giá đất đai lại tiếp tục nhảy múa, tăng vọt, một phần nguyên nhân do những nhà môi giới không chuyên, thậm chí do cả môi giới chuyên nghiệp "bắt tay" tạo sóng giả, tạo lợi ích cá nhân, đơn vị mà không mang lại lợi ích phục vụ kinh tế tỉnh, vùng đó. Điều này sẽ tạo ra một thị trường BĐS thiếu lành mạnh. Hiện nay, tại một số địa phương còn hàng trăm cá nhân có nhu cầu được đào tạo và thi sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, tuy nhiên không thể tổ chức tại địa phương vì nhiều lý do. Ông Đính đề nghị các cơ quan chức năng xem xét "lỗ hổng" này để giúp người môi giới có điều kiện hành nghề đúng với các quy định của pháp luật. Hy vọng Việt Nam sẽ sớm có hành lang pháp lý cởi mở, phù hợp với đặc thù kinh doanh của ngành, sao cho những tiêu cực trong nghề môi giới sớm chấm dứt, và mỗi nhà môi giới BĐS đều có thể tự hào với nghề nghiệp và sự đóng góp của mình vào thị trường BĐS.
Trên thực tế, Chính phủ đã quy định rõ đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi giới BĐS. Ví như tại Điều 59 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, "Quy định xử phạt hành chính về xây dựng" có hiệu lực từ ngày 28-1-2022, đưa ra mức xử phạt từ 40-60 triệu đồng đối với các hành vi kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề, hoặc chứng chỉ hết thời hạn sử dụng theo quy định. Đối với các đơn vị tham gia môi giới BĐS cũng sẽ bị phạt từ 120-160 triệu đồng, nếu kinh doanh dịch vụ BĐS mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định, hoặc không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS theo quy định, hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định, hợp đồng kinh doanh dịch vụ BĐS không được lập thành văn bản hoặc không đầy đủ các nội dung chính theo quy định...
Quy định rất chặt chẽ, nhưng nhiều công ty môi giới BĐS cũng làm bừa, làm ẩu. Mới đây, một hoạt động "tạo thị trường" kiểu bát nháo tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã bị xử phạt 100 triệu đồng. Giới kinh doanh BĐS băn khoăn về thực trạng lộn xộn của đội ngũ môi giới BĐS, có thể vì chưa ai giám sát thực hiện hay chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ quyết liệt trong việc điều chỉnh hành vi các cá nhân, tổ chức. Có nhiều người mang danh chuyên nghiệp nhưng hành xử chưa chuyên nghiệp, có cả những môi giới chuyên nghiệp nhưng tiếp tay cho những cá nhân hoặc tổ chức hoạt động không đúng luật pháp. Ngoài ra, nhiều công ty môi giới không quan tâm lắm việc phải bảo vệ thương hiệu của chủ đầu tư, hay trách nhiệm đối với khách hàng như thế nào, mà chỉ quan trọng việc chốt cho được giao dịch và thu tiền.
Dẫu muốn dẫu không cũng phải thừa nhận, lực lượng môi giới BĐS chính là cầu nối hiệu quả giữa nhà cung cấp sản phẩm và khách hàng có nhu cầu thụ hưởng. Có ý kiến lo ngại lực lượng môi giới BĐS trong thời gian qua tăng số lượng nhanh chóng nhưng chất lượng còn bỏ ngỏ. Chất lượng của môi giới BĐS bị thả nổi trong thời gian dài đã dẫn đến nhiều hệ lụy trong thực tế, làm đau đầu chủ đầu tư, khách hàng và cả những người môi giới chuyên nghiệp. Trong khi các chủ đầu tư của thị trường sơ cấp lựa chọn rất kỹ đơn vị môi giới, thì thị trường thứ cấp với hoạt động nhộn nhịp, sôi nổi còn nhiều nỗi lo về môi giới. Nhiều đơn vị hoạt động không đúng quy chuẩn, nhái các thương hiệu lớn. Thậm chí có nơi còn lập luôn trang thông tin, đem nguyên những hình ảnh, thông tin của dự án chính thống, chỉ thay mỗi... số điện thoại để chào mời khách hàng. Chủ đầu tư rất khó khăn để bảo vệ uy tín và thương hiệu của mình trước những hành động vi phạm như vậy.
Muốn đội ngũ môi giới chuyên nghiệp cần phải làm sao? Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, khi sửa đổi Luật kinh doanh BĐS sắp tới cần nghiên cứu quy định đi vào cuộc sống để không cản trở hoạt động kinh doanh, môi giới. Cần quy định chỉ có chủ sở hữu BĐS hoặc môi giới được đăng tin rao bán. Thông tin rao bán BĐS phải kèm theo giá cả, địa chỉ rõ ràng và kèm theo mã số hành nghề của môi giới. Như vậy, tin giả sẽ giảm đáng kể và môi giới sai có địa chỉ để xử lý. Nếu một BĐS được đưa cho nhiều môi giới đăng tin thì các môi giới sẽ cạnh tranh nhau, giúp minh bạch thị trường. Nếu chủ sở hữu BĐS chỉ chọn một người thì người đó có quyền phối hợp với các môi giới khác một cách sòng phẳng, minh bạch...
Để phát triển thị trường BĐS phải đề cao vai trò nhà môi giới. Tuy nhiên, gây nhiễu loạn thị trường BĐS thì sai phạm của nhà môi giới chỉ là một phần. Vì sao ở những miền quê hẻo lánh của một số địa phương, cũng xảy ra sốt đất? Các nhà môi giới không thể "lấy vải thưa che mắt thánh" đối với chính quyền cơ sở, nếu công tác giám sát và kiểm tra được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc. Không một công ty môi giới BĐS nào dám "hét giá" hoặc "thổi giá" trên một địa bàn, nếu không có những thông tin hư ảo về dự án sắp triển khai.
Cho nên, để đội ngũ môi giới BĐS không biến thành những "cò đất lôm côm", thì mọi chủ trương và chính sách về đất đai phải được niêm yết rõ ràng. Không thể có "cò đất" nào lộng lành nếu đất lúa, đất vườn, đất rừng... không được chuyển đổi mục đích đúng pháp luật, đúng quy trình. Hơn nữa, bên cạnh thái độ chấn chỉnh các "quy hoạch treo" thì khi đưa ra quy hoạch khu đô thị hoặc khu dân cư, phải có sự đồng thuận cao trong cộng đồng và phải được thực hiện đồng bộ từ giải phóng mặt bằng cho đến đền bù giải tỏa.
Khi không có "vùng xám" về quy hoạch và xử lý đất đai, thì tự nhiên đội ngũ môi giới BĐS sẽ phải vận hành theo con đường tử tế và chuyên nghiệp.