Trước bối cảnh đất nền đang sốt cục bộ tại TP HCM và một số tỉnh thành lân cận, PV đã có cuộc trao đổi với ông Đực xung quanh chủ đề này.
Ông nhận định thế nào về thị trường đất nền ven TP HCM ở thời điểm hiện tại?
Thị trường đang chứng kiến cảnh tượng người người, nhà nhà đi mua đất, bất chấp cảnh báo, quy hoạch của cơ quan chức năng và chuyên gia..
Từ sau Tết nguyên đán đến nay, giá đất thổ cư và đất dự án liên tục tăng cao, đạt ngưỡng 30-50% chỉ trong vòng 4-5 tháng. Đặc biệt, việc mua bán chủ yếu diễn ra ở các nhà đầu tư (NĐT). Không riêng gì đất nền vùng ven TP HCM mà những khu vực lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương giá cũng tăng theo.
Hiện tại, theo tôi, số lượng nhà đầu tư lướt sóng đã “ngấp nghé” 50%. Tỉ lệ này ở các dự án mới là 70-80% Đa số trong số họ là dùng lượng tiền nhỏ để mua đất. Ví dụ, mảnh đất có giá trị 1 tỉ đồng, nhà đầu tư lướt sóng chỉ có trong tay khoảng 100-200 triệu đồng nhưng lại kỳ vọng lãi 100 – 200 triệu đồng, tức gấp đôi.
Nếu thị trường đóng băng, bản thân nhà đầu tư ôm hàng sẽ rất rủi ro, ngay cả doanh nghiệp cũng không đủ tiền để đầu tư xây dựng dự án, rồi lại “đắp chiếu” như những bài học của thị trường diễn ra trước đó.
Ông Nguyễn Văn Đực
Liệu thị trường có thể xảy ra bong bóng bất động sản?
Tôi nghĩ, bong bóng bất động sản đang trực chờ và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hiện tại, bong bóng BĐS đã có dấu hiệu căng. Nếu hoạt động đầu cơ, lướt sóng đạt khoảng 70% thì nguy cơ bong bóng sẽ xảy ra, nếu đạt đến ngưỡng hơn 80% bong bóng sẽ vỡ…
Theo ông, hiện thị trường đang nằm ở giai đoạn nào của quy luật?
Nhà nước và các hội đoàn bất động sản khó nắm được hiện bất động sản đang ở giai đoạn nào và khi nào tan. Tuy nhiên, có một quy luật thị trường là chu kỳ 10 năm BĐS bị đẩy lên cao trào rồi sẽ vỡ tan. Bài học bong bóng bất động sản năm 2007 – 2008 là minh chứng rõ nét nhất. Do đó, người mua cần hết sức cẩn trọng ở giai đoạn này.
Chúng ta phải hiểu rằng, thị trường bất động sản có 1 đặc điểm là rất nhạy cảm với thông tin. Chỉ cần một thông tin về dự án mới xuất hiện, hạ tầng hay hỏa hoạn xảy ra… thì lập tức có những biến động “ăn theo”. Chính sự biến động này cũng là căn nguyên dẫn đến việc thị trường rất dễ bất ổn, khó lường trước được. Do đó, thị trường nóng sốt rồi cũng có thể “xẹp” bất cứ lúc nào nếu tình trạng đầu cơ, đầu tư liên tục diễn ra.
Với tình trạng mua bán ồ ạt, thiếu kiểm soát thì chắc chắn thị trường sẽ gặp nguy. Nếu giá sụt giảm, người thiệt hại sẽ là những nhà đầu tư cuối cùng.
Chính quyền chắc chắn phải có biện pháp ngăn chặn tình trạng sốt nóng, sốt ảo đang diễn ra?
Trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về mỗi người dân sử dụng đồng tiền của mình, để tránh thiệt hại. Còn chính quyền cũng chỉ tuyên truyền vận động ở mức độ nhất định. Hầu hết các cơn sốt xảy ra từ trước đến nay là tự thân thị trường vận động giữa bên bán và bên mua. Đến khi đỉnh điểm, trực chờ “vỡ” thì nhà nước mới vào cuộc.
Tuy nhiên, thời gian tới, chính quyền TP HCM đang chỉ đạo quyết liệt thực hiện Quyết định 60/2017/QĐ-UBND nên chắc chắn sẽ có biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng sốt ảo đang diễn ra, nhằm ổn định thị trường.
Có hiện tượng đầu nậu móc nối với bộ, cấp cơ sở
"Có một thực tế là hiện nay việc thành lập "Hội đồng cấp quận, huyện" để triển khai thực hiện Quyết định 60 diễn ra rất chậm mặc dù UBND TP đã ban hành thông tư hướng dẫn đến từng quận, huyện. Trong Hội đồng này, chủ tịch quận, huyện sẽ có trách nhiệm trước TP về thực hiện quyết định 60 và phải công khai.
Rất có thể, thị trường đang tồn tại hiện tượng: đầu nậu móc nối với cấp cơ sở để thao túng, tạo sóng và đẩy sóng lên cao nhằm chuộc lợi. Tình trạng chậm trễ trên có thể xuất phát một phần từ sự móc nối này. Do vậy, thời gian tới, nếu cơ quan chức năng vào cuộc, những người móc nối với đầu nậu có thể sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật", ông Nguyễn Văn Đực nói.