Nghị định 167 – "Gỡ khó" sắp xếp tài sản công

15/03/2018 17:07 GMT+7

Nghị định 167 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công với nhiều điểm mới đã giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai.

Được ban hành vào ngày 31-12-2017 và có hiệu lực từ 1-1-2018, Nghị định 167/2017/NĐ/CP của Chính phủ được ra đời nhằm quy định lại việc sắp xếp, xử lý tài sản công. Trong đó, quy định cụ thể việc chuyển tiếp đối với từng loại tài sản đã giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực đất đai.

Nhiều điểm mới

Cụ thể, Nghị định 167 quy định về việc sắp xếp lại, xử lý các loại tài sản công gồm: Đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng (trừ nhà, đất của công ty cổ phần được nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc nhận chuyển nhượng hợp pháp sau thời điểm được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa; nhà, đất thuê, thuê lại, nhận góp vốn, nhận giữ chỗ, mượn của các tổ chức, cá nhân khác và nhà, đất khác không phải của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp); ô tô; máy móc, thiết bị và tài sản công khác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Theo Nghị định này, các tài sản là nhà, đất có thể được giữ lại tiếp tục sử dụng; thu hồi; điều chuyển; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất… khi thực hiện việc sắp xếp lại.

Đặc biệt, các công ty vốn nhà nước sau khi thực hiện cổ phần hoá, có thể bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong 2 trường hợp: Nhà, đất dôi dư không còn nhu cầu sử dụng sau khi sắp xếp lại; tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nghị định 167 – Gỡ khó sắp xếp tài sản công - Ảnh 1.

Nghị định 167 sẽ góp phần giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.

Về xử lý nhà, đất sử dụng không đúng quy định, Nghị định nêu rõ: Đối với nhà, đất đã bố trí làm nhà ở không đủ điều kiện chuyển giao về địa phương quản lý theo quy định, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải thực hiện di dời các hộ gia đình, cá nhân ra khỏi khuôn viên cơ sở nhà, đất để sử dụng đúng mục đích. 

Việc hỗ trợ đối với các hộ gia đình, cá nhân phải di dời (nếu có) thực hiện theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm đề nghị tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng nơi có nhà, đất (tổ chức dịch vụ công về đất đai hoặc Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cơ cấp huyện) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. 

 Trường hợp sử dụng toàn bộ cơ sở nhà, đất hoặc một phần cơ sở nhà, đất để cho mượn, cho thuê, hợp tác, kinh doanh, liên doanh, liên kết và các hình thức sử dụng khác không đúng quy định mà có thể tách phần diện tích sử dụng không đúng quy định thành cơ sở độc lập thì xử lý thu hồi theo quy định. 

Trường hợp sử dụng một phần cơ sở nhà, đất để cho mượn, cho thuê, hợp tác, kinh doanh, liên doanh, liên kết và các hình thức khác không đúng quy định mà không thể tách phần diện tích sử dụng không đúng quy định thành cơ sở độc lập thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chấm dứt việc sử dụng nhà, đất không đúng quy định. 

Sau khi chấm dứt việc sử dụng nhà, đất không đúng quy định, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định tại Nghị định này. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nộp toàn bộ số tiền thu được từ việc cho thuê, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết không đúng quy định vào ngân sách trung ương (đối với nhà, đất thuộc trung ương quản lý), vào ngân sách địa phương (đối với nhà, đất thuộc địa phương quản lý) theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Nhận định về Nghị định 167, Luật sư Lê Ngô Trung, Luật sư cao cấp Công ty TNHH Luật Vega, cho rằng ưu điểm của Nghị định này là giúp tháo gỡ các vướng mắc và tồn đọng của các văn bản được ban hành trước đây như: quyết định 09/2007/QĐ-TTg, 140/2008/ QĐ-TTg và 71/2014/ QĐ-TTg về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước; quyết định 86/2010/QĐ-TTg về quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị; cũng như các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan.

Nghị định 167 – Gỡ khó sắp xếp tài sản công - Ảnh 2.

Luật sư Lê Ngô Trung, Luật sư cao cấp Công ty TNHH Luật Vega.

"Nghị định 167/2017/NĐ-CP sẽ hạn chế tối đa và ngăn chặn các nguy cơ làm thất thoát tài sản công mà nhiều vụ việc đã xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp nhà nước khi làm tờ trình để xin được mua đất hoặc tài sản khác là tài sản công với lý do để phục vụ nhu cầu của đơn vị, doanh nghiệp. Sau đó, lấy lý do không còn nhu cầu sử dụng và bổ sung nguồn vốn thì lại thực hiện các thủ tục để rồi bán cho người khác. Cuối cùng, tài sản công trở thành tài sản tư, và đi kèm với đó là thất thu ngân sách cũng như việc người mua sẽ có được phần đất hoặc tài sản này theo giá thấp hơn giá trị thực", Luật sư Trung nhận định.

Cũng theo Luật sư Trung, việc xử lý tài sản theo Nghị định này giúp các doanh nghiệp có nguồn vốn Nhà nước giải quyết các khó khăn về nguồn vốn đầu tư nhằm phục vụ cho sản xuất, kinh doanh khi thực hiện di dời theo phương án quy hoạch của trung ương và địa phương.

Đồng thời tạo nguồn quỹ để giải quyết chế độ, chi phí hỗ trợ cho người lao động bị ngưng hoặc thôi việc do việc di dời này. Điều này giúp đẩy nhanh việc di dời các doanh nghiệp có nguồn vốn Nhà nước theo tiến trình và kế hoạch giải quyết bài toán quy hoạch tổng thể được đẩy nhanh hơn.