Chỉ với 140 triệu đồng đã có thể sở hữu một căn nhà diện tích 12 m2 chứa đầy đủ tiện nghi cần thiết (sau đây tạm gọi là nhà di động). Sở dĩ gọi là nhà di động vì mô hình nhà này có thể dễ dàng tháo ráp và vận chuyển từ nơi này đến nơi khác. Hiện mô hình nhà di động trên được quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội nên nhận được sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, pháp lý của mô hình nhà này vẫn là vấn đề cần được làm rõ.
Chỉ làm trong vài ngày là hoàn thành
Được biết mô hình nhà di động nói trên thiết kế theo xu hướng hiện đại và tiện lợi với đầy đủ nội thất như giường ngủ, ghế sofa, tủ lạnh, tivi, nhà vệ sinh... Phía trong nhà bố trí nhiều ô cửa để đón ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài. Nhà vệ sinh còn được lắp đặt vòi sen, bồn cầu kết hợp với chỗ rửa tay để tiết kiệm nước và diện tích. Giường ngủ có thể nhấc lên cao, tạo khoảng trống để đồ gọn gàng phía dưới. Chỉ với vài thao tác đơn giản, người sử dụng có thể kéo nhẹ ghế sofa để mở rộng thành giường ngủ khi cần.
Ông Huỳnh Bảo Toàn, Giám đốc Công ty Zentado (đơn vị cung cấp nhà di động), cho biết hệ thống điện nước được lắp đặt sẵn nên chỉ cần đấu nối vào hệ thống điện lưới, ống cấp nước và hầm tự hoại là có thể sử dụng, sinh hoạt bình thường. vỏ nhà gỗ di động có kết cấu bốn lớp lần lượt là giấy dầu, tôn, lớp cách nhiệt và khoảng không rỗng giúp không khí đối lưu, cách âm... Một căn nhà di động như trên được chế tạo chỉ trong khoảng vài ngày là có thể hoàn thành.
“Hiện chúng tôi đã bán được khoảng 400 nhà di động từ khắp các tỉnh, thành như Đà Lạt, Phú Quốc, Quy Nhơn, Vũng Tàu… Mô hình này đa phần được sử dụng tại các resort, homestay. Sắp tới có thể chúng tôi sẽ mở rộng mô hình nhà này lên diện tích 20 m2, 24 m2, 46 m2, 72 m2 tùy theo nhu cầu của người sử dụng” - ông Toàn nói.
Mô hình nhà di động . Ảnh do ông Huỳnh Bảo Toàn cung cấp
Không biết đường nào cấp phép, quản lý
Căn nhà dù được đánh giá là nhỏ gọn, tiện lợi nhưng về mặt pháp lý vẫn là một rắc rối lớn đối với người sử dụng, nhất là khâu xin giấy phép.
Chị Tôn Nữ Bích Liên, chủ một homestay ở Đà Nẵng, cho hay đang sử dụng 12 căn nhà di động. Tuy nhiên, khi xin giấy phép xây dựng thì chị Liên gặp không ít khó khăn. “Cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng vì không biết đây là loại hình nhà gì để cấp phép và cũng không có chức năng để cấp phép. Sau nhiều thủ tục khác khá nhùng nhằng thì tôi cũng được đồng ý cấp phép với loại hình nhà ở cấp 4” - chị Liên nói.
Trong khi đó, chị Tuyền (một người sử dụng nhà di động cho thuê ở Long Hải, Vũng Tàu) thì cho rằng: “Đây là dạng nhà lắp ráp, không thích đặt chỗ này thì có thể đặt chỗ khác và nó không phải là tài sản cố định nên không phải xin phép xây dựng”.
Trao đổi với Pháp Luật TP HCM, ông Tống Đức Tiến, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng TP.HCM, cho hay loại nhà di động này là thực tế phát sinh nên cơ quan chức năng không cấp phép được. Tuy nhiên, theo ông Tiến, Nhà nước cần có sự quản lý đối với loại hình nhà ở di động vì không thể đặt ngôi nhà này ở bất kỳ đâu, hoặc đặt cùng lúc nhiều căn trên mặt đất mà không phải là đất ở.
“Các công trình tạm để phục vụ cho các sự kiện cũng phải xin phép nên nhà ở di động cũng phải có quy định” - ông Tiến nói và nêu quan điểm có thể áp dụng các quy định của ngành tài nguyên hoặc quản lý trật tự xây dựng để xử lý.
Trước đây từng có trường hợp gây nhiều tranh cãi là việc những chiếc thùng container được cải tạo thành một quán cà phê ở huyện Bình Chánh, TP HCM. Sở Xây dựng cho rằng trường hợp này không còn là container bình thường mà đã trở thành “công trình xây dựng”.
Khoản 10 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 định nghĩa: Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành từ sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình được liên kết định vị với đất…
Đối với trường hợp quán cà phê làm từ container ở Bình Chánh thì các điều kiện này đều thỏa là công trình xây dựng, cho dù cái gốc ban đầu là container. Cụ thể, quán cà phê này đã được cải tạo, sửa chữa và lắp đặt các trang thiết bị như làm nền, trổ cửa, gắn các thiết bị điện nước… Như vậy, đây không còn là container thông thường mà đã trở thành công trình xây dựng. Do đó có thể xem xét xử lý về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích theo Điều 8 Nghị định 105/2009. Ý kiến này đã được UBND TP HCM thống nhất.
Nếu theo tiền lệ như quán cà phê container tại Bình Chánh thì các nhà di động theo mô hình trên cũng có thể bị xem xét xử lý do sử dụng đất không đúng mục đích nếu đặt trên đất không phải là đất ở (đất nông nghiệp, đất chuyên dùng…).
Quy định về nhà di động ở nước ngoài rất chặt chẽ
Ở Mỹ, để giải quyết vấn đề nhà ở, chính quyền cho xây dựng một số loại hình nhà di động. Tuy nhiên, loại hình nhà di động này không xây trên mặt đất, không có nền móng mà được lắp ráp ở các xưởng sản xuất và chở đến nơi người sử dụng cần đặt. Tất cả loại nhà, kể cả nhà di động, khi có kế hoạch xây dựng phải thỏa tất cả họa đồ về điện nước, cống rãnh, đường sá… Và họa đồ đó phải được duyệt và chấp nhận bởi cơ quan quy hoạch chuyên môn của chính quyền.
Kiến trúc sư TRƯƠNG TRUNG TRỰC (Houston, Mỹ)