Nhiều người bỏ tiền ra mua dự án bất động sản do Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư nhưng từ mấy năm qua vẫn chưa có đất - Ảnh: Đ.C.
"Tôi dành dụm, vay mượn được mấy trăm triệu đồng đóng đúng theo hợp đồng. Tiền mua đất là tiền tươi, tiền thật mà đất chẳng thấy đâu, chỉ thấy cực thân, cực xác mấy năm nay", chị H. bức xúc.
Sau nhiều năm bỏ "tiền tươi, thóc thật" góp vốn dưới dạng hợp đồng/thỏa thuận ở nhiều dự án bất động sản do Công ty Bách Đạt An (Quảng Nam), Công ty Phú Gia Thịnh (Đà Nẵng) làm chủ đầu tư, đến nay hàng trăm khách hàng vẫn phải bỏ công việc đi đòi quyền lợi, do dự án vẫn nằm trên giấy.
Chị H. là 1 trong số gần 1.000 khách hàng đã đóng tiền mua đất tại 3 dự án bất động sản Bách Đạt 1, Hera Complex Riverside và 7B mở rộng do chủ đầu tư Công ty Bách Đạt An ký hợp đồng với đơn vị phân phối là Công ty Hoàng Nhất Nam từ năm 2017. Sau đó, 2 công ty này phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp. Và từ đây kéo theo hệ lụy là gần 1.000 người mua đất phải điêu đứng.
Tại các bản án có hiệu lực pháp luật gần 2 năm qua, Công ty Bách Đạt An được yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng với Công ty Hoàng Nhất Nam; chủ đầu tư liên hệ với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng để thực hiện việc giao nhận đất, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người có quyền và nghĩa vụ liên quan... Tuy nhiên đến nay, hành trình đòi đất của khách hàng vẫn chưa có hồi kết.
Tại Đà Nẵng, hàng trăm người đã xuống tiền mua đất tại dự án khu dân cư Thanh Hoàng và dự án New Danang City do Công ty Phú Gia Thịnh làm chủ đầu tư dưới hình thức hợp đồng/thỏa thuận góp vốn cũng trần ai đi đòi đất. Dù đã thu tiền của khách từ
50 - 95% giá trị hợp đồng từ năm 2017 đến nay nhưng chủ đầu tư nhiều lần hứa hẹn, gia hạn bàn giao đất, sổ đỏ nhưng nay lại thông báo thanh lý hợp đồng vì lý do... bất khả kháng!
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Lê Cao - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng - cho biết pháp luật cho phép chủ đầu tư dự án được huy động vốn phát triển dự án thông qua hình thức nhận góp vốn từ các tổ chức, cá nhân nhưng chủ đầu tư phải tuân thủ các quy định nhất định.
Chẳng hạn, chỉ được huy động vốn theo hình thức góp vốn khi có đủ các điều kiện theo Luật nhà ở và nghị định 99 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở, sử dụng vốn đúng mục đích...
Trong thực tế, theo luật sư Cao, nhiều chủ đầu tư dùng chiêu thức ký các loại hợp đồng với các tên gọi góp vốn, đầu tư, đặt cọc... để huy động vốn nhà đầu tư khi hồ sơ pháp lý của dự án vẫn chưa hoàn tất, sử dụng vốn không đúng mục đích...
"Do đó trước khi giao dịch, người mua cần tìm hiểu kỹ về hồ sơ pháp lý của dự án, các điều kiện để được huy động vốn, rồi uy tín của chủ đầu tư... để tránh rủi ro", luật sư Cao khuyến cáo.