Sức nóng sẽ lan toả ra nhiều thị trường mới

09/08/2019 14:32 GMT+7

Dù nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng tăng trưởng bùng nổ trong các năm qua, các chuyên gia cho rằng sản phẩm này vẫn còn nhiều dư địa phát triển, đặc biệt tại các thị trường mới.

Dù nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng tăng trưởng bùng nổ trong các năm qua, các chuyên gia cho rằng sản phẩm này vẫn còn nhiều dư địa phát triển, đặc biệt tại các thị trường mới.

Sức nóng sẽ lan toả ra nhiều thị trường mới - Ảnh 1.

Tiếp đà tăng trưởng của ngành du lịch, nhu cầu đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cũng tăng lên. Trong ảnh, du khách nước ngoài đang tham gia một hoạt động giải trí tại Phan Thiết. Ảnh: Đào Loan

Có nhiều lợi thế

Tại diễn đàn "Toàn cảnh thị trường bất động sản và tài chính Việt Nam" do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức mới đây, ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng ở Việt Nam, du lịch và dịch vụ là những ngành có triển vọng phát triển tốt nhất, do vậy, nên tập trung đầu tư và phát triển hai ngành này để đạt được tăng trưởng dài hạn.

"Định hướng của thị trường bất động sản trong ngắn hạn, trung hạn vẫn là nhà ở. Còn về dài hạn thì bất động sản du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng mới là triển vọng bởi Việt Nam có thiên nhiên ưu đãi, danh lam thắng cảnh và di sản phong phú… Thêm nữa, hiện tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang phát triển rất nhanh", ông Nghĩa nhận định.

Cùng chung nhận định, theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, nếu so sánh tổng tình hình phát triển bất động sản du lịch tại Việt Nam với một số nước mạnh về du lịch ở Đông Nam Á như Thái Lan, thì số lượng bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam vẫn còn thấp. Trong khi đó, tăng trưởng du lịch của Việt Nam vẫn đang ở mức 30% mỗi năm, thuộc nhóm đứng đầu thế giới. Do đó, về dài hạn thì bất động sản du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho hay chính sách của Nhà nước coi phát triển du lịch là ngành mũi nhọn. Đây cũng là một trong những chính sách được Chính phủ đặc biệt quan tâm với mục tiêu không chỉ nâng cao số lượng và mà cả chất lượng.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, chỉ trong thời gian ngắn, số lượng cơ sở lưu trú chủ yếu là khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn tại Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng. Năm 2011, cả nước có 13.756 cơ sở lưu trú du lịch với trên 256.000 buồng thì tới 2018, con số này đã tăng lên 28.000 cơ sở với 550.000 buồng, tốc độ tăng trưởng về quy mô buồng bình quân đạt 12%/năm.

Với xu hướng dòng khách tiếp tục hướng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam như ngôi sao đang lên, dự báo về viễn cảnh tăng trưởng du lịch 10 năm tới luôn lạc quan. Theo đó, đến năm 2020 dự báo cả nước có từ 650.000-700.000 buồng lưu trú du lịch; năm 2025 cần có từ 950.000-1.050.000 buồng và đến năm 2030 cần có 1.300.000-1.450.000 buồng. Về lượng khách, dự báo đến năm 2020, Việt Nam đón 21 triệu lượt khách quốc tế, đến 2025 sẽ đón 32 triệu lượt và đến 2030 đón 47 triệu lượt.

"Tiếp đà tăng trưởng của ngành du lịch, nhu cầu đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cũng tăng lên. Bất động sản du lịch vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, hứa hẹn hiệu quả cao nếu lựa chọn đúng địa bàn, đúng loại hình phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thế hệ khách du lịch mới", ông Siêu nói.

Tích cực phát triển tại các thị trường mới

Sức nóng sẽ lan toả ra nhiều thị trường mới - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục lan toả sức nóng sang nhiều tỉnh, thành ven biển. Ảnh: Thành Hoa

Dù đã phát triển nóng tại nhiều thành phố ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, nhưng theo các chuyên gia, bất động sản du lịch sẽ tiếp tục lan toả sức nóng sang các tỉnh, thành khác. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, do bất động sản nghỉ dưỡng mang lại nguồn lợi lớn cho các địa phương đi trước nên các tỉnh, thành khác đang tích cực kêu gọi đầu tư với nhiều ưu đãi và thủ tục nhanh gọn. Thời gian gần đây có nhiều địa phương mới tham gia phát triển bất động sản nghỉ dưỡng như Ninh Thuận, Bình Thuận, Quy Nhơn, Quảng Ngãi…


Cho rằng bất động sản nghỉ dưỡng là thị trường tiềm năng, song các chuyên gia cũng đưa ra nhiều lưu ý cho các chủ đầu tư cũng như những người mua sản phẩm này. Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng bất động sản nghỉ dưỡng là ngành liên quan và chịu tác động trực tiếp từ tình hình thế giới. Thế giới đang có những dấu hiệu khủng hoảng, trong đó cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang có những diễn biến căng thẳng. Khi thế giới có khủng hoảng thì một số sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có bất động sản du lịch.

"Bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc có rủi ro trong tình hình thế giới thực sự có nhiều biến động, dù cho nửa năm qua thị trường này vẫn đang phát triển khá tốt. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý, biến động trong nước thường có độ trễ so với tình hình thế giới, độ trễ này có thể từ 6 tháng đến 1 năm," ông Hiếu nói.

Với các nhà đầu tư cá nhân, ông Hiếu tư vấn người có nhu cầu đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cần chọn chủ đầu tư uy tín và có khả năng tài chính; dự án có vị trí đắc địa, cơ sở hạ tầng đầy đủ; khu vực và dự án được thiết kế và xây dựng phù hợp với phong cách quốc tế; chọn các dự án đang được thiết kế và xây dựng theo mô hình thành phố thông minh…

Với chủ đầu tư dự án, ông Siêu thuộc Tổng cục Du lịch Việt Nam đưa ra lời khuyên cần nghiên cứu kỹ về thị trường du lịch, thị trường bất động sản; sử dụng tư vấn chuyên nghiệp; xác định tầm nhìn dài hạn; đồng thời, cần có ý tưởng riêng biệt về sản phẩm của dự án gắn chặt với đặc điểm tài nguyên du lịch…

Trong năm 2018, có hơn 8.000 căn hộ condotel đủ điều kiện mở bán tại khoảng 12 địa phương, chủ yếu tại Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Phan Thiết, Quảng Ninh. Trong đó, Khánh Hoà chiếm hơn 26%, Quảng Ninh chiếm 19%, Đà Nẵng 14%... Lượng giao dịch đạt hơn 7.800 căn hộ, tỷ lệ hấp thụ hơn 92%, theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng.

Sang quý 1, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, tổng nguồn cung bất động sản du lịch cả nước đạt 2.000 sản phẩm và lượng giao dịch đạt 1.400 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ đạt 70%.