Thị trường bất động sản đã có tín hiệu “ấm” dần

05/10/2022 07:21 GMT+7

Đó là nhận định của TS Cấn Văn Lực trong Hội thảo "Bất động sản Cần Thơ lội ngược dòng, cơ hội cho nhà đầu tư cả nước" do Hiệp hội Bất động sản TP Cần Thơ tổ chức tại TP HCM ngày 2-10 vừa qua.


Thị trường bất động sản đã có tín hiệu “ấm” dần - Ảnh 1.

Các chuyên gia khách mời tại hội thảo: ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc CBRE Việt Nam, TS Phạm Anh Khôi - TGĐ Công ty Tài chính FINA, ông Phạm Văn Luận - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ, đã thảo luận các vấn đề đang được nhà đầu tư quan tâm: giải pháp nguồn vốn cho thị trường bất động sản trong trung và dài hạn; lợi thế cạnh tranh của các phân khúc sản phẩm trong đó có căn hộ cao cấp đang lên ngôi tại TP Cần Thơ.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Văn Luận cung cấp các số liệu tích cực của thành phố: Tỷ lệ đô thị hóa 73%, thu hút FDI luôn thuộc Top đầu cả nước và khu vực, tăng trưởng GRDP quý III đạt gần 10%, các dự án cao tốc hỗ trợ thúc đẩy kinh tế xã hội và bất động sản khu vực như tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng… đang được thúc đẩy tiến độ và đón nhận sự quan tâm rót vốn từ Chính phủ.

Là một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường, trong bài trình bày của mình, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết: "Bất động sản vẫn là kênh trú ẩn an toàn được các nhà đầu tư quan tâm khi các kênh chứng khoán, vàng, tiền điện tử… biến động liên tục trong thời gian qua. Ở hai thị trường lớn như TP HCM và Hà Nội đang đối diện với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề nguồn cung. Ở TP HCM, trong 2 năm trở lại đây, phân khúc tầm trung giảm, phân khúc bình dân dường như không có dự án mới, dẫn dắt thị trường là phân khúc cao cấp".

Thị trường bất động sản đã có tín hiệu “ấm” dần - Ảnh 2.

Trong khi đó, tại Tây Nam bộ và TP Cần Thơ đã xuất hiện các chủ đầu tư phát triển các dự án quy mô lớn, thậm chí đề xuất triển khai một số dự án lên đến 1.000ha, chất lượng ngày càng được đầu tư, nhất là các dự án khu đô thị và trong đó có các dự án căn hộ mới theo tiêu chuẩn cao cấp. 

Cho thấy doanh nghiệp đã nắm bắt được nhu cầu của nhà đầu tư, trong đó nhu cầu chính đáng của cư dân khu vực muốn nâng tầm chất lượng sống. Cũng theo ông Kiệt, dự báo về nguồn cung, trong năm 2022, sản phẩm căn hộ sẽ chiếm trên 30% nguồn cung tại TP Cần Thơ. Về mức giá, ông Kiệt đánh giá, bất động sản Cần Thơ mức giá còn thấp, vừa tầm tài chính của đại đa số nhà đầu tư.

TS Cấn Văn Lực cho rằng qua khảo sát, bất động sản vẫn giữ được biên độ lợi nhuận ổn định từ 10-12% trong 10 năm qua, trong khi tiền gửi tiết kiệm vốn được coi là kênh an toàn, tỷ suất lợi nhuận chỉ 6-7%, trái phiếu 4%, chứng khoán tăng trưởng âm…

Mặt khác, về chính sách nguồn vốn, Chính phủ đang đề xuất ban hành các giải pháp hữu hiệu hỗ trợ mở rộng các kênh huy động vốn cho thị trường bất động sản, không quá lệ thuộc vào ngân hàng. Đồng thời, các cơ quan ban ngành cũng đang đóng góp nhiều ý kiến tích cực nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Thị trường bất động sản đã có tín hiệu “ấm” dần - Ảnh 3.

TP Cần Thơ sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển đa dạng các phân khúc sản phẩm

Theo TS Phạm Anh Khôi, đối với giải pháp nguồn vốn, doanh nghiệp không chỉ tận dụng kênh vay vốn ngân hàng, mà các nguồn khác như quỹ đầu tư, tín thác bất động sản, phát hành trái phiếu… rất khả quan và hữu ích trong giai đoạn hiện nay, nhất là đối với các doanh nghiệp kinh doanh bền vững, phát triển các dự án chất lượng.

Kết thúc chương trình, các chuyên gia đưa ra nhận định: Thị trường bất động sản đang ấm dần lên, các vướng mắc pháp lý dần được tháo gỡ thông qua việc đóng góp dự thảo hoàn thiện các Luật quan trọng liên quan đến bất động sản, kỳ vọng sẽ "gỡ khó" cho các chủ đầu tư, từ đó tung ra nguồn cung mới cho thị trường. Đồng thời, tăng cường tính công khai minh bạch cho thị trường và phục hồi niềm tin cho các nhà đầu tư.