Theo những nhà phân tích từ các công ty tư vấn, nghiên cứu thị trường, phân khúc căn hộ cao cấp tại TP HCM trong thời gian qua chiếm ưu thế rõ rệt, sức mua vẫn khả quan khoảng từ 60-80% nguồn cung ở các dự án mở mới mở bán.
Theo thống kê từ CBRE, từ quý 1-2018, các dự án có mức giá từ 33-77 triệu đồng/m2 có tỉ lệ tiêu thụ lên đến 86%. Hiện tại, dù chưa có số liệu cụ thể nhưng thị trường vẫn đang ghi nhận nguồn cung và số lượng tiêu thụ ấn tượng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng thị trường đang có sự lệch pha. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, một năm qua sự gia tăng mạnh các nhà đầu tư thứ cấp, nguồn cung tín dụng có xu hướng tập trung vào một số tập đoàn lớn đầu tư vào phân khúc BĐS cao cấp, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, theo ông Châu, tình trạng này chưa quá đáng lo ngại trên thị trường, vẫn trong vòng kiểm soát.
Trong thời gian gần đây, bất động sản cao cấp vẫn đang là "tâm điểm" của dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Theo ghi nhận của JLL, hiện thị trường đang có nhiều nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản quan tâm như Daiwa House, Nomura và Sumitomo đầu tư dự án ở quận 7, hoặc tập đoàn Hàn Quốc như Lotte Group, GS đầu tư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2.
Theo CBRE Việt Nam, tính đến tháng 4-2018, Việt Nam đã hút hơn 8 tỉ USD nguồn vốn FDI, trong đó 10% đổ về lĩnh vực kinh doanh, BĐS và TP HCM vẫn là thị trường chiếm tỉ lệ cao nhất. Đây sẽ là tiền đề cho sự phát triển của ngành địa ốc, là cơ hội để dòng sản phẩm hạng A chuyển mình trong thời gian tới.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hoà, căn hộ cao cấp vẫn nhiều tiềm năng để phát triển. Theo ông Quang, thời điểm hiện tại nguồn vốn nước ngoài đang đổ vào thị trường BĐS tại Việt Nam, trong đó, xu hướng đầu tư tới 70% căn hộ cao cấp. Cùng với đó, cá nhân người nước ngoài đầu tư tại nước sở tại như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, giá BĐS cao cùng với việc hạn chế đầu tư, tiền thuế, nhà đầu tư bị ứ đọng nguồn vốn rất lớn. Do đó, phân khúc căn hộ cao cấp Việt Nam đang là sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Quang cũng cho rằng, để trở thành những dự án cao cấp, dự án đó phải hội tụ được nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất là vị trí và sự khác biệt. Do đó, chủ đầu tư không thể mang một dự án ở vị trí xa, không thuận lợi cho việc đi lại, tiện ích không có gì mà gắn cho nó cái mác "cao cấp".
Được đánh giá có triển vọng, nhiều ông lớn bắt đầu trở lại với phân khúc này bằng việc rục rịch bung dự án mới ra thị trường. Có thể tới một số nguồn cung mới như dự án căn hộ cao cấp Victoria Village quận 2 của Novaland, Gem Riverside của Đất Xanh Group, quận 2 Thảo Điền của G Homes, Charmington Iris của TTC Land - Sacomreal, Gem Riverside của Đất Xanh,...
Trong khi đó, chuyên gia độc lập Phan Công Chánh, nhận định phân khúc căn hộ cao cấp đã có dấu hiệu bão hoà. Ngoài các dự án ở vị trí tốt của những nhà phát triển tên tuổi với số lượng hạn chế, đã có tình trạng bán cắt lỗ ở nhiều dự án căn hộ cao cấp vừa đưa vào hoạt động, giá thuê sụt giảm và ngày càng khó tìm khách hàng hơn là một dấu hiệu rất đáng lưu tâm của phân khúc này.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Phương Thảo – Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ BĐS Sao Việt, thị trường căn hộ cao cấp vẫn diễn biến khá tốt ở các dự án có vị trí tốt và giá hợp lý, chủ đầu tư uy tín. Dự báo từ giờ đến cuối năm phân khúc căn hộ cao cấp vẫn diễn biến ổn định. Phân khúc này chỉ giảm nhiệt hơn so với trước chứ không có hiện tượng ế ẩm, giảm giá.
Nhận định về biến động giá căn hộ cao cấp tại Sài Gòn, ông Trần Khánh Quang cho rằng biến động giá sẽ không mạnh, mức tăng sẽ chỉ từ 5 – 7%, nhưng sẽ tăng đều, ổn định qua từng năm.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, nội tại thị trường BĐS cao cấp cũng đang sở hữu những triển vọng phát triển. Số người siêu giàu tại Việt Nam đã tới 200 người và dự kiến trong vòng 10 năm tới, con số này có thể lên gấp 3 lần, đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Mức sống của người Việt đang ngày một nâng cao và tiêu chuẩn sống được nâng tầm cũng là lí do khiến nhu cầu về ở cao cấp tăng lên.