Thị trường trầm lắng sau Tết, chủ đầu tư dự án “găm hàng“

25/02/2019 22:31 GMT+7

Sau Tết, hầu như không có giao dịch bất động sản, nắm bắt tâm lý người mua nhà nhiều chủ đầu tư đủ điều kiện mở bán vẫn “găm hàng” chờ đợi.

Cả chủ đầu tư và khách hàng cùng nghỉ đi lễ

Tháng Giêng, giới đầu tư kinh doanh bất động sản thường hay đùa nhau là tháng ăn chơi, khi gần như không có mấy giao dịch mua bán nhà đất, căn hộ nào trong thời điểm này. Các dự án bất động sản mới không mở bán, thị trường trầm lắng.

Tại các sàn giao dịch bất động sản , chỉ có nhân viên phòng hành chính - lễ tân làm việc để xử lý các công việc với đối tác, còn bộ phận kinh doanh hầu như nghỉ qua Rằm. Kinh nghiệm hàng năm thì phải cuối tháng 1 thậm chí đầu tháng 2 Âm lịch công việc tại các sàn giao dịch mới thực sự khởi động trở lại.

Thị trường trầm lắng sau Tết, chủ đầu tư dự án “găm hàng“ - Ảnh 1.

Sau Tết thị trường bất động sản trầm lắng.

“Tháng Giêng là lúc mà cả chủ đầu tư bất động sản và người mua nhà đi lễ, thị trường hoạt động chỉ ở mức cầm chừng” - ông Điệp nói.Theo ông Nguyễn Thế Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Reenco Sông Hồng, sự trầm lắng thị trường bất động sản đã mang tính quy luật. Không chủ đầu tư mới nào “ra hàng” vào thời điểm này khi người mua nhà sau Tết chưa quan tâm nhiều lắm tới các sản phẩm. Với những sản phẩm mở bán trước đó thì hầu hết không có giao dịch mới vào thời điểm sau Tết.

Một chủ đầu tư dự án bất động sản tại Sài Đồng, (Long Biên, Hà Nội) cho biết, dự án của đơn vị đã xây dựng đến mặt sàn tầng 3, đủ hết các điều kiện pháp lý để mở bán. Tuy nhiên thời điểm này, quá ít người quan tâm đến bất động sản nên kế hoạch mở bán sẽ được lựa chọn vào tháng 2 hoặc tháng 3.

“Căn hộ hay nhà đất đều là một tài sản rất lớn, tâm lý chung không chọn thời điểm đầu năm để mua, sớm nhất cung phải là tháng 2 Âm lịch” - vị lãnh đạo công ty bất động sản cho biết.

Biến động trái ngược giữa Hà Nội và TPHCM

Thị trường bất động sản thời điểm cuối năm 2018 đầu năm 2019 ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM có sự trái ngược và chênh lệch rõ rệt.

Sản phẩm mới trong năm 2018 tại Hà Nội chủ yếu nằm ở phía Đông và Bắc thành phố. Lượng cung căn hộ chung cư tăng dần qua các Quý, Quý IV/2018 có lượng cung lớn nhất trong năm với 14.779 sản phẩm, gấp 2,4 lần so với Quý I (8.148 sản phẩm). Cả năm 2018, phân khúc căn hộ Trung cấp chiếm tỉ trọng lớn nhất với 41.,3%, tiếp theo là bình dân với 34,6%, còn lại là cao cấp và siêu cao cấp với 24,0%.

Thị trường trầm lắng sau Tết, chủ đầu tư dự án “găm hàng“ - Ảnh 2.

Biến động trái chiều giữa thị trường bất động sản Hà Nội và TPHCM.


Đặc biệt, trong Quý IV/2018, lượng cung phân khúc trung cấp chiếm tới 66.5% lượng cung căn hộ chung cư khi sản phẩm Vincity tung ra thị trường. Lượng căn hộ chung cư giao dịch thành công năm 2018 tại Hà Nội đạt 27.595 sản phẩm, tăng 132.8% so với năm 2017 (20.776 sản phẩm). Lượng sản phẩm nhà đất giao dịch gấp 3,3 lần so với 2017, đạt ở mức 3.106 sản phẩm.


Ngược với thị trường Hà Nội, TPHCM nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, thời điểm những tháng trước tết âm lịch, thị trường nhà đất TPHCM đã khan hiếm nguồn cung, nhu cầu mua cũng sụt giảm. Theo Sở Xây dựng TPHCM, năm 2018 tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường của 65 dự án, gồm 23.759 căn nhà (trong đó có 22.684 căn hộ và 1.075 căn nhà thấp tầng), với tổng giá trị huy động vốn đạt 43.761 tỷ đồng.

Thị trường TPHCM trải qua một quý cuối năm giảm khá sâu cả về cung và cầu. Nguyên nhân do các chủ đầu tư đang điều chỉnh kế hoạch bán hàng, cùng với sự quản lý chặt chẽ của cơ quan Nhà nước trong việc cấp phép thủ tục pháp lý. Sự trầm lắng của thị trường TPHCM diễn ra từ cuối năm và có thể kéo dài đến hết quý 1/2019./.

Bất động sản công nghiệp sẽ là điểm sáng trên thị trường năm 2019 VOV.VN - Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mang lại nhiều triển vọng cho thị trường bất động sản công nghiệp.

Bất động sản năm 2019: Siết tín dụng - cơ hội thanh lọc doanh nghiệp VOV.VN - Tín dụng ngân hàng vào bất động sản tiếp tục bị thắt chặt, thị trường phải tìm nguồn vốn khác, mua bán chuyển nhượng dự án sẽ sôi động trong năm 2019.