Kế hoạch năm 2018 Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM cho biết sẽ thực hiện 2 dự án chỉnh lý bản đồ địa chính trên toàn địa bàn cho chính xác trên cơ sở các thửa đất, cập nhật, theo dõi biến động người sử dụng và ranh đất. Đồng thời cũng sẽ thực hiện một dự án khác là chỉnh lý bản đồ địa hình nhằm phục vụ công tác cấp giấy và quản lý.
Song song đó, Sở cũng hoàn thiện phần mềm Villus, nâng cao khả năng liên thông cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN) được nhanh hơn.
Theo đó, khi phần mềm hoàn chỉnh, thay vì luân chuyển hồ sơ giấy, các nơi liên thông bằng hệ thống điện tử, chỉ cần nộp hồ sơ điện tử và phôi giấy là có thể in ra cấp GCN cho người dân. Dự kiến trong quý 1/2018 này sẽ chọn một số quận có tách thửa nhiều để thí điểm, xem mức độ hoàn hảo để nhân rộng cho toàn TP HCM.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM cho biết vừa qua Sở đã xin cơ chế cho phép sử dụng con dấu của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai. Khi sử dụng con dấu chi nhánh sẽ giải quyết triệt để bài toán về mặt thời gian.
Cụ thể là việc cấp đổi, cấp lại GCN hiện nay được phép uỷ quyền cho chi nhánh ký nhưng phải lên Sở đóng dấu. Cấp mới GCN cho hộ gia đình cá nhân vẫn là thẩm quyền của quận/huyện. Nhưng khi có GCN rồi, muốn cập nhật biến động thì thẩm quyền thuộc chi nhánh.
Một dự án khu dân cư tại huyện Bình Chánh
Theo thống kê từ Văn phòng đăng ký đất đai TP. HCM, số lượng hồ sơ trễ hạn trong lĩnh vực đất đai hiện nay rất nhiều, bởi ngoài nguyên nhân chủ quan từ cán bộ, nhân viên chậm trễ, tắc trách thì các quy định hiện nay về cấp GCN vẫn còn khá rối rắm, chồng chéo.
Đây là một phần nguyên nhân khiến 109.251 trường hợp hồ sơ tồn đọng, chưa được cấp sổ đỏ tại TP.HCM, trong đó có 20.586 trường hợp đủ điều kiện cấp GCN nhưng người dân không làm, chưa kể một lượng lớn GCN từ các tổ chức cũng chưa được cấp.
Đơn cử chỉ riêng H.Bình Chánh đang vướng 1.000 hồ sơ; một số huyện vùng ven cũng vướng do các chủ đất nông nghiệp tự phân nhỏ miếng đất rồi bán giấy tay qua các thời kỳ, những người nhận lại có trường hợp xây dựng trái phép trên đó, có trường hợp san lấp không còn sử dụng đất nông nghiệp nên cũng tồn đọng chưa thể cấp GCN...
Riêng đối với trường hợp cấp sổ đỏ cho nhà đất mua bán bằng giấy tờ tay, các quy định hiện hành chỉ cho phép cấp cho các trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tờ tay từ sau ngày 1/7/2004 đến trước 1.1.2008.
TP đã chỉ đạo các quận huyện "chốt" khoảng 9.664 trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay nêu trên sẽ được cấp sổ đỏ. Những trường hợp phát sinh sau này sẽ được xem là vi phạm và không được cấp GCN.