7 sự kiện công nghệ chấn động của năm 2011

16/12/2011 09:41 GMT+7

Bức tranh công nghệ trong năm 2011 không thiếu những biến cố, thậm chí là cú sốc chấn động.

12 tháng qua, thế giới mạng di động và mạng xã hội hòa quyện với chính trị và luật pháp hơn bao giờ hết. Cuộc chiến tranh giành bản quyền khiến thị trường tablet và smartphone sôi sục, trong khi những “hacker chủ nghĩa” nã đạn cả loạt mục tiêu chính trị và tập đoàn quan trọng. Và cũng không thể không nhắc tới sự ra đi gây sốc của huyền thoại Steve Jobs: thế giới đã cùng lúc mất đi một bậc thầy công nghệ, một nhà kiến thiết và một biểu tượng của truyền thông kỷ nguyên mới. Dưới đây là những sự kiện CNTT nổi bật của năm, theo lựa chọn của IDG News.
 
1. PlayStation Network bị hack, Anonymous và sự nổi lên của “chủ nghĩa hacker”
 
Những đợt tấn công dồn dập hồi tháng 4 nhằm vào mạng PlayStation của Sony đã hạ gục dịch vụ này, khiến hàng triệu người dùng “bơ vơ” trong suốt 2 tháng. Dữ liệu cá nhân của khoảng 70 triệu người đã rơi vào tay hacker và khiến Sony tốn kém tới 170 triệu USD để dọn dẹp hậu quả. Nguyên do vụ việc một phần là để trả đũa Sony vì đã dám kiện một hacker phát tán mã nguồn của PS3 trước đó.

Cũng sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới LulzSec, dù hiện người ta vẫn chưa rõ nhóm này có phải là một phân nhánh con của Anonymous hay chỉ là “cùng chung chí hướng”. Anonymous thì luôn tự nhận là một nhóm hacker chủ nghĩa sau khi tấn công vào một loạt các thể chế như hãng bảo mật HBGary, các website khiêu dâm trẻ me, Ngân hàng Mỹ, NATO cùng nhiều website chính phủ. Dù cảnh sát đã bắt giữ nhiều hacker nghi là thành viên của Anonymous và LulzSec tại Mỹ, Anh và Tây Ban Nha song thành công của những vụ tần công đình đám cho thấy, nguy cơ tấn công chưa bao giờ nguôi ngoai.
2. Apple kiện Samsung, Samsung kiện ngược
 
Cuộc chiến pháp lý giữa hai gã khổng lồ đã khiến báo chí tốn vô khối giấy mực trong năm qua. Apple và Samsung đã lôi nhau đi khắp thế giới, từ Mỹ sang Đức, Pháp, Úc, Hàn Quốc và Nhật. Apple tố cáo Samsung đã sao chép thiết kế iPhone và iPad ở ba mẫu smartphone và tablet Galaxy Tab 10.1, tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng, đích ngắm cuối cùng của Táo khuyết không phải Samsung mà chính là nền tảng Google Android.

Samsung hiện là hãng sản xuất smartphone lớn nhất thế giới và hãng này chỉ dùng duy nhất hệ điều hành Android. Thị phần Android cũng đã qua mốc 50% và vượt lên trên Apple. Do đó, nguy cơ mà Apple phải đối mặt là rất dễ nhận thấy.

Mọi chuyện càng trở nên phức tạp khi Samsung không khoanh tay chịu trói. Hãng này đã đâm đơn kiện ngược Apple với lý do tương tự ở nhiều nước, đồng thời đệ đơn kháng án lên các Tòa án cấp cao. Những diễn biến vào cuối năm càng khiến cho vở kịch trở nên đầy kịch tính: Samsung đang đảo ngược tình thế tại Úc và thoát án tử tại Mỹ.

3. Ai Cập bị ngắt khỏi mạng Internet
 
Ngay sau nửa đêm giờ Cairo ngày 28/1, 3500 đường dẫn Internet Border Gateway Protocol kết nối Ai Cập với phần còn lại của thế giới bỗng dưng... biến mất. Không mất nhiều thời gian, người ta cũng phát hiện ra rằng các ISP Ai Cập, dưới sức ép từ chính phủ, đã cắt kết nối mạng.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các mạng viễn thông di động. Năm ngày sau, truy cập mới được khôi phục lại để người Ai Cập có thể đăng nhập vào mạng xã hội. Vài tháng sau, đến lượt Libya và Syria hạn chế người dân truy cập Internet.
 
4. Nhật Bản bị tàn phá vì siêu động đất
 
Thảm họa động đất, sóng thần xảy ra hôm 11/3 tại Nhật Bản đã khiến cho ngành công nghiệp điện tử nước này điêu đứng. Trận động đất đã cắt đứt tạm thời nguồn cung vật liệu thô và linh kiện (như chip nhớ NAND, vi mạch điều khiển và màn hình LCD) của ngành công nghệ toàn cầu. Giá những linh kiện này tăng vọt sau thảm họa bởi hàng loạt nhà máy của Sony, Freescale, Fujitsu, Texas Instrument... đều bị hư hại nặng nề.

Sang đến nửa cuối năm nay, lũ lụt tại Thái Lan tiếp tục giáng đòn xuống thị trường PC và linh kiện máy tính. Sau khi tăng trưởng khoảng 30% trong năm 2010, doanh thu bán dẫn toàn cầu sẽ chỉ còn tăng khoảng 1% trong năm nay. Doanh số của chip nhớ DRAM, SRAM và NOR Flash sẽ giảm 15%, thậm chí nhiều hơn.
 
5. HP bất ngờ khai tử webOS, tuyên bố rút khỏi mảng PC
 
Tháng 9, LEO Apotheker bị sa thải khỏi cương vị Tổng Giám đốc điều hành HP, không lâu sau khi ông tuyên bố hãng này sẽ tìm cách tách riêng mảng kinh doanh PC trị giá 40 tỷ USD. Apotheker gần như không có mấy kinh nghiệm về phần cứng và việc ông lên lãnh đạo HP cũng chỉ là biện pháp “chữa cháy” sau khi cựu CEO Mark Hurd của hãng PC lớn nhất thế giới từ chức sau bê bối tình ái.

Người thay thế ông Apotheker là bà Meg Whitman, mặc dù vậy, đã đổi ý vào phút chót khi tuyên bố sẽ giữ lại mảng PC. Lý do mà bà đưa ra là PC vẫn là chìa khóa để duy trì quan hệ lâu dài với các khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, hệ điều hành di động webOS thì không được may mắn như vậy. HP TouchPad, chiếc tablet cài WebOS đầu tiên đã bị HP đại hạ giá để dọn kho, đồng thời bộ phận phần cứng webOS cũng đã bị đóng cửa. Hệ điều hành này vừa được tuyên bố nguồn mở hóa hồi tuần trước.
 
6. Microsoft chuyển sang ARM với Windows 8

Microsoft đã tận dụng sự chú ý của giới truyền thông tại Triển lãm CES hồi tháng 1 để thông báo rằng, Windows 8 sẽ chạy trên cấu trúc chip hệ thống, bao gồm cả vi xử lý ARM. Các tính năng khác của hệ điều hành này bao gồm giao diện Metro tối ưu hóa cho điều khiển cảm ứng và quầy ứng dụng Windows mới. Tất nhiên, Windows 8 sẽ vẫn hỗ trợ chip Intel và chạy được trên PC như bình thường. Thế hệ sản phẩm cài Windows 8 có thể xuất hiện ngay trong năm tới.
 
7. Sự ra đi của một huyền thoại: Steve Jobs qua đời
 
Mặc dù vẫn còn quá sớm để lịch sử đánh giá hết vai trò của Steve Jobs trong việc định hình thế giới công nghệ, nhưng những lời khóc thương, những giọt nước mắt mà cả thế giới dành cho vị cha đẻ 56 tuổi của Apple vào ngày 5/10 đã minh chứng cho hình tượng của ông. Cùng với Bill Gates, Jobs là một trong hai nhân vật chủ chốt của kỷ nguyên PC và có lẽ là vị lãnh đạo quan trọng nhất dẫn dắt giới công nghệ tiến vào kỷ nguyên hậu PC.

Cuộc đời của ông là một câu chuyện thành công đặc chất Mỹ: truyền thuyết về một người bị hắt hủi, ra đi trong tủi hờn vì bị sa thải bởi chính công ty do mình lập ra. Nhưng vượt lên nỗi đau, ông đã cách mạng hóa phim hoạt hình trong những năm 90 với hãng phim Pixar và quay trở về chèo lái Apple lên đỉnh vinh quang như hiện nay. Ông đã cho ra đời những sản phẩm biểu tượng như Apple II, iPod, iTunes, iPhone và mới đây nhất là iPad. Sự đam mê, óc sáng tạo, lòng quyết tâm, tính cầu toàn... là những phẩm chất làm nên một thầy phù thủy độc nhất vô nhị của làng công nghệ.