Theo trang The Hindu Business Line của Ấn Độ, Cục Tình báo Ấn Độ đã trao đổi với Cố vấn An ninh Quốc gia về việc những nền tảng nhắn tin này làm dấy lên các mối đe doạ mạng mới. Chính vì thế, Bộ Nội vụ và Cục Viễn thông Ấn Độ sẽ tiến hành điều tra nền tảng này trước khi đặt ra vấn đề nên chặn hay không chặn các dịch vụ OTT này.
Cũng giống như WhatsApp và BlackBerry Messenger, WeChat cũng là một nền tảng nhắn tin dùng sử dụng kết nối Internet để cho phép người dùng trao đổi tin nhắn hoặc gọi điện thoại miễn phí. Các cơ quan an ninh trước đây từng đặt ra các vấn đề quan ngại về dịch vụ BlackBerry Messenger. Lúc đó, hãng BlackBerry của Canada đã phải đồng ý thiết lập một máy chủ ở Mumbai và các cơ quan an ninh đã được phép truy cập đến các dữ liệu truyền tải qua nền tảng BlackBerry Messenger.
Tuy nhiên, trong trường hợp WeChat, các cơ quan an ninh cảm thấy lo ngại hơn vì đó là dịch vụ của một công ty Trung Quốc. Trước đây, Cục Viễn thông Ấn Độ đã định cấm các nhà cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc là Huawei và ZTE vì những lo ngại tương tự.
Họ sợ rằng Trung Quốc có thể dùng các dịch vụ và thiết bị của những công ty này để đột nhập vào các mạng lưới truyền thông của Ấn Độ. Mặc dù các công ty Trung Quốc đã phủ nhận mọi liên quan đến cơ quan gián điệp hay quân đội Trung Quốc, song những vấn đề gần đây về việc chính phủ Mỹ dùng các nền tảng của các công ty Internet như Google và Facebook để theo dõi dữ liệu người dùng, càng khiến nhiều nghi ngờ nổ ra.
Về vấn đề này, đại diện của Tencent, công ty cung cấp dịch vụ WeChat, nói rằng: “Chúng tôi bảo vệ rất đảm bảo dữ liệu người dùng trong quá trình phát triển sản phẩm và các hoạt động hàng ngày, nhưng cùng lúc đó, cũng như nhiều công ty quốc tế có trách nhiệm khác đang hoạt động tại Ấn Độ, chúng tôi tuân thủ mọi quy định và luật pháp địa phương”.