Hiện tại, trên thế giới có 2 loại chuẩn SIM khác nhau – xét về hình dạng và kích thước, loại SIM chuẩn standard được hầu hết mọi hãng điện thoại di động lẫn nhà mạng sử dụng. SIM dạng này có kích thước cỡ 1/3 con tem và được bán phổ biến ở Việt Nam theo nhiều kênh phân phối khác nhau, từ các văn phòng giao dịch của những công ty kinh doanh dịch vụ di động cho tới những điểm bán lẻ thẻ cào điện thoại… Về khả năng lưu trữ, loại SIM standard này được chia ra theo một số dạng khác nhau như SIM 16 Kb, 32 Kb với bộ nhớ dung lượng 16 Kb hoặc 32 Kb. Trong đó, SIM 16 Kb là SIM nền tảng hỗ trợ các tính năng căn bản như hòa nhập mạng và thiết lập cuộc gọi/nhận cuộc gọi, gửi/ nhận tin nhắn.
SIM standard sau khi bị “cắt”
Riêng SIM 32 Kb bên cạnh các tính năng như SIM 16 Kb còn được tích hợp hàng loạt các dịch vụ tra cứu thông tin bằng SMS đặt trong menu riêng do nhà mạng tích hợp thêm như tra giá chứng khoán, kết quả xổ số, kết quả bóng đá, giải trí, tìm máy ATM, tư vấn, bí quyết, giá cả thị trường...
Hai nhóm SIM standard cao cấp hơn được gọi là Super SIM lần lượt có dung lượng là 64 Kb và 128 Kb. Super SIM 64 Kb là loại SIM có bộ nhớ 64 Kb- lớn gấp bốn lần SIM thông thường hiện đang cung cấp tại Việt Nam. Ngoài các dịch vụ hiện có trên standard SIM phiên bản cũ như tra cứu kết quả xổ số, kết quả bóng đá, thông tin chứng khoán,... Super SIM 64 Kb tiếp tục được nâng cao khả năng lưu trữ nhiều tin nhắn hơn và nhiều số điện thoại trong danh bạ (lưu được 750 số điện thoại trong 3 danh bạ khác nhau). Ngoài ra, tùy mạng, di động, nó còn được bổ sung thêm một loạt các chuyên mục mới hấp dẫn khác như giải trí, tìm máy ATM, tư vấn, bí quyết, giá cả thị trường...
Trong trường hợp dòng Super SIM 128 Kb có bộ nhớ lên đến 128 Kb được xem là loại thẻ SIM có dung lượng lớn nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay thì bên cạnh khả năng lưu trữ 750 số điện thoại và được cài đặt sẵn rất nhiều dịch vụ tiện ích giúp người dùng có thể sử dụng dịch vụ dễ dàng mà không cần thao tác soạn tin nhắn, cũng như ghi nhớ số gửi đến như các dịch vụ khác trên thị trường thì người sử dụng còn có khả năng bổ sung, thêm, bớt các dịch vụ mình thích ra khỏi SIM mà không cần thay SIM khác. Một cách tổng quát thì dạng SIM standard này thường thuộc về độc quyền phân phối của các nhà mạng và mỗi SIM do mạng di động nào phát hành thì đồng nghĩa với việc SIM ấy được kích hoạt thì sẽ sử dụng các dịch vụ do mạng di động đó phân phối.
Apple SIM và chiến lược mới
Một trong những điểm người dùng phàn nàn đầu tiên khi sử dụng điện thoại iPhone hay máy tính bảng iPad của hãng Apple là họ phải đi… cắt SIM. Những chiếc SIM chuẩn stardard hiện rất phổ biến tại Việt Nam không thể cho vừa vào khe cắm micro SIM của những sản phẩm mang nhãn hiệu “Quả táo”. Những dịch vụ “cắt” SIM trên thị trường cho phép gọt đẽo những SIM standard hiện tại xuống kích thước micro SIM để có thể nhét vừa vào trong các thiết bị kể trên.
Theo lý giải của Apple, mục đích của việc hãng này tung ra micro SIM chỉ đơn thuần muốn thu nhỏ hơn nữa kích thước của các sản phẩm iPad, iPhone của mình xuống mức thấp hơn so với bình thường. Tuy thế, theo các chuyên gia, vấn đề không hoàn toàn nằm ở chỗ đó. Nếu so sánh về độ mỏng thì những chiếc Samsung Galaxy hay Sony Ericsson Xperia… mặc dù dùng SIM standard nhưng vẫn “dư sức” để mỏng hơn iPhone hoặc iPad khá nhiều. Vì vậy, lý do dùng micro SIM để giúp tiết giảm không gian bên trong các thiết bị của mình của Apple xem như không hề có cơ sở.
“Vấn đề quan trọng là Apple không muốn lệ thuộc vào các nhà mạng”, SlashGear nhận định. Theo thông lệ từ trước tới nay, nhà sản xuất điện thoại là nhà sản xuất điện thoại, nhà phân phối là nhà phân phối và nhà mạng là nhà mạng. Tuy thế, trong những năm gần đây, tại Hoa Kỳ cũng như tại nhiều nước trên thế giới, nhà mạng cũng muốn đóng vai trò là một nhà phân phối. Với lợi thế là nhà cung cấp dịch vụ, nhà mạng khiến các nhà phân phối tức điên khi tung ra các gói cước hỗ trợ cực khủng để lôi kéo người tiêu dùng đến mua hàng trực tiếp tại các quầy giao dịch của mình thay cho việc đến các showroom của nhà phân phối.
Theo các nhà phân tích, các nhà mạng càng có thêm quyền lực thì càng có khả năng o ép các nhà sản xuất điện thoại. Nếu như với một nhà phân phối, họ chỉ có thể thực hiện chính sách tối đa là giảm giá bán sản phẩm và tặng SIM thì nhà mạng sẽ làm được nhiều hơn thế. Những ví dụ gần đây cho thấy, các nhà mạng có thể tặng các gói cước hòa mạng với mức phí khiến cho việc bán điện thoại, máy tính bảng giảm xuống mức chỉ còn 1 triệu đồng/sản phẩm. Không đối thủ phân phối nào có thể địch lại nổi với mức phí giảm giá như vậy.
“Như thế, cái Apple muốn trong chiến dịch microSIM là họ muốn thoát khỏi vòng kềm tỏa của nhà mạng, phải chia lời cho nhà mạng theo mỗi chiếc iPhone bán được. Trước kia, sau khi áp dụng thành công chính sách micro SIM trong việc tạo tiền đề cho nhà mạng phải chế tạo riêng một loại SIM dành iPhone, iPad thì chỉ một thời gian ngắn sau đó, Apple trình bày một kế hoạch khác sản xuất một dòng SIM đặc biệt gắn trực tiếp trong điện thoại cho phép người dùng có thể tự do chọn mạng di động mình thích. Động thái này ngay lập tức bị các mạng di động tại Hoa Kỳ lên tiếng phản đối và dọa tẩy chay Apple nếu hãng này thực hiện việc đó.
Thế giới di động sẽ chấn động vì chuyện… cắt SIM
Apple lúc đó có vẻ đã nhượng bộ khi tuyên bố từ bỏ kế hoạch sản xuất SIM kia, tuy vậy – vào trung tuần tháng 5 này, Apple chính thức công bố lộ trình phổ biến SIM nano vào các iPhone và iPad trong tương lai. Mặc dù không nói rõ cơ chế nano SIM nhưng nhiều chuyên gia tin rằng, Apple chắc chắn đã không từ bỏ kế hoạch SIM đầy táo bạo của mình để có thể thoát khỏi vòng kềm tỏa của các nhà mạng, Wall Street Journal kết luận.