Bkav bị "phản pháo" vụ nhà mạng thu 3 tỷ đồng/ngày từ sms rác

12/11/2012 09:45 GMT+7

Theo Bkav, số tin nhắn rác được gửi tới các thuê bao di động lên đến 9,8 triệu tin/ngày. Tuy nhiên, các mạng di động cho rằng con số đó không chính xác và phải chăng đây là "chiêu" PR để Bkav bán phần mềm chặn tin nhắn rác của mình.

Bkav: Mỗi ngày có khoảng 9,8 triệu tin nhắn rác
 
Theo kết quả thống kê tình hình tin nhắn rác do Công ty Bkav công bố ngày 31/10, mỗi ngày có tới 9,8 triệu tin nhắn rác được gửi tới điện thoại di động của người dùng tại Việt Nam. Nếu với mức phí trung bình 300 đồng/tin nhắn thì các nhà mạng thu về khoảng 3 tỷ đồng mỗi ngày, tức gần 100 tỷ đồng/tháng từ các hoạt động liên quan đến tin nhắn rác.
 
Bkav đã tiến hành khảo sát lượng tin nhắn rác với tập 50.000 người dùng điện thoại di động tại Việt Nam trong tháng 10. Thống kê cho thấy, mỗi ngày có tới 16.290 tin nhắn rác được gửi tới các thuê bao di động. Như vậy, bình quân cứ 3 ngày mỗi người dùng lại nhận 1 tin nhắn rác. Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và phát triển Bkav, có nhiều thời điểm hệ thống ghi nhận có đến 2% người dùng (khoảng 1.000 người) nhận hơn 10 tin nhắn rác mỗi ngày.Trong khi đó, thị trường Việt Nam đang có ít nhất 30 triệu thuê bao thực đang hoạt động (theo số liệu Bộ TT&TT công bố năm 2011). Như vậy, số tin nhắn rác được gửi tới các thuê bao di động trong nước lên đến 9,8 triệu tin/ngày.
 
Với tốc độ phát tán lên đến 10.000 tin nhắn/giờ, một số chuyên gia viễn thông không loại trừ khả năng số tin nhắn rác thực tế sẽ cao hơn con số 9,8 triệu mà Bkav đưa ra. (Ảnh: Internet)
 
"Bkav cài phần mềm gián điệp theo dõi khách hàng?"
 
Ngay sau khi Bkav đưa ra kết quả này thì các mạng di động lên tiếng nghi ngờ tính khách quan và chính xác của nghiên cứu trên. Các mạng di động cho rằng số liệu để tính ra 9,8 triệu tin nhắn rác được phát tán trong 1 ngày để tính ra con số nhà mạng thu về 3 tỷ đồng/ngày đã không chính xác.
 
Chỉ tính riêng mạng di động Viettel đã vượt qua con số 30 triệu thuê bao thực, đó là chưa kể con số thuê bao của các mạng di động khác. Hơn nữa, trong vòng 2 năm gần đây, Bộ TT&TT đều công bố số thuê bao của Việt Nam đạt trên 100 triệu thuê bao chứ không phải là 30 triệu thuê bao thực như Bkav nói.
 
Đại diện VinaPhone cho biết là hoàn toàn bất ngờ về cách thức và động cơ đưa ra con số này của Bkav. Theo đại diện VinaPhone, phần lớn các tin nhắn rác đều sử dụng những gói cước có giá SMS rất rẻ như gói học sinh, sinh viên... với giá chỉ chục đồng/tin nhắn nên việc Bkav nhân con số 300 đồng để nói nhà mạng thu về 3 tỷ đồng/ngày từ tin nhắn rác là một hình thức suy luận thiếu thực tế. "Chúng tôi đã tiến hành nhiều nghiên cứu thị trường với cách chọn mẫu và chỉ với vài nghìn thuê bao, cùng lắm đến 10.000 thuê bao.
 
Thế nhưng, việc Bkav công bố nghiên cứu từ 50.000 người dùng là con số quá "khủng" đến mức nghi ngờ. Một vấn đề nữa cần đặt ra là tại sao Bkav có được kết quả của 50.000 khách hàng do họ gặp trực tiếp thuê bao hay họ cài phần mềm gián điệp tự động theo dõi khách hàng? Phải chăng Bkav công bố những con số này để bán phần mềm chặn tin nhắn rác của mình?", đại diện VinaPhone nói.
 
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Viettel Telecom cho rằng các nơi phát tán SMS rác không dại gì chọn những gói cước 300 đồng/SMS để phát tán tin nhắn rác. Hiện các mạng di động đều có gói cước SMS nội mạng rất rẻ chỉ cần 3.000 đồng/ngày có thể gửi tới 100 SMS. Vì vậy, cách tính nhân cơ học của Bkav để ra số tiền mà nhà mạng thu được từ tin nhắn rác là không thuyết phục.
 
Hiện Viettel sắp cung cấp dịch vụ chỉ cho phép những thuê bao có trong danh bạ của khách hàng mới được nhận SMS để tránh phiền toái cho khách hàng vì tin nhắn rác. Đại diện Viettel Telecom cũng cho rằng phải chăng động cơ đưa ra con số nghiên cứu này để Bkav bán phần mềm chặn tin nhắn rác trên điện thoại di động. 
 
Con số thực tế lớn hơn nhiều
 
Khi được hỏi về độ xác thực của số lượng tin nhắn rác mà Bkav đưa ra, đại diện VNCERT cho rằng dù chưa thể công bố số lượng tin nhắn rác mỗi ngày mà VNCERT đo được nhưng con số 9,8 triệu tin nhắn rác mà Bkav đưa ra là không chính xác.
 
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, từ kết quả khảo sát với tập 50.000 người dùng điện thoại di động tại Việt Nam trong tháng 10 rồi nhân với 30 triệu thuê bao thực đang hoạt động (theo số liệu Bộ TT&TT công bố năm 2011) để cho rằng số tin nhắn rác lên đến 9,8 triệu tin một ngày là không có cơ sở và đúng với thực trạng hiện nay.
 
Các đối tượng quảng cáo qua tin nhắn thường hay tìm đến những thuê bao có nhu cầu thực sự, là những thuê bao đăng ký sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng, nạp tiền game… chứ không bao giờ nhắn tin đồng loạt tất cả thuê bao thực hoạt động. Mặc dù vậy lượng tin nhắn rác thực sự phát tán ra mỗi ngày có thể nhiều hơn mức 9,8 triệu tin nhắn do trung bình mỗi đơn vị spam có thể phát tán được khoảng từ 300.000-500.000 tin nhắn rác mỗi ngày, có thời điểm còn lên đến 1 triệu tin nhắn rác. "Số lượng tin nhắn rác mỗi ngày có thể rơi vào khoảng trên dưới 15 triệu tin”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
 
Đại diện Thanh tra Bộ TT&TT cũng khẳng định, quá trình thanh tra cho thấy, các CP (công ty cung cấp dịch vụ nội dung số), Sub CP (công ty vệ tinh) đã trực tiếp hoặc thuê người sử dụng Modem GSM/CDMA hoặc USB 3G, có lắp SIM điện thoại và được kết nối với máy tính để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo từ các thuê bao di động trả trước với tốc độ lên đến 10.000 tin nhắn/giờ (tương đương khoảng 240.000 tin nhắn/ngày).
 
Như vậy, chỉ cần khoảng 40 CP, Sub CP phát tán tin nhắn rác với tốc độ 10.000 tin nhắn/giờ là chúng ta đã có khoảng gần 9,8 triệu tin nhắn rác mỗi ngày. Trong khi đó, thống kê từ Thanh tra Bộ TT&TT cho thấy, hiện có khoảng 400 CP cung cấp dịch vụ tin nhắn giải trí trên mạng di động và các nội dung như nhạc chuông, hình ảnh, hình nền, trò chơi, kết quả xổ số... 400 CP này trực tiếp hoặc ký kết với vài chục hoặc hàng trăm SubCP để cùng cung cấp dịch vụ.
 
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, ngoài số lượng 9,8 triệu tin nhắn rác thì mức giá 300 đồng/ SMS mà Bkav đưa ra làm dẫn chứng cho việc nhà mạng thu 3 tỷ đồng từ tin nhắn rác cũng không chính xác.
 
Bởi vì, các tổ chức, cá nhân phát tán tin nhắn rác thường sử dụng những gói cước giá rẻ như Q-Student (MobiFone), TalkEZ (VinaPhone), Hi School, Tomato Green (Viettel). Cụ thể, gói cước học sinh Q-Teen hay Hi School có giá cước 3.000 đồng/100 SMS nội mạng và gói cước sinh viên Q-Student, TalkEZ có giá 100 đồng/SMS, thậm chí gói Tomato Green còn miễn phí mỗi ngày 150 SMS nội mạng.
 
Hơn nữa, các SIM dành cho sinh viên, học sinh mỗi tháng thường được cộng từ 25.000-30.000 đồng với mức cước 100 đồng/SMS nội mạng. Chưa kể, tỷ lệ thuê bao đăng ký sử dụng dịch vụ khi nhận được các tin nhắn rác chỉ khoảng 0,5% nên nếu bỏ ra 300 đồng/SMS thì chắc chắn doanh nghiệp phát tán tin nhắn rác sẽ lỗ vì chi phí quá cao.
 
“Do đó, mức phí trung bình cho mỗi SMS của VinaPhone, MobiFone và Viettel... khi phát tán tin nhắn rác chỉ khoảng 25-35 đồng”, vị chuyên gia này cho biết thêm.

Nhà mạng chưa mạnh tay với tin nhắn rác

Ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm VNCERT cho rằng, mặc dù Nghị định 77/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 về chống thư rác nhằm tạo hành lang pháp lý cho dịch vụ quảng cáo lành mạnh trên di động được phát triển.
 
Nhưng thực trạng cho thấy, các nhà mạng ký hợp đồng với các CP cung cấp dịch vụ SMS Brandname với mức phí lên đến 600 đồng/SMS trong khi nếu dùng các gói dịch vụ thông thường vào thời điểm khuyến mãi chỉ có 30-40 đồng/SMS. Do mức giá chênh lệch lớn như vậy nên các CP thường lựa chọn phát tán tin nhắn rác để quảng cáo đến người dùng thay vì sử dụng các biện pháp quảng cáo di động chính thống.
 
Bên cạnh đó, nhiều nhà mạng khi nhận được cảnh báo về các đầu số phát tán tin nhắn rác của VNCERT từ hệ thống giám sát, tiếp nhận khiếu nại của người dùng đã cắt hợp đồng cung cấp đầu số dịch vụ của doanh nghiệp nhưng chỉ sau 1-2 tuần sau, doanh nghiệp đó “lách luật” bằng việc đổi tên và lại được ký hợp đồng mới với các nhà mạng. “Nhà mạng chưa thực sự mạnh tay và tham gia ngăn chặn phát tán tin nhắn rác”, ông Khánh nhấn mạnh.