Đại gia công nghệ kiện nhau

02/05/2011 16:23 GMT+7

(Thế giới @) - Kết cục của các vụ kiện về công nghệ thường là những phán quyết có lợi cho cả đôi bên với mỗi phía thường chấp nhận nhường một bước.

Kiện kiểu dáng

Việc bắt chước kiểu dáng của nhau trong chế tạo các sản phẩm công nghệ đã có từ thời các sản phẩm này bắt đầu cạnh tranh nhau trên thị trường. Theo các nhà quan sát, một sản phẩm “hot” với người tiêu dùng có thể đến từ bất kỳ một ý tưởng nào. Trong quá khứ, khi điện thoại nắp gập của Motorola ra đời, ngay lập tức nó trở thành một cơn sốt với người tiêu dùng tại Mỹ và trên thế giới. Không lâu sau đó, khi Nokia trình làng mẫu điện thoại nắp trượt thì cả thế giới lại tiếp tục bị cuốn vào “cơn khát” sở hữu một chiếc điện thoại như vậy. Ngay sau sự thành công của nắp gập và nắp trượt cho đến nay, hầu như hãng điện thoại nào cũng đã phát triển các dòng smartphone nắp gập, nắp trượt cho riêng mình.

Cách đây vài năm, khi công nghệ màn hình cảm ứng được phát minh và sử dụng làm màn hình cho điện thoại thì những chú dế “chạm vuốt” lại có cơ hội lên ngôi. Thay vì ngồi gõ từng phím rất lâu trên bàn phím mà nhiều khi có thể làm trầy các con số, ký tự trên đó thì người sử dụng chỉ cần thao tác nhẹ nhàng với các phím ảo trên màn hình. Công nghệ mới này nhanh chóng được các hãng điện thoại áp dụng vào trong sản phẩm của mình. Sự bắt chước được xem là... tất nhiên trong thế giới công nghệ bởi những cái được bắt chước toàn những thứ được cộng đồng người dùng đón nhận mạnh mẽ. “Nếu không bắt chước thì tự hãng đó đã bước ra khỏi cuộc chơi” - Computerworld nhận định.

Apple cáo buộc dòng smartphone và máy tính bảng Galaxy của Samsung “nhái” lại hai sản phẩm iPhone và iPad

Mới đây, Samsung đã bị Apple kiện vì nhái lại kiểu dáng của Apple trong các sản phẩm smartphone và máy tính bảng Samsung Galaxy của mình. Theo lý giải của Apple, các loại điện thoại thông minh và tablet của Samsung đều bắt chước kiểu màn chữ nhật đặt trong khung viền điện thoại cũng có hình chữ nhật với 4 góc bo tròn. Vị trí nút menu trên Samsung Galaxy cũng khá giống như nút menu trên iPhone. Theo Apple, việc bắt chước này mang lại những tác động không tốt tới các khách hàng tiềm năng của hãng. Samsung ngay lập tức tung hỏa mù trên các diễn đàn công nghệ về việc Apple ăn cắp kiểu dáng chiếc Samsung Star S5233 vào trong iPhone. Samsung cũng tuyên bố “đáp trả thích đáng” cho vụ kiện này.

Kiện công nghệ

Sự việc của Samsung cũng không phải là hiện tượng hiếm. Trong năm 2010, các hãng công nghệ cũng từng lôi nhau ra tòa trong những vụ kiện ồn ào về việc sao chép công nghệ của nhau. Cuối năm 2010, nhà sản xuất điện thoại kỳ cựu Motorola của Mỹ đã đâm đơn kiện “lính mới” Apple vi phạm 18 bằng sáng chế của hãng. Motorola cũng cáo buộc dịch vụ MobileMe và gian hàng App Store của Apple xâm phạm nhiều công nghệ thuộc sở hữu của hãng, trong đó có dịch vụ email không dây, cảm biến lân cận, quản lý ứng dụng, các dịch vụ bản đồ và khả năng đồng bộ với nhiều thiết bị.

Trước đó, Nokia cũng đã từng gửi chứng cứ cho tòa án liên bang ở Delaware để buộc tội Apple vi phạm 10 bản quyền của hãng, trong đó có bằng sáng chế cuộc gọi di động và truy cập WiFi. Ngay sau đó, Apple cũng kiện ngược lại Nokia ngay tại tòa án liên bang ở Delaware vì Nokia vi phạm 13 bản quyền sáng chế của hãng này. Song song đó, chính Apple cũng kiện hãng HTC vì đã vi phạm 20 bằng sáng chế của mình.

Giết gà dọa khỉ

Theo các nhà quan sát, thực ra vấn đề “cầm nhầm” các sáng chế, công nghệ của nhau là một tất nhiên vì gần như mọi công nghệ hiện có trên smartphone, máy tính bảng như email không dây, tương tác đồng bộ với máy tính, bản đồ... đều na ná như nhau. Tuy nhiên, từ việc kiện tụng trên đây, các hãng công nghệ muốn “dọa” cho đối thủ phải chùn chân và mặt khác, đánh động dư luận - nhất là với các fan của mình về việc từ chối mua các sản phẩm của đối thủ vì nó chỉ là những sản phẩm sao chép.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, các vụ kiện cũng được xem như một cách để các hãng công nghệ dọa các công ty đang có ý định lăm le tiến đến thị trường mình đang tham gia. Vụ kiện HTC của Apple hay Microsoft kiện Motorola thực chất không phải kiện các hãng này mà mục đích chính là nhắm đến Google với hệ điều hành Android đang được HTC và Motorola sử dụng trong các smartphone, tablet của họ. Hay như Apple kiện Samsung cũng nhằm mục đích “đe” các công ty Trung Quốc đang ăn cắp thiết kế của iPhone.

Theo các chuyên gia, kết cục của các vụ kiện thường là những phán quyết có lợi cho cả đôi bên với mỗi phía thường chấp nhận nhường một bước. Cho tới nay, Samsung vẫn là đối tác cung cấp nhiều linh kiện điện tử cho Apple chế tạo smartphone, tablet trong khi HTC và Apple cũng tuyên bố thắng kiện.