EU ban hành bộ quy tắc bảo vệ thông tin cá nhân

28/01/2012 12:32 GMT+7

Không nhắm vào chất xám như hai dự luật SOPA hay PIPA, châu Âu đưa ra bộ luật mới để bảo vệ thông tin cá nhân, ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến những người khổng lồ công nghệ như Google và Facebook.

Trong một bài phát biểu vào hôm 22-1 vừa qua tại Hội nghị các nhà lãnh đạo công nghệ cao tại Munich, Đức, Phó chủ tịch ủy ban châu Âu Viviane Reding đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ra đời bộ quy tắc bảo vệ thông tin cá nhân mới trong môi trường internet, và thông qua “một cách thức tiếp cận đơn giản và tiết kiệm”.
 
Về cơ bản, bộ quy tắc này sẽ làm rõ trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ internet trong việc bảo quản thông tin người dùng, đồng thời mang lại quyền tự quyết cao hơn cho người dùng về những thông tin cá nhân đã cung cấp cho những công ty trên. Những công ty kiểu như Google, Facebook, Linkedln,… sẽ không được tự do sử dụng những thông tin này như trước đây.
Bộ quy tắc mới sẽ kiểm soát tốt hơn nạn theo dõi, mua bán và đánh cắp thông tin người dùng - Ảnh: Bloomberg
 
Nhờ vào cỗ máy tìm kiếm và các dịch vụ miễn phí đông đảo người dùng, Google có thể tự hào là một nhà thông thái “biết mọi thứ”. Facebook cũng không kém khi “biết nhiều người hơn bất kì ai” nhờ nắm giữ lượng thông tin cá nhân khổng lồ từ mạng xã hội.
 
Sử dụng thông tin cá nhân hiệu quả để quảng cáo theo nhóm đối tượng và xây dựng những tiện ích xã hội có sinh lợi nhuận là chiến lược phát triển cơ bản của Facebook, Google và rất nhiều những nhà dịch vụ internet khác.
 
Tuy vậy, việc nắm giữ thông tin cá nhân của hàng triệu, thậm chí hàng tỉ người trên thế giới sẽ dẫn đến rủi ro thất thoát dữ liệu sau các vụ tấn công của tin tặc, hoặc dữ liệu bị sử dụng sai mục đích và phi pháp - điều mà các bộ luật của châu Âu hiện tại chưa đủ mạnh để kiểm soát và răn đe.
 
Theo Reuters, Bộ Quy tắc bảo vệ dữ liệu mới của châu Âu dự kiến được ban hành vào ngày 25-1. Từ bộ quy tắc này, các nhà lập pháp sẽ mất ít nhất hai năm để hoàn thiện thành bộ luật. Vì vậy, các nhà cung cấp dịch vụ internet không bị bắt buộc phải thực hiện đúng theo quy tắc trước năm 2014 hoặc 2015.
 
Tuy chưa bị “sờ gáy”, nhưng hiện tại các ông lớn vẫn sẽ phải tìm cách dịch chuyển để thích nghi với những điều kiện mới từ EU. Theo tờ Financial Times, nếu một công ty bị đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng hoặc xử lý dữ liệu đó sai mục đích, mức phạt có thể từ 1% đến 5% doanh thu trên toàn cầu của công ty đó.
 
Bộ quy tắc này cũng sẽ mang lại quyền tự quyết cao hơn cho người dùng. Bạn có quyền được “lãng quên” nếu không muốn những thông tin, lý lịch của mình xuất hiện trên internet nữa; có quyền được chuyển những thông tin này về một nhà cung cấp dịch vụ internet khác.